Cuốn sổ tay thông tin dự kiến sẽ được phát cho 4,7 triệu hộ gia đình ở Thụy Điển. Đây là cuốn số tay có nội dung là những thông tin hướng dẫn người dân Thụy Điển làm thế nào tham gia vào "sự phòng thủ toàn diện" cũng như bảo đảm nguồn cung cấp nước, thực phẩm và năng lượng trong trường hợp chiến tranh nổ ra.
Cuốn sổ tay nhỏ với nhan đề là "Nếu Khủng hoảng hoặc Chiến tranh xảy ra" (If Crisis or War Comes) sẽ cung cấp sự hướng dẫn đầy đủ về cách thức đối phó với mối đe dọa từ những cuộc tấn công mạng, từ chủ nghĩa khủng bố và biến đổi khí hậu, hãng tin FT đưa tin.
Động thái trên của Thụy Điển gây bất ngờ và nó cho thấy sự lo ngại ngày càng gia tăng của Thụy Điển đối với cái gọi là mối đe dọa từ Nga.
Thụy Điển từ lâu nay vẫn theo đuổi chính sách không liên kết về mặt quân sự. Điều này có nghĩa là Thụy Điển không có mối quan hệ ràng buộc với bất kỳ liên minh nào, và nước này chỉ lựa chọn tham gia vào các chiến dịch quân sự tùy vào từng hoàn cảnh, trường hợp cụ thể. Dân chúng Thụy Điển luôn phản đối việc nước họ gia nhập NATO. Mặc dù vậy, kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, đang có xu hướng gia tăng tỉ lệ người ủng hộ cho việc Thụy Điển trở thành một thành viên của NATO. Điều này được cho là xuất phát từ mối quan ngại về Nga, sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine.
Mối quan hệ giữa Nga với NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine .
Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu.
Điều đáng nói là NATO đang thực hiện một chính sách tuyên truyền mạnh mẽ về mối đe doạ mang tên Nga ở trong khu vực. Moscow tin rằng NATO đang cố tình làm toáng lên, phóng đại lên về mối đe doạ từ Nga, về khả năng Nga xâm lược các nước láng giềng nhằm làm cái cớ tăng cường sự hiện quân sự trong khu vực cũng như kích động các nước xung quanh chống lại Nga.
Chiến dịch tuyên truyền của NATO đang phát huy tác dụng khi các nước láng giềng của Nga không chỉ vận động mạnh mẽ cho việc NATO triển khai quân và vũ khí đến lãnh thổ của họ mà bản thân những nước này còn tích cực tìm cách tăng cường năng lực quân sự và thiết lập liên minh để đối phó với Nga.
Thụy Điển cũng không nằm ngoài vòng xoáy nói trên. Thụy Điển đã không che giấu sự bất an của nước này sau khi xảy ra vụ sáp nhập Crimea của Nga và cuộc nội chiến ở Ukraine cùng với những hoạt động quân sự và tập trận gia tăng ở gần khu vực Baltics và Scandinavia.
Thụy Điển đã bắt đầu quay trở lại tăng chi tiêu quân sự và cuộc tranh luận về việc liệu nước này có nên gia nhập NATO hay không cũng đang nóng lên từng ngày.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Thụy Điển đã tiến hành cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong vòng 23 năm trở lại đây của nước này với những bài diễn tập có sự tham gia của 19.000 binh sĩ Thụy Điển và các lực lượng đồng minh đến từ Phần Lan, Đan Mạch, Estonia, Latvia, Lithuania, Pháp, Na-uy và Mỹ.
Năm ngoái, Thụy Điển cũng đã bỏ phiếu về việc đưa trở lại luật bắt buộc nhập ngũ.
"Toàn xã hội đều cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp xung đột, chứ không chỉ là quân đội. Chúng ta đã không dùng đến những từ như phòng thủ toàn diện trong từ 25 đến 30 năm qua hoặc hơn. Vì thế, kiến thức của người dân về vấn đề này rất hạn chế", ông Christina Andersson- Lãnh đạo Cơ quan phụ trách các trường hợp khẩn cấp dân sự của Thụy Điển, cho hay.