Hiện nay Nga có hai cơ sở quân sự ở Belarus và cả hai đều có giá trị nhất định đối với Bộ Quốc phòng Nga. Nhưng nếu Nga bị buộc phải rút lực lượng quân sự khỏi Belarus, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng phòng thủ của Nga?
Sự hiện diện quân sự của Nga tại Belarus
Tình hình tại Belarus sau cuộc bầu cử Tổng thống trở lên căng thẳng, khi phe đối lập tổ chức biểu tình, phản đối kết quả bầu cử. Trước đó, một số thành viên trong hội đồng điều phối của Svetlana Tikhanovskaya đã kêu gọi đóng cửa các căn cứ quân sự của Nga nằm trên lãnh thổ Belarus và rút nước này khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Tổng số quân đội Nga hiện nay tại Belarus ước tính khoảng 800 người, họ phục vụ tại trung tâm liên lạc Số 43 của Hải quân Nga đóng gần thị trấn Vileika thuộc vùng Minsk cũng như tại trung tâm kỹ thuật vô tuyến Baranovichi, nơi đặt trạm radar Volga có dải tần decimet, nằm trong hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Nga.
Sự hiện diện của quân nhân Nga tại trung tâm thông tin liên lạc Số 43 và trạm radar Volga, được xác định bởi một thỏa thuận liên chính phủ được ký kết giữa Moscow và Minsk trong thời hạn 25 năm. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào ngày 7/6/2021, và nếu một trong các bên muốn phá bỏ hoặc từ chối gia hạn, bên khởi xướng phải thông báo trước ít nhất một năm.
Ý tưởng để gia hạn thỏa thuận được tiến hành vào ngày 6/6 vừa qua. Hiện không có thông báo chính thức nào về vấn đề này, người ta chỉ biết rằng Bộ Quốc phòng Belarus đã gửi cho người đồng cấp Nga một quyết định bằng văn bản về vấn đề này. Nội dung vẫn chưa được tiết lộ, nhưng Minsk dường như vẫn sẽ đồng ý cho các căn cứ quân sự Nga tiếp tục tồn tại.
Tại cuộc họp gần đây, Tổng thống Belarus Lukashenko nói: "Tôi không hiểu các căn cứ quân sự Nga đang đe dọa chúng tôi cái gì? Những đơn vị của Nga không phải là đơn vị chiến đấu. Ở đó có đến 90% là người của chúng tôi làm việc, họ nhận được mức lương xứng đáng".
Nhà phân tích chính trị Alexander Zimovsky của Nga viết: "Các thỏa thuận về việc bố trí quân đội của Nga ở Belarus chắc chắn không phải là trò chơi một sớm một chiều. Belarus không chỉ nhận được quyền truy cập vô điều kiện vào dữ liệu radar quân sự và dữ liệu kỹ thuật vô tuyến có tầm quan trọng chiến lược, mà còn có quyền chuyển những cơ sở vật chất trên thành quyền sở hữu của Belarus, nếu Nga ngừng khai thác chúng".
Đài radar Volga của Nga ở Baranovichi, Belarus. Nguồn: Wkipedia
Những quyền lợi mà Belarus được hưởng khi có mặt quân đội Nga
Trên cơ sở các thỏa thuận giữa Nga và Belarus, trong 25 năm qua, Belarus đã không phải trả tiền cho việc sử dụng các thiết bị của Nga để huấn luyện toàn diện các lực lượng phòng không của mình, bao gồm cả việc bắn đạn thật.
Ngoài ra, Nga còn cung cấp và trang bị lại miễn phí tất cả các loại vũ khí phòng không ở những khu vực trọng điểm của hệ thống phòng không quốc gia Belarus. Nga đã chuyển giao miễn phí hai trung đoàn tên lửa phòng không S-400. Trên thực tế, đây là lý do tại sao các tài liệu được gọi là thỏa thuận.
Cần lưu ý rằng trạm radar Volga là nguồn thông tin duy nhất về tình hình tên lửa và vật thể bay trong không gian mà người Belarus nhận được theo thời gian thực.
Tất cả các đài định vị vô tuyến, đài phát thanh và truyền hình, các thiết bị sử dụng hệ thống định vị GLONASS, những dữ liệu hàng không ở Belarus đều sử dụng thông tin từ trung tâm liên lạc Số 43 của Hải quân Nga tại Belarus.
Ngoài ra, còn có 5 trạm radar decimet Protivnik-GE ba tọa độ di động của Nga, đã cung cấp các thông tin tình báo phòng không cho Belarus. Nếu Nga rút các trạm này, Belarus sẽ không thể thay thế hoàn toàn, vì chưa có loại nào tương tự trên thế giới.
Nga mất những gì khi không còn ở Belarus?
Trạm Radar Volga của Nga trên lãnh thổ Belarus được đưa vào sử dụng tháng 10/2003 và là một phần của hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Nga.
