Tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II do Tập đoàn Lochkheed Martin của Mỹ chế tạo đang đứng trước cơ hội trở thành chiến đấu cơ thế hệ 5 thành công nhất trong lịch sử.
Bất chấp những ồn ào không dứt về những lỗi kỹ thuật phát sinh, F-35 đang trở thành món hàng thu hút rất nhiều sự quan tâm trên thị trường vũ khí thế giới khi nó cơ bản giải quyết xong các vướng mắc.
Số lượng đặt hàng F-35 đang không ngừng gia tăng một cách chóng mặt, con số chế tạo có thể sớm tiến tới mốc 3.000 máy bay, khiến cho giá thành mỗi chiếc ước chừng chỉ còn 80 triệu USD, rẻ hơn cả Su-35S.
Trong khi Mỹ bắt đầu hái trái ngọt với chiếc F-35 thì ở chiều ngược lại, tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga chưa biết bao giờ mới đạt được trạng thái chiến đấu đầy đủ.
Tuy rằng đã trải qua một thời gian dài phát triển với số lượng kỷ lục nguyên mẫu thử nghiệm được chế tạo, vậy nhưng lô Su-57 đầu tiên được sản xuất cho Không quân Nga vẫn chưa có đầy đủ sức mạnh như thiết kế.
Ngoài những phàn nàn về diện tích phản xạ radar quá cao thì động cơ cho Su-57 chính là vấn đề nan giải nhất, do sản phẩm Izdeliye 30 chưa biết bao giờ mới hoàn tất các bài kiểm tra, khiến Su-57 vẫn phải dùng tạm động cơ AL-41F1S lắp cho Su-35S.
Tương lai của dự án chế tạo tiêm kích tàng hình Su-57 thậm chí còn trở nên u ám hơn khi Ấn Độ chính thức rút chân khỏi chương trình FGFA liên doanh với Nga, khiến nguồn cung cấp tiền chính cho Su-57 bị gián đoạn.
Trước tình cảnh này, khi chưa chế tạo được phương tiện đủ khả năng tạo đối trọng thì có vẻ như Nga đang tìm cách thay đổi hướng tiếp cận, đó là chiếm giữ bí mật áp dụng trên F-35 nhằm đề ra phương án đối phó phù hợp.
Nhưng để sở hữu công nghệ mật trên F-35 không phải là điều dễ dàng do Mỹ vẫn thực thi các biện pháp bảo mật rất cao, cực khó để tình báo nước ngoài có thể ăn cắp.
Do vậy một hướng đi đang được nhắc tới và thu hút khá nhiều sự quan tâm của các nhà phân tích tình hình quân sự quốc tế, đó là Nga sẽ tìm cách trao đổi công nghệ của S-400 để đổi lấy điều tương tự trên F-35.
Moskva đang thực hiện hợp đồng cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf cho Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, hai quốc gia này theo dự đoán có thể sớm nhận được tiêm kích F-35 trong tương lai gần.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Ấn Độ khi mua S-400 đều có yêu cầu được chuyển giao công nghệ để sản xuất tại chỗ, nhưng Nga chắc chắn sẽ không đồng ý nếu chưa có hành động "đáp lễ".
Khả năng đang được nhắc tới đó là Nga cùng với hai quốc gia trên sẽ ngấm ngầm trao đổi cho nhau những công nghệ mật áp dụng trên S-400 và F-35, nếu điều này xảy ra thì cả đôi bên sẽ cùng có lợi.
Tuy nhiên toan tính trên của Nga không dễ trở thành hiện thực khi Mỹ đã nhận thấy nguy cơ này, họ đang đình chỉ việc chuyển giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng như đánh tiếng rằng Ấn Độ sẽ không thể mua F-35 nếu nhất quyết theo đuổi thương vụ S-400.
Do vậy, có lẽ người Nga sẽ phải tìm một hướng đi khác nếu muốn tiếp cận được với những bí mật của chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 cực kỳ tối tân này.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nga-chap-nhan-danh-doi-cong-nghe-s400-de-lay-duoc-bi-mat-cua-f35/782842.antd#p-15