Sự việc Nga chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Syria tiếp tục là đề tài nóng trong những ngày qua. Một nguồn tin ngoại giao hôm 8/10 chia sẻ với TASS rằng từ 1/10, 3 tiểu đoàn S-300PM với 24 bệ phóng cùng 300 quả đạn đã được chuyển tới Syria.
Đặc biệt, các hệ thống tên lửa S-300PM được chuyển cho phía Syria hoàn toàn miễn phí.
Còn thiếu hơn 100km!
Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như trước khi chính thức tiến hành các cuộc không vận S-300 bằng An-124 Ruslan tới Khmeimim, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố sẽ chuyển giao hệ thống S-300 có tầm bắn hơn 250km cho Syria.
Tuy nhiên, lục tìm tài liệu đã được công bố về hệ thống S-300 thì phiên bản S-300PM "còn khuya" mới có tầm bắn 250km.
Tạp chí Bastion-Kapenko cho hay, S-300PM là phiên bản nâng cấp trên cơ sở S-300PS với một loạt các thay đổi liên quan tới các "phần mềm và phần cứng". Các công việc thử nghiệm được hoàn tất vào năm 1988 và đưa vào phục vụ đầu những năm 1990.
Hệ thống tên lửa S-300PM có thể tiêu diệt các mục tiêu khí động cách xa đến 150km, mục tiêu đạn đạo 40km, các mục tiêu bay thấp 50-100m là từ 28-38km. Đài điều khiển 30N6 có thể dẫn đường cho 12 tên lửa tấn công 6 mục tiêu cùng lúc.
Dù cho tầm bắn 150km là đã xa, nhưng rõ ràng so với tuyên bố của ông Shoigu thì vẫn còn "thiếu hơn 100km" mới chuẩn và đủ. Nước Nga đang làm gì vậy, phải chăng họ "chùn bước" trước lời đe dọa của Israel-Mỹ nên mới chuyển giao S-300 "thiếu km"?
Muốn nhanh thì tạm dùng S-300PM, lâu hơn sẽ có hàng xịn
Thực tế, nếu đòi hỏi Moscow phải chuyển giao hệ thống tên lửa S-300 mới tinh trong vòng chỉ vài tuần là điều không tưởng vào lúc này. Việc sản xuất hay là nâng cấp từ nền tảng cũ đều sẽ mất nhiều tháng, thậm chí là cả năm trời.
Mà với tình hình cấp bách sau thảm kịch IL-20, không có thời gian để chuẩn bị cho việc đó. Nhanh nhất là việc giao các hệ thống đang sử dụng trong Quân đội Nga bấy lâu nay.
Bệ phóng tự hành S-300.
Nguồn tin của TASS cũng thừa nhận việc Moscow mới chỉ gửi "miễn phí" các tên lửa S-300 đã qua sử dụng lấy từ các kho niêm cất.
Cụ thể, nguồn tin tiết lộ, các tiểu đoàn tên lửa S-300PM chuyển cho Syria từng được triển khai tại một trung đoàn thuộc lực lượng không gian vũ trụ Nga – đơn vị này hiện đã chuyển sang sử dụng tổ hợp S-400 Triumf.
Dẫu vậy, Damascus có thể yên tâm rằng, các tổ hợp tên lửa S-300PM mà họ vừa nhận được đều trong tình trạng tốt nhất, hoàn toàn có thể chiến đấu được ngay.
"Các tổ hợp tên lửa được chuyển cho Syria đã được sửa chữa tại các doanh nghiệp quốc phòng Nga, trong tình trạng tốt và có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu", nguồn tin tiết lộ.
Còn về lâu về dài, Damascus có thể nhận được các hệ thống S-300 có tầm bắn đầy đủ. Bởi cách đây vài năm trước, Syria được cho là đã gửi 1 tỷ USD thanh toán cho Nga hợp đồng mua S-300.
Tuy nhiên do áp lực quốc tế, Moscow đã không thể chuyển giao tên lửa. Thế nhưng giờ đây tình hình đã khác, Nga-Syria không còn bất kỳ sự cản trở nào để tiến tới "tiền trao cháo múc".
Hiện vẫn chưa rõ liệu Syria sẽ mua phiên bản S-300 nào, nhưng chắc hẳn nó sẽ là hệ thống mạnh mẽ cỡ như S-300PMU2 hay là S-300VM.
Đó là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại thực tế tuy có "thiếu hơn 100km", nhưng S-300PM vẫn là đủ dùng.
Thiếu chút nhưng vẫn đủ để "vít cổ" F-35
Thật vậy, với tầm bắn lên tới 150km, tên lửa S-300PM vốn dĩ cũng thừa sức "tóm cổ" hầu hết các loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất, bao gồm cả tiêm kích F-35I của Không quân Israel.
F-35I tuy sở hữu khả năng tàng hình có thể thâm nhập sâu vào khu vực được mạng lưới radar dày đặc bảo vệ. Thế nhưng, năng lực chiến đấu của F-35I hiện nay vẫn chưa hoàn thiện.
S-300PM vẫn có thể "vít cổ" F-35.
Cụ thể, các máy bay F-35I của Israel chưa được trang bị tên lửa hành trình có thể bắn ngoài tầm phòng không như AGM-158 JASSM. Để không kích mục tiêu mặt đất, F-35I chỉ có thể mang bom và điều đó buộc nó phải bay sâu vào bên trong khu vực cần đánh phá.
Mà càng vào gần, khả năng bị "mắt thần bắt sống" càng cao và chắc chắn Moscow – Damascus sẽ không bỏ lỡ cơ hội "hạ nhục" danh tiếng bất bại của Không quân Israel.
Nếu chọn một giải pháp an toàn hơn, người Israel có thể sử dụng F-35I để săn tìm tiêu diệt S-300 bằng việc sử dụng tên lửa chống radar AGM-88 HARM – loại vũ khí đối đất tầm xa duy nhất mà Israel có trong tay lắp được vào khoang bom của F-35I.
Thế nhưng, mang được là một chuyện, tìm được mục tiêu S-300 hay không là chuyện khác. Đó là những câu hỏi mà ngành tình báo Israel phải giải mã trước khi tiến hành cuộc phiêu lưu quân sự.
Kể cả nếu có tìm được mục tiêu, Israel bắt buộc phải lựa chọn phương án mạo hiểm với F-35I. Bởi HARM tuy bắn xa đến 150km, nhưng thực tế cũng như S-300, phạm vi bắn hiệu quả đạt chính xác cao nhất thường chỉ rơi vào một nửa hoặc 2/3.
Cho nên, để tiêu diệt được đài điều khiển S-300, Israel bắt buộc phải đưa F-35I vào trong phạm vi tác chiến của "ba trăm". Đó gần như là một hành động tự sát!
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Hệ thống tên lửa S-300 có thể tiêu diệt hầu hết mục tiêu trên không.