Chuyện bất thường gì đang xảy ra với siêu tiêm kích Su-57 của Nga?

Anh Tú |

Do xảy ra một loạt các vấn đề kỹ thuật cũng như việc thiếu ngân sách đầu tư nên chương trình phát triển dòng máy bay thế hệ 5 Su-57 của Nga đã diễn ra "như rùa bò".

Chính phủ Nga đã quyết định tăng số lượng máy bay tiêm kích tàng hình Su-57 trong đơn hàng đầu tiên với cam kết sẽ mua tới 76 chiếc, tức nhiều gấp 5 lần so với kế hoạch dự tính ban đầu đưa ra trong năm 2018.

Thông tin trên được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố trong bối cảnh tiến trình phát triển dòng máy bay thế hệ 5 này bị đình trệ và liên doanh Ấn Độ đã rút khỏi dự án. Moscow cũng tỏ ý chào bán Su-57 cho Istanbul nếu Thổ Nhĩ Kỳ bị đẩy khỏi chương trình chế tạo máy bay tiêm kích F-35 với Mỹ.

Su-57 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 19/1/2010 trong khoảng thời gian 47 phút từ nhà máy sản xuất máy bay Yuri Gagarin có trụ sở ở vùng Viễn Đông nước Nga. Khi đó, Su-57 đã gây bất ngờ với giới quan sát phương Tây vì họ không biết rằng Nga đang nghiên cứu phát triển một chương trình máy bay tiêm kích mới.

Chuyện bất thường gì đang xảy ra với siêu tiêm kích Su-57 của Nga? - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-57 nhìn từ phía dưới

Su-57 là dòng máy bay thế hệ 5 đầu tiên của Nga và được xếp cùng hạng với các máy bay F-22 Raptor, F-35 Lightning II của Mỹ và J-20 của Trung Quốc. Cũng giống như nhiều chiến đấu cơ thế hệ 5 khác, Su-57 nổi trội so với các máy bay thế hệ trước nhờ thiết kế tàng hình, các hệ thống radar mạnh mẽ và khả năng bay siêu thanh.

Theo kế hoạch dự kiến thì Su-57 sẽ được đưa vào sản xuất vào năm 2020 nhưng một loạt các vấn đề kỹ thuật cũng như thiếu ngân sách đầu tư nên chương trình phát triển dòng máy bay thế hệ 5 này đã diễn ra "như rùa bò".

Một trong những vấn đề lớn nhất đó là phát triển các động cơ mới cho Su-57. Động cơ Izdeliye 30 đã được nghiên cứu chế tạo cho Su-57 và theo tính toán sẽ đạt lực đẩy tối đa 41.000 pound, nghĩa là 2 động cơ của Su-57 sẽ tạo ra tổng lực đẩy 82.000 pound. Tuy nhiên, Izdeliye 30 đã chứng tỏ là rất khó chế tạo và hiện nay mới chỉ đang ở giai đoạn thử nghiệm.

Do hệ quả từ những vấn đề nêu trên nên Nga mới chỉ sản xuất được 9 nguyên mẫu và cho tới tận gầy đây Moscow mới chỉ quyết định mua 16 chiếc đến năm 2027. Đây là con số đối nghịch rất lớn với kế hoạch đưa ra ban đầu là sẽ mua từ 400 - 450 chiếc trong giai đoạn từ 2020 - 2040.

Chuyện bất thường gì đang xảy ra với siêu tiêm kích Su-57 của Nga? - Ảnh 2.

Động cơ Izdeliye 30 chế tạo cho Sukhoi-57

Ấn Độ, quốc gia từng cam kết đầu tư 6 tỉ USD cho dự án chung phát triển Su-57 với hy vọng sẽ được mua chúng ngay khi hoàn thiện, đã quyết định rút hoàn toàn khỏi chương trình vì quá thất vọng với tiến độ chậm chạm của nó cũng như việc Nga giữ bí mật một cách thái quá.

Theo thông tin mới nhất từ FlightGlobal thì đến năm 2028 Nga sẽ mua 76 chiếc Su-57, số lượng đủ trang bị cho 3 trung đoàn không quân với mỗi trung đoàn 24 chiếc và 3 chiếc còn lại dùng để dự phòng.

Quyết định đột biến này được Chính phủ Nga đưa ra với cam kết từ nhà sản xuất sẽ giảm giá 20% cho mỗi chiếc Su-57. Tuy nhiên cả Moscow và Sukhoi chưa bên nào đưa ra lời giải thích tại sao Su-57 lại đột ngột trở nên rẻ đến như vậy.

Trong khi đó, theo truyền thông Nga Su-57 sẽ được trang bị các tên lửa siêu thanh không đối đất cực kỳ hiện đại, bay ở vận tốc trên Mach 5 và các hệ thống phòng không hiện tại không thể phát hiện được chúng.

Chương trình chế tạo máy bay Su-57 của Nga đã phải trải qua không ít lộn xộn trong những năm vừa qua và mặc dù cũng đã có những dấu hiệu tiến triển, nhất là với động cơ, nhưng tiến triển đến mức nào thì vẫn cần phải chờ xem.

Nga từng đã buộc phải thu hẹp các kế hoạch đầy tham vọng trang bị cho không quân những máy bay mới. Việc Moscow tuyên bố sẽ mua 76 chiếc Su-57 trong 8 năm tới cũng không phải là mối đe dọa gì ghê gớm với Mỹ, bởi chỉ tính riêng năm 2019, Mỹ và các quốc gia đồng minh sẽ tiếp nhận tới 141 chiếc F-35.

Phi đội 6 chiếc tiêm kích Su-57 tháp tùng Tổng thống Putin

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại