Mặc dù rất khó chịu, nhưng ho thật ra là một hình thức tự bảo vệ rất hiệu quả của cơ thể. Ho giúp cho phổi làm sạch những tác nhân gây hại hoặc vật lạ.
Đôi khi, tuy nhiên, ho không chỉ đơn thuần là một triệu chứng do cảm lạnh hay nhiễm trùng, nhất là khi bạn ho liên tục trong nhiều tuần đến vài tháng. Điều này khiến cho nhiều người lo ngại rằng đó là biểu hiện của một số bệnh nguy hiểm, như là bệnh ung thư phổi.
Ho và bệnh ung thư phổi
Không phải bất cứ trận ho nào cũng là biểu hiện cho sự hiện diện của ung thư phổi. Tuy nhiên, nếu bạn bị ho đi kèm với các triệu chứng sau đây, đó là lúc bạn cần phải tìm đến gặp các bác sĩ để kiểm tra:
• Ho ra máu hoặc đàm có màu gỉ sét
• Thở nhanh, khó thở
Ung thư phổi gây ra triệu chứng ho khan hoặc ho có đàm, xuất hiện bất kỳ lúc nào, và trở nên nặng nề hơn vào ban đêm khi bạn đang ngủ.
Triệu chứng của ung thư phổi
Nếu bạn bị ung thư phổi, bạn sẽ không chỉ bị ho dai dẳng hay nặng nề, mà còn đi kèm theo các triệu chứng sau đây:
• Đau ngực
• Ho ra máu
• Thở nhanh, khó thở
• Tiếng khò khè khi thở hoặc nói
• Nuốt khó
• Chán ăn
• Mệt mỏi, rã rời
• Sụt cân
• Thường xuyên bị nhiễm trùng ở phổi, như bị viêm phổi hoặc viêm phế quản.
Ho ra máu là một trong những triệu chứng của ung thư phổi
Các nguyên nhân gây ho
Có nhiều nguyên nhân có thể làm bạn bị ho có thể kể đến như là:
• Nhiễm trùng, như cảm cúm, viêm phổi, hoặc viêm phế quản
• Dị ứng
• Hít phải khói bụi, khói bếp
• Bệnh lý hô hấp mạn tính, như hen hoặc COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).
Đôi khi, một cơn ho ngắn ngày có thể tiến triển thành triệu chứng ho dai dẳng. Nguyên nhân có thể kể đến như:
• Bệnh lý nhiễm trùng dài ngày, như viêm phế quản mạn tính hoặc viêm phổi.
• Hen suyễn, gây ra tình trạng khó thở, nặng ngực, và khò khè.
• Dị ứng
• Hút thuốc lá: Nguyên nhân là do sự kích thích của khói thuốc lá lên hệ thống đường dẫn khí.
• Dãn phế quản.
• Chảy nước mũi sau, dịch nhầy từ nước mũi chảy xuống họng kích thích cơn ho. Liên quan đến cảm cúm hoặc dị ứng.
• Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), acid dạ dày đi theo đường thực quản trào ngược lên tới thành họng và kích thích gây ho.
• Do thuốc, đặc biệt là thuốc ức chế men chuyển, được dùng để điều trị tăng huyết áp và bệnh tim mạch.
Khi nào bạn cần phải đến gặp bác sĩ?
Hầu hết các cơn ho sẽ tự hết trong khoảng vài ngày đến vài tuần.
Bạn cần phải đến gặp bác sĩ khi cơn ho kéo dài dai dẳng hoặc xuất hiện cùng với các triệu chứng khác, như là ho ra máu hoặc đau ngực.
Đi khám sớm sẽ giúp bạn phát hiện kịp thời nguyên nhân gây ho nguy hiểm và giúp điều trị bệnh được hiệu quả.
(Ảnh minh họa)
Chẩn đoán
Trước tiên, các bác sĩ sẽ thu thập các thông tin về bệnh sử và thực hiện các thủ thuật thăm khám trên lâm sàng. Sau khi hỏi bạn về những căn bệnh trong gia đình và tiền căn về các bệnh đã mắc phải của bạn, các bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng ho của bạn, khó thở, và các triệu chứng khác.
Khi thực hiện thăm khám trên lâm sàng, các bác sĩ sẽ nghe tiếng tim phổi của bạn bằng ống nghe, và thăm khám các vùng nghi ngờ gây ra cơn ho của bạn, như các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc dấu hiệu của chảy nước mũi sau.
Tùy thuộc vào các triệu chứng của bạn và thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ đề nghị các xét nghiệm bao gồm cả các xét nghiệm hình ảnh học như:
• Phim X Quang ngực
• CAT scan
• PET scan
• MRI
Nếu những kết quả xét nghiệm gợi ý ung thư phổi, các bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết lấy một ít tế bào để đi xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, thực hiện bằng cách dùng một cây kim nhỏ đi xuyên qua da tới các mô của phổi.
Một cách khác là nội soi phế quản, các bác sĩ sẽ dùng một ống nhỏ đi vào phổi qua đường mũi. Sau đó lấy một mẫu nhỏ thông qua ống nhỏ đó và đem đi phân tích.
Một chuyên gia giải phẫu bệnh sẽ quan sát mẫu tế bào của bạn thông qua kính hiển vi và xem thử có tế bào ung thư bất thường nào hay không. Nếu kết luận đó là ung thư, họ sẽ tiếp tục kiểm tra đó là loại ung thư nào, và đã di căn hay chưa.
Nếu ung thư phổi được chẩn đoán, các bác sĩ sẽ thực hiện thêm các xét nghiệm khác để kiểm tra xem ung thư đó đã tiến triển và di căn xa hay chưa.
Ung thư – biết sớm trị lành
Tiên lượng của một người bị chẩn đoán là ung thư phổi tùy thuộc vào giai đoạn của ung thư tại thời điểm được chẩn đoán.
Thông thường, với bệnh nhân bị ung thư ở giai đoạn còn sớm và chưa di căn sẽ có tiên lượng tốt hơn với những bệnh nhân bị ung thư ở giai đoạn muộn và di căn xa.
Tiên lượng của một người bị chẩn đoán là ung thư phổi tùy thuộc vào giai đoạn của ung thư tại thời điểm được chẩn đoán
Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là cực kỳ quan trọng để tăng khả năng sống cho bệnh nhân ung thư. Để phòng ngừa bệnh ung thư phổi, cách tốt nhất là bạn nên xây dựng một lối sống khỏe mạnh và tránh xa thuốc lá khi có thể. Không chỉ là không nên hút thuốc, bạn cũng cần tránh xa khói thuốc lá (hút thuốc thụ động).
Đánh giá một người có nguy cơ cao bị ung thư phổi cần dựa vào tiền căn gia đình và thói quen hút thuốc, bạn cần phải đến xin sự giúp đỡ của các bác sĩ khi có các triệu chứng bất thường càng sớm càng thốt. Đặc biệt là khi ho đi kèm với triệu chứng đau ngực, khó thở hoặc ho ra máu.
*Theo Medicalnewstoday