Trung tâm Liên lạc Hải quân 43 được trang bị đài liên lạc phát sóng siêu dài Antey, đảm nhiệm cung cấp thông tin liên lạc giữa Bộ Tham mưu của Hải quân Nga và các tàu ngầm hạt nhân của Nga ở Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và một phần Thái Bình Dương từ thời Liên Xô.
Hai thành phần khá quan trọng trong khả năng phòng thủ của Nga đó là liên lạc tầm xa và các phương tiện cảnh báo về một cuộc tấn công tên lửa. Lực lượng vũ trang Nga sẽ ảnh hưởng như thế nào nếu không có chúng và có thể thay thế được không?
Trạm radar Volga ở Baranovichi là một phần tử quan trọng của hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Nga, nhưng không phải là trạm chính và không phải duy nhất. Sự vắng mặt của trạm Volga ở Belarus được bù đắp bằng các radar thế hệ mới Voronezh được triển khai ở vùng Kaliningrad và Leningrad.
Các trạm tương tự ở hướng Tây là ở Olenegorsk (Bán đảo Kola), Sevastopol và Armavir. Những trạm radar có thể phát hiện tên lửa hành trình và đạn đạo đang trong quá trình bay, cũng như các vật thể không gian ở khoảng cách vài nghìn km.
Vùng phủ sóng tổng hợp của các đài radar trên khắp lãnh thổ Nga có thể bù đắp hoàn toàn cho việc không có trạm radar ở Belarus.
Trung tâm liên lạc số 43 của Hải quân nếu không còn cũng sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phòng thủ của hạm đội Nga. Đây cũng là một mắt xích quan trọng, nhưng không phải là duy nhất trong hệ thống kiểm soát của lực lượng tàu ngầm Nga.
Trong khu vực Novgorod và Krasnodar, có các trung tâm thông tin tương tự, có khả năng tự chuyển đổi chức năng duy trì liên lạc với tàu ngầm hạt nhân. Bộ Tổng tham mưu và Hải quân Nga đã sẵn sàng cho tình huống như vậy và không coi đó là tình huống nguy cấp.
Cuộc tập trận chung Nga – Belarus West-2017. Nguồn: TASS
Chính Belarus mới là quốc gia thua cuộc
Không phải bây giờ Nga mới mất các trạm radar, Nga đã mất hoặc tự bỏ các trạm radar và các cơ sở quân sự khác trên lãnh thổ của các nước từng thuộc Liên Xô, mới đây nhất là trạm radar ở Mukachevo ở Ukraine. Sau khi đóng cửa trạm radar ở Azerbaijan (Gabala) vào đầu năm 2012, thì vào tháng 7 cùng năm, trạm Voronezh thế hệ mới gần Armavir nhận nhiệm vụ chiến đấu, thay thế hoàn toàn trạm Gabala.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Nga, những thiết bị quân sự dù có quan trọng như một trạm radar, nhưng cũng không quá khó để thay thế; tuy nhiên điều mất mát khó có thể thay thế là mối quan hệ giữa hai quân đội có thể bị rạn nứt.
Tình anh em chiến đấu Nga – Belarus ngày càng bền chặt, bao gồm cả các cuộc tập trận chung quy mô lớn giữa 2 nước. Lần đầu tiên trong số đó có thể coi là cuộc tập trận "Lá chắn liên minh" được tổ chức tại thao trường Obuz-Lesnovsky ở vùng Brest của Belarus vào năm 2006.
Kể từ năm 2009, các cuộc tập trận chung như vậy đã được tổ chức hai năm một lần trên lãnh thổ Belarus và Nga. Lần cuối cùng trong số họ, được gọi là "West-2017", được tổ chức trên lãnh thổ của cả hai quốc gia. Ngoài ra còn có hàng trăm hoạt động giao lưu quân sự giữa hai nước.
Sự tổn thất lớn nhất đối với Nga đó mất đi một đồng minh quan trọng và thiện chiến, hơn thế nữa là đã được huấn luyện xuất sắc và sẵn sàng chiến đấu với các đồng nghiệp Nga trên cùng chiến hào.
Nếu các định hướng chính trị của Belarus thay đổi mạnh mẽ, đất nước này chắc chắn sẽ sụp đổ lớn. Rất có thể trong tương lai, Minsk sẽ trên đường "hội nhập" với châu Âu, thậm chí Belarus có thể gia nhập NATO và trở thành một thế lực đối đầu với Nga.
Và nếu Belarus ngả theo NATO, khi đó Belarus sẽ không chỉ phải tái trang bị quân đội, mà còn phải thay đổi ý thức hệ, khi biến quân đội Nga thành đối tượng tác chiến của Quân đội Belarus. Đây là một viễn cảnh rất xa và thực tế là nó khó có tính khả thi nhưng không phải là không có cơ sở. Bài học về mối quan hệ giữa Nga và Ukraine còn nguyên giá trị lịch sử.