Nga không thể buộc Iran rời khỏi Syria?
Trong khi chính quyền cựu Tổng thống Obama hân hoan vì thỏa thuận hạt nhân với Iran cách đây vài năm, Mỹ đã gần như bỏ mặc cho những nỗ lực của Tehran trong việc mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông và sự tham gia tích cực trong cuộc nội chiến Syria.
Với việc cuộc chiến Syria đang đến hồi kết, tâm điểm hiện tại đang tập trung vào các vấn đề như tái thiết, di dời người tị nạn cũng như số phận các lực lượng nước ngoài đang có mặt ở Syria.
Trong đó lực lượng của Iran được cho là gây ra nhiều tranh cãi nhất khi lập trường từ phía Mỹ và Israel đều yêu cầu Nga cần phải có các giải pháp buộc Tehran rời khỏi Syria sau khi đã hoàn thành xong nhiệm vụ hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Assad.
Về phần mình, Moscow đã tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận về lợi ích an ninh của Tel Aviv.
Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Vladimir Putin đã gặp nhau trực tiếp ba lần trong sáu tháng qua, và hiện tại cả Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cùng Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Đại tướng Valery Gerasimov đều có mặt ở Israel để đảm bảo rằng các hoạt động của Syria ở miền nam Cao nguyên Golan sẽ không bị cản trở; đồng thời giải quyết mối quan tâm của Israel về sự phát triển của Iran gần đây.
Trọng tâm của các cuộc thảo luận với Nga - một chìa khóa cho tương lai ở Syria - là về những động thái tiếp theo của chính quyền Assad sau khi chiếm lại lãnh thổ từ phiến quân cũng như những cam kết về việc bảo đảm lực lượng do Iran hậu thuẫn rời khỏi miền nam Syria.
Israel hiện đã chấp nhận rằng Tổng thống Assad đã thắng và đang tìm cách thiết lập lại tình hình ở Cao nguyên Golan. Trong khi Nga hiện cam kết sẽ giữ cho Iran và lực lượng đồng minh cách xa 100 km (62 dặm) từ biên giới Israel.
Ý tưởng ban đầu của chính quyền Netanyahu là muốn Moscow cần loại bỏ hoàn toàn Iran ra khỏi Syria, nhưng rõ ràng đây là đề nghị mà ông Putin không thể thực hiện - ngay cả khi điều đó cũng nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong phát biểu gần đây, đại sứ Nga tại Israel đã bảo vệ sự hiện diện của Iran ở Syria: "Họ đang đóng một vai trò rất, rất quan trọng trong nỗ lực chung của chúng tôi để loại bỏ những kẻ khủng bố ở Syria. Đó là lý do tại sao, trong khoảng thời gian này, bất kỳ yêu cầu trục xuất lực lượng nước ngoài nào ra khỏi Syria đều là không thực tế".
"Chúng tôi luôn nói chuyện với các đối tác Iran một cách thẳng thắn và cởi mở, cố gắng thuyết phục họ làm hoặc không làm điều gì đó", ông nói thêm. Khi được hỏi liệu Nga có thể trục xuất Iran bằng vũ lực hay không, ông trả lời: "Chúng tôi không thể".
Với những tuyên bố trên, Israel chỉ có thể tìm kiếm những mục tiêu khả dĩ nhất như loại bỏ các tên lửa tầm xa của Iran trên khắp Syria, hay ngăn chặn đường vận chuyển vũ khí của Hezbolla qua biên giới với Lebanon.
Nhưng trong tương lai, Israel chắc chắn sẽ tiếp tục yêu cầu tất cả lực lượng Iran đang có mặt tại đây cần phải rời đi. Vấn đề ở đây là họ sẽ làm bằng cách nào.
Tổng thống Putin đã phản ứng tích cực với mối quan tâm của Israel, dẫu vậy Nga chưa cho thấy được nước này sẽ cung cấp cho Tel Aviv những giải pháp thực tế và thậm chí là hướng đi chi tiết mà Moscow dự định sẽ thực thi.
Cuộc chơi lâu dài của Iran
Iran sẽ tạm dừng để đánh giá lại tình hình trước khi tiếp tục cuộc chơi của mình ở Trung Đông.
Theo tờ Washington Times, sự hiện diện của Iran ở miền nam Syria không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất trong lúc này đối với Israel.
Giới lãnh đạo Iran có thể sẽ mất một thời gian nữa để nghiên cứu tình hình quân sự mới trước khi thực hiện bất kỳ động thái mới nào gần biên giới Israel.
Họ cũng sẽ xem xét mối quan hệ Trump-Putin phát triển sau cuộc họp Helsinki và mức độ mà ba thế lực chính (Israel, Nga và Mỹ) dự định sẽ hợp tác để hạn chế sự mở rộng của Iran ở Trung Đông, đặc biệt là ở Syria.
Về cơ bản, các sự kiện ở Syria đã dạy cho người Iran một vài bài học quan trọng. Thứ nhất, Israel có tình báo xuất sắc ở Syria. Họ biết chính xác nơi mà các lực lượng và thiết bị của Iran đặt trong lãnh thổ Syria.
Thứ hai, Israel sẽ không ngần ngại tấn công các căn cứ và nhân sự Iran trong Syria khi lợi ích an ninh của họ bị đe dọa, và điều này đã được phản ánh bằng các cuộc tấn công liên tiếp thời gian qua.
Thứ ba, người Nga sẽ không còn quan tâm đến các mục tiêu của Iran bị tấn công. Cả Israel và Nga đều được thông báo về các hoạt động của mình để tránh bất kỳ thương vong nào đáng tiếc có thể xảy ra.
Hiện tại, Israel không muốn trượt vào một cuộc chiến với Syria và sẽ cố gắng hạn chế các hành động quân sự trong lúc chính quyền Assad đang tiến hành chiến dịch ở miền Nam.
Các lực lượng của Syria đang tăng cường hỏa lực chống lại phiến quân, trong khi Israel đang giữ vai trò của mình trong khu vực ở mức tối thiểu và có thể sẽ sớm chấm dứt sứ mệnh nhân đạo đối với các làng mạc gần biên giới .
Tuy nhiên, về phần mình, người Iran đang cho thấy sự kiên nhẫn rất lớn, và rõ ràng là họ đang chơi một trò chơi chiến lược dài hạn âm thầm.