Tối hậu thư 120 ngày của Mỹ: Tổng thống Trump mạnh tay nắn gân cả Iran, Nga và EU

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Nếu Washington rút khỏi JCPOA, quan hệ giữa Mỹ và Iran sẽ bước vào thời kỳ căng thẳng mới còn châu Âu xích lại gần hơn với Nga về vấn đề hạt nhân Iran và các vấn đề quốc tế khác.

Ngày 12/1/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đưa ra một tuyên bố gây sốc khi ông quyết định gia hạn lần cuối cùng cho Thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA nhưng đòi các đồng minh châu Âu và Quốc hội Mỹ trong vòng 120 ngày phải sửa đổi "các sai sót nghiêm trọng" của Thỏa thuận này thông qua việc đàm phán lại để ký thêm một bản phụ lục mới.

Nếu không, Mỹ sẽ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận. Ông Donald Trump đưa ra quyết định này sau khi tham vấn Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninh quốc gia Herbert McMaster.

Ông Donald Trump cũng khẳng định sẽ chuyển lên Quốc hội một dự luật về việc xác nhận Thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong khi đó Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới chống lại 14 tổ chức và cá nhân Iran, trong đó có người đứng đầu ngành Tư pháp Iran, Ayatollah Larijani.

Thể hiện sự ủng hộ đối với các đồng minh ở Trung Đông

Tối hậu thư 120 ngày của Mỹ: Tổng thống Trump mạnh tay nắn gân cả Iran, Nga và EU - Ảnh 1.

Ngày 12/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra tối hậu thư về sửa đổi thoả thuận hạt nhân với Iran. Ảnh: Wall Street Journal

Quyết định của Donald Trump đưa ra tối hậu thư với thời hạn 120 ngày thay vì 90 ngày như trước đây là sự thỏa hiệp giữa một bên là các nhân vật theo đường lối cứng rắn chống Iran và bên kia là các nhà ngoại giao chủ trương xem xét thận trọng hệ quả của việc rút khỏi Thỏa thuận JCPOA.

Ông Trump thừa biết rằng với thời gian 90 hoặc 120 ngày không ai có tài gì để tổ chức được các cuộc đàm phán lại một Hiệp định đã phải mất 12 năm thương lượng mới đạt được. Thời gian này chỉ đủ cho nội bộ chính quyền Mỹ xem xét lợi hại của việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà thôi.

Tổng thống Donald Trump tìm cách rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran không phải do đây là "một trong những thoả thuận tồi tệ nhất" mà nước Mỹ ký từ trước tới nay hoặc do có "nhiều sai sót nghiêm trọng" cần phải chỉnh sửa.

Mục đích chính của chính quyền Donald Trump là gây sức ép nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Tehran đang lớn mạnh tại khu vực, tìm cách lật đổ chế độ Iran và quan trọng nhất là làm yên lòng các đồng minh của họ ở Trung Đông là Ả rập Xê út và Israel.

Năm 2015 khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran, các nước P5+1 và Liên minh châu Âu, tất cả các nước đều tỏ vui mừng hoan nghênh và coi đây là một thoả thuận lịch sử có ý nghĩa hết sức to lớn đóng góp cho an ninh, hoà bình và ổn định không những ở khu vực Trung Đông mà còn trên toàn thế giới. Chỉ có hai nước duy nhất là Ả rập Xê út và Israel phản đối.

Không có cơ sở pháp lý để Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân JCPOA

Không có cơ sở pháp lý nào để Mỹ rút khỏi Thỏa thuận JCPOA đã ký. Quyết định của Donald Trump hoàn toàn mang tính chất chính trị. Đây là một Hiệp định đa phương được Iran, các nước P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) và Liên minh châu Âu ký kết. Thỏa thuận này là kết quả của các cuộc đàm phán hết sức khó khăn phải nói chính xác là từ năm 2003 và qua nhiều lần đổ vỡ.

Thỏa thuận này đã được Quốc hội Mỹ, các nước ký kết, Hội đồng Bảo an và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA phê chuẩn. Như vậy, về mặt pháp lý Thỏa thuận này là hết sức chặt chẽ, về nội dung nó đáp ứng được nguyện vọng của cộng đồng quốc tế, Mỹ không có lý do gì để lật ngược Thỏa thuận.

Việc ông Donald Trump lấy lý do Iran bành trướng ảnh hưởng của mình ở Iraq, Syria, Yemen và phát triển tên lửa tầm xa... để hủy hoặc sửa đổi Thỏa thuận JCPOA là không mang tính thuyết phục.

Trước khi ký Thỏa thuận JCPOA, Mỹ và các nước đều biết rõ vai trò của Iran ở khu vực và việc Iran đã chế tạo và thử nghiệm thành công các loại tên lửa đạn đạo Shahab-3, Ghadr-110 và Imad có tầm bắn từ 1.700 km đến 2.000 km. Ngoài ra, các nước đều biết rõ Nga còn cung cấp cho Iran tên lửa S-300 và có thể cả S-400 nữa.

Các cuộc đàm phán chỉ tập trung chủ yếu vào các vấn đề kỹ thuật nhằm ngăn chặn Iran sử dụng chương trình hạt nhân của mình vào mục đích quân sự. Theo các điều khoản của JCPOA, các cơ sở hạt nhân của Iran đều được đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt của quốc tế và các thanh sát viên của Liên hợp quốc và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA sẽ báo cáo định kỳ 90 ngày một lần về tình hình Iran thực hiện thỏa thuận.

Iran và các nước ký kết chắc chắn sẽ không chấp nhận đàm phán vấn đề tên lửa đạn đạo vì nó nằm ngoài thỏa thuận JCPOA. Iran sẵn sàng cho phép thanh sát tất cả các cơ sơ hạt nhân của mình theo thỏa thuận đã ký, nhưng không thể chấp nhận yêu cầu của Mỹ đòi thanh sát tất cả các cơ sở quân sự của họ được. Kịch bản này đã diễn ra tại Iraq và kết cục của nó là năm 2003, Mỹ đã tấn công Iraq và lật đổ chính quyền Saddam Hussein.

Tối hậu thư 120 ngày của Mỹ: Tổng thống Trump mạnh tay nắn gân cả Iran, Nga và EU - Ảnh 2.

Trước tuyên bố của TT Trump, Iran cho biết nước này sẽ thực hiện các hành động đáp trả tương ứng. Ảnh: AP

Với JCPOA, quốc tế hoàn toàn có thể kiểm soát được chương trình hạt nhân của Iran

Theo Thỏa thuận JCPOA, Tehran đồng ý để các chuyên gia quốc tế vào thanh sát các cơ sở hạt nhân của mình, huỷ tất cả khối lượng uranium đã được làm giàu ở cấp độ trung bình, giảm số lượng uranium đã được làm giàu ở cấp thấp 98%, cắt giảm số lượng máy ly tâm làm giàu chẩt phóng xạ và tuân thủ các hạn chế khác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Đổi lại, Liên minh châu Âu EU và Liên hợp quốc cam kết dỡ bỏ dần dần các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính, trước hết là các biện pháp liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng.

Mặt khác, năm 1991 Iran đã ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT và 21/9/2017 bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc đã cùng với 50 nước khác ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân TPNW.

Về nội bộ Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei đã ban hành Fatwa về cấm vũ khí hạt nhân (một án lệnh của đạo Hồi) quy định đuổi ra khỏi đạo và tử hình bất cứ ai theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Điều này cho thấy Iran quyết tâm sử dụng chương trình hạt nhân vào mục đích hoà bình..

Rút khỏi Thỏa thuận JCPOA sẽ đem lại hậu quả xấu cho chính nước Mỹ

Tối hậu thư 120 ngày của Mỹ: Tổng thống Trump mạnh tay nắn gân cả Iran, Nga và EU - Ảnh 3.

Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức và Liên minh châu Âu EU là những nước cùng với Mỹ ký Thỏa thuận hạt nhân với Iran đã tuyên bố tôn trọng thỏa thuận JCPOA. Việc hủy bỏ hoặc đàm phán lại một thỏa thuận đã ký và phê chuẩn sẽ tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong quan hệ quốc tế, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, ảnh hưởng tiêu cực đến việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Cộng đồng quốc tế sẽ không còn tin vào Mỹ trong việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế. Mỹ có thể đơn phương rút khỏi Thoả thuận như đã từng rút khỏi Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris và Tổ chức UNESCO, nhưng chỉ riêng việc đó thôi Mỹ cũng đã nhận được không biết bao nhiêu lời chỉ trích rồi. Washington lại một lần nữa tự đặt mình đối đầu với cả cộng đồng quốc tế.

Có thể nói được rằng việc hủy bỏ Thỏa thuận JCPOA là không thể xảy ra, nhưng không loại trừ khả năng Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận JCPOA. Quan hệ giữa Iran và Mỹ sẽ bước vào một thời kỳ căng thẳng mới. Với quyết định này, ông Donald Trump đang đẩy châu Âu xích lại gần hơn với Nga không chỉ trong vấn đề hạt nhân Iran mà còn trong các vấn đề quốc tế khác.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại