Nga hứng thiệt hại nặng nề nhất từ đầu năm 2018
Đây là thiệt hại lớn và rất đau xót vì trên máy bay này có phi hành đoàn tới 15 người (4 phi công và các nhân viên điện tử) cùng nhiều thiết bị trinh sát tối tân của Không quân Nga. Nhiều chuyên gia quân sự nhận định đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, mang tính thảm họa đối với Nga từ đầu năm 2018 đến nay ở Syria.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, đêm 17/9 có 4 máy bay chiến đấu F-16 của Israel tấn công vào các mục tiêu của Syria ở tỉnh Latakia từ phía Địa Trung Hải.
Các máy bay này đã bay ở độ cao thấp, dùng máy bay Nga làm lá chắn và khiến nó trở thành mục tiêu của lực lượng phòng không Syria.
Kết quả là, chiếc IL-20 với diện tích phản xạ radar lớn hơn rất nhiều so với F-16, đã bị hệ thống tên lửa phòng không (TLPK) S-200 "cổ lỗ sĩ" của Syria bắn trúng.
Không có cơ may sống sót nào cho các thành viên phi hành đoàn khi sóng xung kích và lượng mảnh thép cực lớn tỏa ra từ đầu đạn chụp lấy chiếc máy bay của họ. Thật bàng hoàng! Không quân Nga bị một "vố đau", bị chính tên lửa phòng không của đồng minh Syria bắn nhầm. Đúng là "họa vô đơn chí, quân ta bắn quân mình".
Một bệ phóng của tổ hợp tên lửa phòng không S-200.
KQ Israel quá thiện chiến
Israel chỉ đưa ra cảnh báo 1 phút trước khi tiến hành cuộc tập kích vào Syria, do đó máy bay Nga đã không đủ thời gian rời khỏi khu vực nguy hiểm.
Tại thời điểm này, trong vùng chiến sự còn có sự hiện diện của tàu khu trục tên lửa Auvegner Pháp và tàu này đang phóng nhiều tên lửa vào Syria. Không quân Israel đã lợi dụng bám theo chiếc IL-20 đang từ phía biển bay vào chuẩn bị hạ cánh để đánh lừa hệ thống PK Syria.
Phải nói rằng về mặt quân sự, người Israel là bậc thầy về chiến thuật không quân mà ở khu vực Trung Đông và thậm chí là cả thế giới mà cho tới nay không có đối thủ nào có thể sánh được.
Trước đây, Quân đội Ai Cập với vũ khí Liên Xô hiện đại, hùng hậu và còn có cả các cố vấn quân sự Nga bên cạnh mà vẫn bị KQ Israel đánh bại nhanh chóng trong cuộc chiến 6 ngày vào mùa hè 1967.
Phòng không Syria cũng đã từng đo ván trước KQ Israel ở thung lũng Beca vào tháng 6/1982 khi bị các máy bay Do Thái bay ở độ cao cực thấp tấn công vào các trận địa tên lửa phòng không (TLPK), gồm cả loại SAM-6 "ba ngón tay thần chết" và tiêu diệt nhiều trong số đó mà chỉ bị mất 1 chiếc F-4…
Tiêm kích F-16.
Nguyên nhân nào gây ra sai lầm chết người?
Sự yếu kém của hệ thống PK Syria đã được các chuyên gia quân sự nhận xét từ lâu khi họ phải đối đầu với lực lượng không quân thiện chiến bậc nhất của Israel trong nhiều năm qua.
Tuy được trang bị khá đủ các loại vũ khí, khí tài PK của Liên Xô cũ và Nga hiện nay, từ năm 2015 lại có sự tham gia trực tiếp của Quân đội Nga trên lãnh thổ của mình, nhưng lực lượng PK Syria xem ra cũng chưa có sự tiến triển rõ rệt, thậm chí vẫn bị người Do Thái dễ dàng qua mặt như vụ IL-20 này.
