Câu chuyện đang khiến truyền thông “bùng nổ” những ngày qua là câu chuyện khăn lụa mang thương hiệu nổi tiếng Khaisilk bị nhiều khách hàng tố có tới 2 nhãn mác, một là "Made in China" và một là "Made in Vietnam".
Doanh nhân Hoàng Khải, ông chủ của Tập đoàn Khải Silk cuối cùng cũng đã lên tiếng sau nhiều ngày im lặng. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Zing.vn, vị doanh nhân này thừa nhận, thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.
Việc bán hàng không rõ xuất xứ, đặc biệt với một thương hiệu lớn như Khaisilk đã tạo ra làn sóng phản đối từ người tiêu dùng và thực sự, uy tín của doanh nghiệp và đặc biệt là uy tín của ông Hoàng Khải đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Doanh nghiệp của Khải Silk (Công ty TNHH Khải Đức) không phải là một doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng cũng khiến cho người ta nêu lên vấn đề: Nếu Khaisilk đã niêm yết cổ phiếu, câu chuyện có lẽ không chỉ dừng ở những lời trách móc.
Bản thân thị trường chứng khoán từng chứng kiến nhiều câu chuyện tương tự với những cổ phiếu niêm yết, liên quan đến vấn đề uy tín và hậu quả để lại đằng sau làn sóng bán tháo cổ phiếu là niềm tin của nhà đầu tư khó có thể khôi phục. Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), Thép Việt Ý (VIS) hay Hanoimilk (HNM) từng là những doanh nghiệp như vậy.
Trong số này, có lẽ câu chuyện của JVC điển hình nhất. Cổ phiếu JVC của Thiết bị Y tế Việt Nhật từng được rất nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đánh giá là một cổ phiếu có cơ bản tốt, được nắm giữ bởi nhiều tổ chức lớn như DI Asian Industrial Fund, Dragon Capital, Vietnam Equity Holding… và luôn trong trạng thái “kín room” khi khối ngoại nắm đến 49% vốn.
Trong khi những lời phân tích có cánh liên tục dành cho cổ phiếu thuộc hàng Bluechips trong số những công ty phân phối sản phẩm y tế thì giữa năm 2015 trên thị trường lan truyền những tin đồn không mấy tích cực liên quan đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt là thông tin Chủ tịch Lê Văn Hướng đã bị bắt.
Từ mốc hơn 22.000 đồng/cp vào ngày 08/06/2015, với dư bán hàng triệu cp mỗi phiên cổ phiếu JVC đã lao dốc không phanh dưới sự ngỡ ngàng của bao nhà đầu tư.
Đầu năm 2007, Thép Việt Ý cũng xảy ra biến cố tương tự trường hợp của Khaisilk hiện tại. Trong bối cảnh giá thép tăng lên mức kỷ lục khi đó, VIS đã ký hợp đồng thuê một công ty của Trung Quốc (TQ) gia công 5.000 tấn thép cây mang nhãn hiệu VIS sau đó đưa về VN để tiêu thụ. Điều này đã bị 16 công ty thép trong nước phản ứng gay gắt.
Theo các công ty này, thực chất của hợp đồng gia công của VIS khi đó là nhập khẩu thép thành phẩm về để tiêu thụ trong nước dưới tên VIS vì phía TQ thực hiện từ A-Z. Thông qua hợp đồng gia công, VIS đã làm hàng nhái, gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng khi không công bố nguồn gốc thật sự của lô hàng “gia công” này.
Sự kiện này sau đó đã được VIS giải trình với các cơ quan chức năng, tuy nhiên diễn biến cổ phiếu của doanh nghiệp này đã phản ánh một bức tranh hoàn toàn khác, không mấy tích cực về kỳ vọng của nhà đầu tư vào tương lai của VIS.
Sau khi đạt đỉnh ngắn hạn gần 18.000 đồng (giá đã điều chỉnh) vào đầu tháng 3/2007, cổ phiếu VIS đã liên tục lao dốc. Chỉ sau hơn 1 tháng, cổ phiếu này mất hơn 40% giá trị, về mặt bằng giá mới chỉ hơn 11.000 đồng. Mức giá này được duy trì liên tục trong nửa năm sau đó.
Với Hanoimilk, công ty đã trải qua một giai đoạn rất khó khăn kể từ năm 2009. Bên cạnh những khó khăn chung như sự suy giảm của thị trường và nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng ngành giảm mạnh và sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành sữa..., Hanoimilk còn phải khắc phục những hậu quả nặng nề do khủng hoảng sữa nhiễm melamine năm 2008 để lại.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Hà Quang Tuấn tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, uy tín công ty và thương hiệu sản phẩm giảm sút tới mức người tiêu dùng hoài nghi và mất lòng tin vào các sản phẩm của Hanoimilk, các hậu quả mà công ty phải gánh chịu về cả kinh tế và thương hiệu là vô cùng nghiêm trọng.
Từ đó, Hanoimilk rơi vào vòng xoáy khủng hoảng. Sau khoản lỗ đột biến gần 22 tỷ đồng vào năm 2010, hoạt động của Hanoimilk gần như chỉ mang tính duy trì, với khoản lợi nhuận vài trăm triệu cho tới vài tỷ đồng mỗi năm. Vị thế của doanh nghiệp này trên thị trường cũng sa sút cùng với khủng hoảng.
>>> Xem thêm: Ông chủ Khaisilk: Xây dựng đế chế nghìn tỷ từ lụa, lâm vào khốn đốn cũng vì lụa
Ông chủ Khaisilk: Xây dựng đế chế nghìn tỷ từ lụa, lâm vào khốn đốn cũng vì lụa