Nga đổi chiến thuật, Ukraine tìm đến Mỹ để phá thế bế tắc?

Kiều Anh |

Nga rút ra bài học từ các cuộc tấn công trước đó và thử nghiệm những chiến thuật mới. Các quan chức Mỹ cho rằng khi xung đột bước sang năm thứ hai, quân đội Ukraine sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn để giành lại lãnh thổ từ Nga.

Chiến thuật của Ukraine khi xung đột rơi vào bế tắc

Trong 10 tháng xung đột, quân đội Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ phương Tây, từ đó tăng cường tấn công vào tuyến hậu cần và kho đạn dược của Nga, đồng thời tiến hành các cuộc phản công để giành lại lãnh thổ.

Trước các cuộc tấn công dồn dập của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng, Ukraine vẫn cố gắng củng cố các vị trí trên tiền tuyến.

Tuy nhiên, cục diện cuộc xung đột có thể sẽ thay đổi trong những tháng tới khi Nga cải thiện năng lực phòng thủ và huy động nhiều lực lượng hơn trên chiến trường. Điều này sẽ khiến Ukraine gặp khó khăn hơn trong việc giành lại các vùng lãnh thổ Nga đang kiểm soát.

Nga đổi chiến thuật, Ukraine tìm đến Mỹ để phá thế bế tắc? - Ảnh 1.

Tập trận quân sự của Ukraine vào tháng 11/2022. Ảnh: New York Times

Tất cả những nhân tố trên có thể khiến cuộc xung đột trong năm thứ hai tiếp tục rơi vào bế tắc, khi mà không quân đội bên nào có thể giành chiến thắng đáng kể, bất chấp giao tranh ác liệt.

"Tôi nghĩ việc củng cố quyền kiểm soát các khu vực hiện tại sẽ dễ dàng hơn cho Ukraine so với việc tiến hành các cuộc tấn công để giành các vùng lãnh thổ khác. Chúng ta cần cung cấp cho Ukraine các khóa huấn luyện và trang thiết bị cần thiết để thực hiện điều này", Evelyn Farkas, cựu quan chức cấp cao Lầu Năm Góc nhận định.

Trong 6 tháng qua, Ukraine cho biết các lực lượng của nước này đã làm chậm đà tiến công của Nga ở Donbass, giành lại các vùng lãnh thổ ở Đông Bắc và Kherson - một thành phố quan trọng ở phía Nam Ukraine. Tuy nhiên, Kiev cũng đối mặt với tổn thất lớn về lực lượng, vũ khí và đạn dược. Trên thực tế, trong cuộc xung đột này, số lượng đạn pháo Ukraine sử dụng trong một tuần thậm chí còn nhiều hơn số lượng mà Mỹ có thể sản xuất trong 1 tháng.

Gần đây, các quan chức cấp cao Ukraine đã cảnh báo về khả năng Nga tiến hành một cuộc tấn công lớn. Dù vậy, một số nhà quan sát cho rằng các lực lượng của Moscow chưa sẵn sàng cho bất kỳ trận đánh lớn nào trong một vài tháng tới.

Các quan chức Ukraine cho biết họ có kế hoạch tiếp tục các cuộc phản công với trọng tâm dồn vào phía Nam - nơi mà giới lãnh đạo quân sự và chính trị Ukraine tin rằng họ cần đạt được thành quả trước khi Nga một lần nữa giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ quan trọng này.

Các quan chức Mỹ cho biết, Ukraine có thể sẽ tránh điều quân trực tiếp tới Crimea mà thay vào đó sẽ thực hiện các chiến dịch bí mật nhằm làm gián đoạn nguồn cung hậu cần quan trọng của Nga, cũng như không kích vào các vị trí quân sự của Moscow trên bán đảo này.

Các quan chức Ukraine đã nhận định với những người đồng cấp Mỹ rằng, việc hạn chế khả năng của Nga ở Crimea có ý nghĩa quan trọng. Theo đó, nếu sức ép với quân đội Nga được nới lỏng, điều đó sẽ cho phép Moscow di chuyển nhiều lực lượng và thiết bị phòng thủ từ đây tới các khu vực khác.

