Theo báo cáo của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mới đây tuyên bố, sẽ mua hơn 500 máy bay không người lái (UAV) tự sát KARGU.
Loại UAV này được phát triển bởi Công ty Thương mại và Kỹ thuật Công nghệ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và chủ yếu được sử dụng cho các hoạt động chống khủng bố và chiến tranh bất đối xứng.
Hiện, theo yêu cầu của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, Công ty này đang đẩy mạnh chế tạo 20 UAV đầu tiên để phục vụ thực hiện chiến thuật tấn công “bầy ong” quy mô lớn. Ankara cho rằng, chiến thuật này sẽ thay đổi các quy tắc của chiến trường.
UAV KARGU sử dụng thiết kế bốn cánh quạt, nặng khoảng 7 kg, tốc độ tối đa khoảng 145 km và có thời lượng pin 30 phút. UAV này có chế độ điều khiển bán tự động hoặc thủ công, được trang bị thiết bị quan sát trên không và có phạm vi điều khiển khoảng 10 km.
Từ quan điểm về độ cao, tầm bay và thời gian đình trệ, thì hiệu suất tác chiến của loại UAV này đã được nâng cao so với các loại UAV tự sát hiện nay, đặc biệt là trong việc định vị mục tiêu và giảm tiếng ồn, tăng cường hơn nữa khả năng sống sót trong quá trình trinh sát và chiến đấu.
KARGU có thể mang một tên lửa nặng khoảng 1,4 kg được trang bị 3 loại đầu đạn khác nhau, tùy thuộc vào mục đích chiến đấu, gồm: Đầu đạn nổ, được sử dụng để tiêu diệt binh lính và các mục tiêu không bọc thép trong địa hình mở; đầu đạn nhiệt áp, được sử dụng để tiêu diệt mục tiêu trong không gian hạn chế như tòa nhà hoặc công sự; đầu đạn xuyên giáp, dùng để tấn công các mục tiêu bọc thép hạng nhẹ.
Trong quá trình chiến đấu, ở chế độ điều khiển thủ công, lực lượng điều khiển mặt đất có thể theo dõi, xác định mục tiêu thông qua camera hồng ngoại và hệ thống hình ảnh laser trên máy bay, sau đó trực tiếp đưa ra hướng tấn công cho UAV. Nếu không tìm thấy mục tiêu, UAV có thể an toàn trở lại khu vực điều khiển.
Trong chế độ bán tự động, lực lượng điều khiển mặt đất có thể điều khiển UAV đến một khu vực cụ thể, sau đó UAV có thể phát hiện và tấn công mục tiêu một cách tự động.
Trong khi giữ liên kết điều khiển không bị chặn, binh lính vận hành cũng có thể phát lại lệnh nhiệm vụ, hoặc nếu cần, có thể từ bỏ nhiệm vụ tấn công. Ngoài ra, loại UAV này cũng có thể được sử dụng như một tên lửa bình thường để tấn công các mục tiêu cố định.
Các thử nghiệm đã chỉ ra rằng, một UAV KARGU được trang bị đầu đạn nổ có thể tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu trong phạm vi đường kính khoảng 6 m, nếu sử dụng nhiều UAV loại này có thể thực hiện các hoạt động tấn công trong phạm vi lớn hơn.
Ngoài việc tấn công vào các khu vực tập trung nhiều mục tiêu, loại UAV này còn có thể thực hiện các cuộc tấn công nhanh với quy mô lớn vào các mục tiêu không được bảo vệ như đội xe vận tải, ăng ten radar, đạn dược và kho nhiên liệu. Khi kết hợp cả 3 loại đầu đạn, nó có thể thực hiện các hoạt động tấn công phức tạp hơn.
Chiến thuật bầy ong của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay đổi quy tắc chiến trường. Nguồn: people.com.cn. |
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, xem xét trên góc độ kích thước và cấu hình của KARGU, mẫu máy này được coi là một lựa chọn giá rẻ và hiệu suất cao, và nó rất hiệu quả trong việc sử dụng các chiến thuật tấn công “bầy ong”. Đặc điểm của chiến thuật bầy ong là gây nhầm lẫn và triệt tiêu hàng phòng thủ của đối phương. Ngay cả khi nó bị bắn hạ trước khi tấn công, nó vẫn có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho mục tiêu. |
Năm 2019, Công ty Kỹ thuật và Thương mại Công nghệ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã bắt đầu nâng cao khả năng tác chiến tự chủ hay tác chiến theo chiến thuật của loại UAV này.
Hiện vẫn chưa rõ số lượng UAV mà Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng để thực hiện chiến thuật “bầy ong”, nhưng chỉ cần sử dụng 20 UAV này trong một cuộc tấn công theo chiến thuật trên cũng sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả chiến đấu.
Nếu loại UAV này thực hiện chiến thuật “bầy ong” ở chế độ hoàn toàn tự động, nó sẽ mang lại khả năng chiến đấu đáng sợ cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên thực tế, thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã rất thành công trong việc sử dụng quy mô lớn UAV trinh sát và tấn công trong một đội hình hỗn hợp tại chiến trường Syria và Lybia. Đây có thể được coi là hoạt động thử nghiệm chiến thuật “bầy ong” của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiến thuật này đã nhiều lần làm Nga phải nhận “quả đắng” dù cho Moscow đã đưa tới Syria những vũ khí phòng không “khủng”.
Tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thành công với việc sử dụng các bầy đàn UAV khiến lực lượng quân sự Syria thiệt hại nặng. Chuyên gia Charles Lister thuộc Viện nghiên cứu Trung Đông của Mỹ đánh giá, thành công quân sự lớn và duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria chính là chiến thuật sử dụng UAV quân sự quy mô lớn.
Không chỉ thành công ở Syria, chiến thuật sử dụng bầy đàn UAV của Thổ Nhĩ Kỳ còn phát huy tác dụng ở chiến trường Lybia.
Lực lượng của Thủ tướng Fayez al-Sarraj – GNA được hỗ trợ bởi Thổ Nhĩ Kỳ đã rất thành công với chiến thuật bầy đàn UAV để đẩy lùi lực lượng của Thống chế Khalifa Haftar - LNA ra khỏi nhiều vị trí quan trọng gần Thủ đô Tripoli.
Dù cho LNA được trang bị nhiều vũ khí phòng không hiện đại và đã được cảnh báo về sự nguy hiểm của các bầy đàn UAV tấn công do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, nhưng cũng không thể ngăn chặn được chiến thuật tấn công này.
Nói tóm lại, chiến thuật bầy đàn UAV tấn công có thể không hiệu quả đối với các căn cứ quân sự lớn với nhiều lớp phòng thủ cứng và mềm, nhưng lại rất hữu hiệu với các đoàn quân quy mô nhỏ đang di chuyển.
Việc thiếu các hỏa lực phòng không hữu hiệu sẽ biến họ phơi mình trước hỏa lực tấn công đột kích, chính xác cao. Chiến thuật này chắc chắn sẽ được nhiều quốc gia nghiên cứu áp dụng và đưa ra phương án đối phó trong tương lai.