Cần nói thêm rằng thời điểm khi máy bay khi trở về căn cứ là lúc có nhiều sơ hở nhất: kíp lái đã mệt mỏi sau phi vụ kéo dài nhiều giờ căng thẳng, chỉ còn vài phút bay (nếu tốc độ bay 600 km/h thì còn 3,5 phút) là phải chuẩn bị hạ cánh trong đêm tối, một công đoạnhết sức phức tạp.
Tất nhiên, quanh đó còn có nhiều lực lượng Nga trên biển và trên đất liền túc trực bảo vệ căn cứ và bầu trời nên kíp lái có thể yên tâm rằng mình sắp được về nghỉ ngơi. Đường bay của chiếc IL-20 lúc đó rất ổn định, tốc độ và độ cao giảm dần, tín hiệu phản xạ radar cũng rất rõ do máy bay lớn và không cơ động.
Trong khi đó thì loại F-16 là tiêm kích hạng nhẹ rất linh hoạt nên khi phát hiện TLPK Syria khai hỏa thì sẽ nhanh chóng cơ động tránh được ngay và IL-20 trở thành mồi ngon thế mạng.
IL-20 là biến thể của loại máy bay dân dụng IL-18 với 4 động cơ cánh quạt, trọng lượng cất cánh lớn nhất 63,5 t, có tốc độ trung bình 625 km/h, trần bay 11.000m và khả năng cơ động rất hạn chế. Còn F-16 là loại tiêm kích siêu âm với tính năng cơ động rất cao, có thể đạt tốc độ lớn nhất tới 2.370 km/h.
Trong Kháng chiến chống Mỹ, bộ đội radar và tên lửa Việt Nam đã phân biệt rất nhanh các loại tiêm kích F-4 với máy bay tác chiến điện tử EB-66 hoặc F-105 đóng giả B-52 ở những tình huống cực kỳ phức tạp với hàng trăm máy bay địch quần đảo trong đêm tối trên bầu trời miền Bắc.
Máy bay ném bom B-52 của Mỹ.
Nhẽ ra, các trắc thủ radar và TLPK Syria đều sẽ không gặp nhiều khó khăn khi phải xác định 2 loại mục tiêu khác nhau này. Nhưng dường như vẫn có gì đó sai sai!
Hiện tượng "quân ta bắn quân mình" đã từng xảy ra không ít trong các cuộc chiến tranh trước đây do việc phối hợp tác chiến giữa các quân, binh chủng luôn là một vấn đề cực kỳ phức tạp. Đến ngay như Mỹ cũng còn có nhiều vụ bắn nhầm gây thảm họa kinh khủng không kém.
Trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, với hệ thống trinh sát, chỉ huy tác chiến và hệ thống nhận dạng địch-ta (IFF) rất hiện đại của Mỹ và Liên quân mà vẫn xảy ra vụ TLPK Patriot Mỹ bắn rơi 1 máy bay cường kích Tornado của Anh làm cả 2 phi công đều thiệt mạng.
Sau đó ít ngày, vẫn Patriot (loại TLPK tối tân nhất của Mỹ) lại bắn rơi chính 1 chiếc F/A-18 của Hải quân Mỹ trên bầu trời Iraq làm phi công thiệt mạng.
Còn khi tham chiến ở Việt Nam thì máy bay Mỹ lại phóng tên lửa Sơ-rai vào trúng đài radar trên tàu chiến Mỹ làm hỏng cả radar lẫn tàu chiến này. Còn ngày 17/8/1968 thì 1 máy bay F-4 của Mỹ đã phóng tên lửa AIM-9 trúng vào chiếc F-4 khác làm 2 phi công phải nhảy dù và bị bắt làm tù binh.
Theo một thống kê của Trường Đại học Chiến tranh Mỹ năm 1995, dù có ưu thế tuyệt đối về vũ khí, trang bị hiện đại nhưng trong các cuộc chiến ác liệt như chiến tranh VN vẫn có từ 10-15% tổng số thiệt hại của Mỹ là do "quân ta bắn quân mình", tức là ít nhất có 5.800 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng vì chính các loại tên lửa, bom đạn của QĐ Mỹ!