Ukraine đang dựa vào nguồn tin tình báo của Mỹ để xác định các vị trí sơ hở của Nga. Tuy nhiên, khả năng tấn công của Ukraine nhằm vào các căn cứ và tuyến hậu cần của Nga vẫn chưa đủ để đẩy lùi quân đội đối phương khỏi các khu vực mà nước này tập trung lực lượng.

Nga đổi chiến thuật, tập trung phòng thủ và tăng cường lực lượng

Trong những tuần gần đây, các quan chức quân sự Ukraine cho biết, Moscow đã tăng cường tấn công vào phòng tuyến của quân đội nước này, khiến thương vong phía Ukraine gia tăng. Bên cạnh đó, việc Nga huy động 300.000 binh lính dự bị động viên cũng sẽ tạo nên khác biệt đáng kể.

Các lực lượng của Nga hiện đang củng cố các vị trí phòng thủ và xây dựng hào chiến. Moscow cũng từ bỏ các khu vực cần số lượng lớn lực lượng, mà thay vào đó di chuyển linh động để củng cố quyền kiểm soát các khu vực dễ dàng hơn.

Các quan chức Mỹ nhận định, việc rút khỏi Kherson là một minh chứng quan trọng cho thấy Nga đã rút ra được bài học từ những chiến dịch trước đó. Việc Nga rút quân khỏi Kherson cho phép các lực lượng của nước này sử dụng sông Dnipro để phòng thủ trước các cuộc tấn công xa của Ukraine.

Tướng Sergei Surovikin, người chịu trách nhiệm chỉ huy các lực lượng của Nga kể từ tháng 10, chủ trương tập trung vào phòng thủ chiến lược. Trên thực tế, những cuộc tiến công hiện nay của Nga vào Bakhmut nằm ở Donbass, phía Đông Ukraine vẫn tương đối hạn chế, bởi Moscow muốn củng cố vững chắc hơn các vị trí để đối phó với cuộc phản công của Ukraine.

Nga đang "củng cố các vị trí, xây dựng mạng lưới chiến hào và các chốt kiểm tra", Dara Massicot, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại Tập đoàn RAND cho hay.

Bà Massicot cho rằng, Tướng Surovikin cũng đang thử nghiệm các chiến thuật mới cho lực lượng không quân Nga, trong đó có chiến thuật tấn công tên lửa để gây nhiễu hệ thống phòng không của Ukraine. Những chiến thuật mới của Nga có thể khiến xung đột ở Ukraine ở thế giằng co khi cả hai bên đều cố gắng để giành được ưu thế, nếu đàm phán không diễn ra.

Ở một khía cạnh nào đó, cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay xoay quanh vấn đề đạn dược và nguồn cung vũ khí - 2 nhu cầu cơ bản có thể quyết định thành bại của mỗi bên.

"Đây là cuộc cạnh tranh giữa ngành công nghiệp quốc phòng của phương Tây và Nga", Seth G. Jones, Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược bình luận.

Sự hỗ trợ của Mỹ có giúp Ukraine phá thế bế tắc?

Trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang ở thăm Washington, chính quyền Tổng thống Biden đã công bố gói hỗ trợ mới trị giá 1,8 tỷ USD cho Ukraine, trong đó bao gồm việc chuyển giao hệ thống Patriot và các loạt đạn dẫn đường chính xác, các quan chức cấp cao Mỹ cho hay. Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Mỹ đã cung cấp hơn 20 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Gói hỗ trợ được công bố ngày 21/12 lần đầu tiên bao gồm hệ thống phòng không Patriot và bom dẫn đường chính xác. Hệ thống tên lửa Patriot có thể được sử dụng để bảo vệ các mục tiêu quân sự và dân sự của Ukraine. Các tên lửa của nó được thiết kế để tấn công các mục tiêu ở độ cao lớn và độ cao trung bình như tên lửa, chiến đấu cơ, máy bay ném bom và UAV.

Theo một số nghị sĩ và chuyên gia Mỹ, Ukraine sẽ cần nhiều vũ khí hơn để tránh rơi vào tình thế bế tắc trong những tháng xung đột sắp tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại