Ngày 6/9, theo thông tin từ New Delhi, Nga đã chính thức đề nghị Ấn Độ cùng hợp tác phát triển thế hệ tàu ngầm chạy diesel-điện thế hệ mới áp dụng công nghệ động lực độc lập không phụ thuộc vào không khí ngoài (AIP). Việc thực hiện chương trình sẽ được thực hiện theo thỏa thuận liên chính phủ giữa hai nước.
Phía Nga đề nghị Tổ hợp thiết kế hàng hải Nga sẽ phối hợp cùng với đối tác Ấn Độ theo nguyên tắc đồng đẳng (50/50). Hai bên sẽ cùng bỏ nguồn tài chính phát triển công nghệ và có quyền sở hữu sáng tạo tương đương nhau trong chương trình phát triển tàu ngầm mới.
Điểm quan trọng của chương trình hợp tác là Nga mong muốn cùng Ấn Độ phát triển công nghệ AIP, vốn là hướng phát triển tương lai của tàu ngầm chạy diesel-điện. Trong quá khứ, Cơ quan Phát triển và thực nghiệm quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã từng bỏ nhiều công sức phát triển công nghệ AIP, nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Cũng vì sự chậm trễ của DRDO, Hải quân Ấn Độ đã quyết định loại bỏ mô-đun AIP dự kiến trang bị trên các tàu ngầm lớp Scorpene cuối cùng mới đây.
Tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Ấn Độ.
So với tàu ngầm truyền thống, công nghệ AIP mang lại nhiều lợi thế cho các dòng tàu ngầm được trang bị. Công nghệ này giúp tàu ngầm không cần nổi lên mặt nước để chạy động cơ diesel để sạc lại hệ thống pin năng lượng, mà có thể thực hiện công đoạn này khi tàu ngầm đang lặn.
Dù chưa thể thay thế hoàn toàn động cơ đốt trong truyền thống, nhưng công nghệ AIP giúp tàu ngầm có thể lặn lâu hơn và khó bị phát hiện hơn trước các phương tiện săn ngầm của đối phương.Với chương trình hợp tác do phía Nga đề xuất, nhiều khả năng giới chức Hải quân Ấn Độ có thể xem xét lại việc áp dụng công nghệ AIP nội địa trên các dòng tàu ngầm tương lai.
Hiện tại, trên thế giới có một số trường phái công nghệ AIP nổi bật như: Động cơ tuần hoàn Stirling của Thụy Điển; hệ thống pin tế bào năng lượng và động cơ đốt sử dụng hydrogen của Đức…
Hồi tháng 6-2019, Hải quân Ấn Độ đã công bố kế hoạch mua sắm tàu ngầm mới với tên gọi Dự án 75I trị giá tới 6,5 tỷ USD. Tham gia đấu thầu có nhiều công ty đóng tàu danh tiếng đến từ Nga, Thụy Điển, Đức và Pháp.
Yêu cầu tiên quyết của phía Ấn Độ là sản phẩm được chọn phải có 45% công nghệ, trong đó có hệ thống vũ khí, động lực được sản xuất tại quốc gia Nam Á này. Hải quân Ấn Độ dự kiến tới năm 2030 sẽ nâng quy mô hạm đội tàu ngầm lên 24 chiếc để duy trì ưu thế chiến lược trên Ấn Độ Dương.