Giáo sư Yang Lihua là bác sĩ chuyên khoa gan tại Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Ông cho biết, gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể người với nhiều vai trò quan trọng để duy trì sức khỏe con người. Nó đảm nhiệm cùng lúc cả chức năng nội tiết và ngoại tiết như chức năng chống độc, giải độc, chuyển hóa, dự trữ (máu, glucid, vitamin) và tạo mật… Tuy nhiên, cơ quan này lại rất dễ tổn thương và đáng lo nhất là tổn thương, hình thành bệnh tật trong âm thầm.
Theo Giáo sư Yang, có 2 lý do khiến gan được coi là “cơ quan câm”. “Đầu tiên là vì gan không gây cảm giác đau tại chỗ khi có vấn đề giống như các bộ phận khác. Bởi vì ở gan không có dây thần kinh cảm nhận đau, mà chỉ có một lớp nang giống như dây thần kinh, nên gan không có cảm giác đau rõ ràng, nhất là ở giai đoạn đầu bị tổn thương hay mắc bệnh.
Thứ hai, gan hình thành bệnh tật trong im lặng bưởi nó có khả năng tái tạo và dự trữ mạnh mẽ. Chỉ cần 1/3 tế bào gan hoạt động bình thường thì sẽ rất khó phát hiện bất thường rõ ràng hay ảnh hưởng trực tiếp từ lá gan. Đến khi bệnh nặng, tổn thương quá lớn mới bùng phát những triệu chứng rõ ràng, cục bộ và tiến triển rất nhanh, dẫn tới khó kiểm soát”.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể sớm phát hiện ra sự suy yếu, bệnh tật của gan nhờ việc thăm khám kịp thời khi thấy các dấu hiệu bất thường từ các bộ phận khác, bao gồm cả cơn đau. Vì vậy, ông nhắc nhở tất cả chúng ta nên cẩn trọng với cảm giác đau rất có thể là cảnh báo tình trạng gan ở 2 vị trí sau đây:
1. Đau vai phải
“Rất nhiều người sẽ bất ngờ khi biết rằng bệnh gan không gây ra cơn đau gan tại chỗ nhưng lại được phát hiện nhờ triệu chứng đau vai. Ngoài ra, cơn đau vai bất thường còn có thể là dấu hiệu cảnh báo của rất nhiều bệnh tật khác không liên quan tới xương cơ khớp đơn thuần như ung thư phổi, bệnh tim mạch…” - đó là điều Giáo sư Yang cảnh báo.
Về lý do, ông giải thích: “Giữa gan và vai có các dây thần kinh kết nối nên một số bệnh về gan, nhất là khối u ác tính có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh này, gây ra cơn đau vai”.
Đặc điểm của cơn đau vai do bệnh gan thường không đều và có thể kèm theo cứng khớp và sưng tấy. Cơn đau cũng rõ ràng hơn khi bạn vận động gắng sức, uống nhiều bia rượu do lúc này gan đã tổn thương phải làm việc quá sức. Cơn đau vai kiểu này cũng thường chỉ ở một bên vai phải, đau âm ỉ và không thuyên giảm khi bạn cố tác động bằng biện pháp tác động tới cơ và xương (xoa bóp, dùng dầu/cao dán nóng…).
2. Đau ở hạ sườn bên phải
Lý do là gan nằm ở hạ sườn phải nên bệnh gan có thể gây đau ở vùng này, mặc dù chúng không quá rõ ràng nhưng cũng là dấu hiệu quan trọng cảnh báo sớm các bệnh về gan.
Giáo sư Yang nhắc lại: “Như đã nói, gan không có dây thần kinh cảm nhận đau nên sẽ không gây ra cơn đau tại chỗ ở giai đoạn đầu và thậm chí là giai đoạn giữa của nhiều bệnh về gan. Chỉ cảm thấy đau ở vùng gan khi đã có sự thay đổi kích thước gan, do các mô xung quanh và màng ngoài của gan đã có sự tăng kích thước bất thường, giống như sự sưng phù”.
Đặc điểm nhận biết là cơn đau xảy ra ở vùng hạ sườn phải, nhưng người bệnh có cảm giác không định vị chính xác được điểm đau mà chỉ thấy đau theo vùng. Cơn đau thường không đều và có thể trầm trọng hơn khi gắng sức, thay đổi tâm trạng hoặc uống rượu. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy đau ở vùng này, đặc biệt là kèm theo buồn nôn, nôn, chán ăn và các triệu chứng khác thì nên đi khám gan càng sớm càng tốt!
Đau hạ sườn bên phải là “tín hiệu” quan trọng cho thấy gan đã tổn thương, mắc bệnh (Ảnh minh họa)
Bên cạnh những cơn đau, Giáo sư Yang cho biết còn có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo tổn thương gan, bệnh gan rải rác trên cơ thể khác. Trong đó, có nhiều dấu hiệu dễ bị xem nhẹ hoặc nhầm lẫn. Cần chú trọng nhất là: vàng da, vàng mắt, da mặt thâm đen, ngứa ngáy hoặc/và nổi mề đay trên da (nhất là ban đỏ lòng bàn tay, nốt ruồi nhện) mệt mỏi và chán ăn/nôn mửa, sụt cân bất thường, hơi thở hôi khác lạ, nước tiểu sẫm màu.
Còn khi nói về cách để bảo vệ gan, phòng ngừa bệnh gan thì ông nhấn mạnh việc thay đổi lối sống. Cụ thể là duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục vừa phải và ngủ đủ giấc. Tránh lạm dụng rượu và ma túy vì những yếu tố này có thể gây tổn thương gan. Cần tiến hành khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh gan do đây là “cơ quan câm”. Đặc biệt, nếu bạn có tiền sử gia đình hoặc có vấn đề sức khỏe lâu năm, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn thêm về cách bảo vệ gan.