Còn ở Liên Xô năm 1960, trong tình huống thời bình chỉ đối đầu với 1 máy bay trinh sát ở độ cao lớn, tên lửa SAM-2 lần đầu tiên bắn hạ chiếc U-2 của Mỹ bay cao 20 km thì ngay sau đó đã lại bắn nhầm vào chiếc MiG-19 cũng đang bay lên đánh chặn U-2.
Viên phi công Mỹ F.Power thì kịp nhảy dù sống sót, còn phi công Safronov Liên Xô đã không gặp may mắn như vậy.
Trong KCCM, lực lượng PKVN cũng đã có lần bắn nhầm vào máy bay ta sau khi làm nhiệm vụ đang trở về sân bay do hệ thống nhận dạng địch-ta bị hỏng trong chiến đấu.
Người Nga khi thiết kế các tổ hợp TLPK luôn có hệ thống nhận dạng địch-ta (NRZ-viết tắt tiếng Nga: Máy hỏi vô tuyến trên mặt đất) đi kèm.
Theo Điều lệnh tác chiến, sĩ quan điều khiển trước khi ấn nút phóng tên lửa đều phải làm động tác kiểm tra địch-ta, còn trên máy bay việc trả lời diễn ra hoàn toàn tự động mà không cần sự can thiệp của phi công.
Tuy vậy, trong thực tế thì người ta vẫn quan tâm nhất đến khả năng tác chiến của đài điều khiển tên lửa và các chiến đấu cơ hơn là hệ thống nhận dạng địch-ta.
Trong quá trình chiến đấu phức tạp, sự hoạt động của hệ thống NRZ ở tên lửa và thiết bị trả lời trên máy bay có thể bị trục trặc hay hỏng hóc nên sẽ dẫn tới việc dưới đất hỏi mà máy bay không trả lời (do thiết bị trả lời bị hỏng) hoặc dưới đất cũng không hỏi (do NRZ bị hỏng) và dẫn đến việc bắn nhầm như ta đã thấy trong nhiều trường hợp kể trên.
Nhưng ngay cả như vậy thì tại sao các trắc thủ tên lửa Syria lại có thể nhầm lẫn một chiếc máy bay trinh sát cỡ lớn, tốc độ chậm 600 km/h với các tiêm kích siêu âm quen thuộc như F-16 ( bay nhanh hơn và có kích thước nhỏ hơn rất nhiều) mà họ đã từng đối phó?
Bản đồ mô tả tình huống tiêm kích F-16 lấy IL-20 làm lá chắn khiến máy bay trinh sát tối tân của Nga bị tên lửa S-200 Syria bắn rụng.
Hệ thống PK Syria hẳn không lạ gì đường bay tuần tiễu của máy bay Nga trên vùng trời của mình cũng như các dấu hiệu đặc thù của loại máy bay trinh sát IL-20. Trung tâm điều hành bay của KQ Nga ở căn cứ Khmeimim chắc chắn phải có sự liên hệ chặt chẽ với Sở chỉ huy PK Syria.
Nhưng có lẽ trong tình huống phức tạp bị nhiễu nặng, lại có nhiều mục tiêu khác nhau cùng xuất hiện trên không (ngoài máy bay Nga và Israen, còn có máy bay Anh hoạt động vào lúc đó), trên biển thì tàu chiến Pháp đang phóng tên lửa vào đất liền… nên đã làm cho kíp chiến đấu TLPK Syria rối trí rồi thao tác nhầm?
Ngoài nguyên nhân khách quan do phía Israel gây ra thì các nguyên nhân chủ quan về kỹ thuật và con người của lực lượng PK Syria cũng không thể bỏ qua trong vụ việc này, chưa kể tới các lý do bất ngờ khác nữa có thể xảy ra trong chiến tranh.
Đây là bí ẩn mà chúng ta sẽ phải chờ kết luận điều tra cuối cùng của BQP Nga và sự giải đáp cụ thể từ chính phía Syria mà cho tới nay vẫn chưa thấy họ đưa ra lời giải thích nào!