Nếu bạn có ý định “chủ động nhiễm COVID một lần để yên tâm mãi về sau” thì hãy đọc ngay

Người dịch: Nguyễn Thị Thanh Thư Hiệu đính: BS. Lê Thị Ánh Kim |

Khi bắt đầu dịch bệnh, các nhà khoa học xem COVID-19 là một bệnh đường hô hấp, nhưng bức tranh về các tác động trên đa cơ quan của căn bệnh này đang dần rõ ràng hơn.

COVID-19 được chứng minh có thể ảnh hưởng tới nhiều hệ cơ quan trong cơ thể người.

Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra các tác động lâu dài của COVID-19 ở người cao tuổi. Khoảng 1/3 số người cao tuổi sau khi nhiễm COVID-19 sẽ xuất hiện những vấn đề sức khỏe mới, trong khi con số này ở những người cao tuổi không nhiễm COVID-19 chỉ là 1/5.

Trong giai đoạn cấp tính, các triệu chứng của COVID-19 chủ yếu liên quan tới hô hấp. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng ngày càng nhận thức rõ ràng hơn về sự tồn tại của hội chứng "COVID kéo dài". Hội chứng này biểu hiện bằng các triệu chứng dai dẳng ở những người đã hồi phục sau giai đoạn cấp tính của SARS-CoV-2.

Nếu bạn có ý định “chủ động nhiễm COVID một lần để yên tâm mãi về sau” thì hãy đọc ngay - Ảnh 1.

Nguồn: Getty

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí BMJ đã đặt nền tảng cho các nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu tác động lâu dài của COVID-19 đối với sức khỏe con người.

COVID-19 làm tăng nguy cơ mắc bệnh mới hoặc bệnh cũ dai dẳng

Tác giả của nghiên cứu-Tiến sĩ Ken Cohen, giám đốc điều hành bộ phận Nghiên cứu Tịnh tiến (với mục đích chuyển giao những kết quả trong nghiên cứu cơ bản để áp dụng trong thực tế) tại Phòng thí nghiệm Optum và các đồng nghiệp của ông đã xem xét hồ sơ bảo hiểm y tế của hơn 133.000 người lớn tuổi ở Mỹ. Họ từ 65 tuổi trở lên và được chẩn đoán COVID-19 trước ngày 01/4/2020.

Để so sánh với nhóm bệnh nhân này, các nhà nghiên cứu đã chia những người không mắc COVID-19 thành ba nhóm: nhóm thứ nhất không nhiễm COVID-19 vào năm 2019, nhóm thứ hai không nhiễm COVID-19 vào năm 2020, và nhóm thứ ba không nhiễm COVID-19 nhưng bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới.

Tiếp đó, họ ghi lại các vấn đề sức khỏe mới xảy ra trong 3 tuần sau khi được chẩn đoán COVID-19 của mỗi người.

Các tác giả nghiên cứu phát hiện rằng 32% những người tham gia bị nhiễm SARS-CoV-2 vào năm 2020 đã cần chăm sóc y tế cho một vấn đề sức khỏe mới hoặc dai dẳng, như suy hô hấp, mệt mỏi, huyết áp cao, các vấn đề về trí nhớ, tổn thương thận, các chẩn đoán liên quan đến sức khỏe tâm thần, tăng đông máu (máu dễ đông hơn) và rối loạn nhịp tim. Con số này cao hơn 11% so với nhóm không bị nhiễm vào cùng năm đó.

Với các nhóm của năm 2019, họ cũng ghi nhận những phát hiện tương tự.

Khi so sánh nhóm mắc bệnh COVID-19 với nhóm không nhiễm COVID nhưng nhiễm trùng đường hô hấp dưới thì các vấn đề sức khoẻ tăng nguy cơ xảy ra chỉ bao gồm suy hô hấp, sa sút trí tuệ và mệt mỏi sau nhiễm virus.

Bác sĩ Cohen cho biết nhóm nhiễm trùng đường hô hấp dưới gồm bệnh nhân bị các đợt cấp tính của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và có khả năng mắc một số bệnh phổi do vi khuẩn chưa được chẩn đoán, do đó nhiều người trong số họ có thể bị bệnh khá nặng. Tuy nhiên, di chứng xảy ra ở nhóm này ít hơn nhiều so với nhóm nhiễm COVID. Ở nhóm nhiễm COVID, nguy cơ suy hô hấp, sa sút trí tuệ và mệt mỏi sau nhiễm virus cao hơn, thậm chí có tần suất gặp phải các di chứng (không xảy ra ở nhóm nhiễm trùng đường hô hấp dưới) nhiều hơn.

COVID không phải là một căn bệnh phổi đơn thuần

Nếu bạn có ý định “chủ động nhiễm COVID một lần để yên tâm mãi về sau” thì hãy đọc ngay - Ảnh 2.

Nguồn: news.china.science

Tiến sĩ Irene M. Estores, giám đốc Chương trình Y học Tích hợp tại Đại học Y tế Florida, dù không tham gia nghiên cứu nói trên nhưng cho biết những phát hiện này đã khẳng định các kết quả nghiên cứu trước đây, như nghiên cứu của Bộ Cựu chiến binh Mỹ về di chứng sau giai đoạn cấp tính của COVID-19.

Ông nói, mặc dù các tác giả đã chỉ ra những hạn chế của nghiên cứu, nhưng kết quả nói trên cho phép các bác sĩ lâm sàng như ông tiếp tục có các biện pháp để bảo vệ nhóm bệnh nhân lớn tuổi nhiễm COVID.

Còn Tiến sĩ Alicia Arbaje (Giám đốc Nghiên cứu Chăm sóc Chuyển tiếp tại Johns Hopkins Medicine và một bác sĩ lâm sàng tại Trung tâm Y tế Johns Hopkins Bayview ở Baltimore) nói, đây không phải là một căn bệnh viêm phổi đơn thuần hay một căn bệnh có thể chữa khỏi trong chốc lát.

Với mục đích lập kế hoạch cho tương lai xa, nghiên cứu này giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn về những thứ cần phải chuẩn bị, như làm thế nào để giúp mọi người phục hồi, làm thế nào để đồng hành cùng họ trong thời gian kéo dài của bệnh, làm thế nào để đối phó với các di chứng xảy ra sau đó cũng như và cách tái cấu trúc hệ thống y tế để đối phó với một số lượng lớn những bệnh nhân có tất cả những di chứng.

Nghiên cứu sẽ giúp các bác sĩ lưu ý đến cảm nhận của bệnh nhân và hành trình bệnh tật mà họ đang trải qua.

Trong nghiên cứu y học, các nghiên cứu thường được giới hạn trong một bệnh và những vấn đề xung quanh bệnh đó. Nhưng với người lớn tuổi, điều quan trọng là phải nhìn toàn cảnh từ góc độ của họ, hành trình chữa bệnh mà họ đã và đang trải qua. Ví dụ một người có thể bị tiểu đường, tăng huyết áp và đột quỵ và sau đó nhiễm COVID thì việc chữa bệnh cho họ không chỉ bao gồm chữa COVID đơn thuần.

COVID khiến quá trình lão hóa xảy ra nhanh và sớm hơn?

Hạn chế của nghiên cứu là số và dạng mẫu có thể chưa hoàn toàn đại diện cho nhóm những người lớn tuổi ở Mỹ. Do vậy, tiến sĩ Cohen cho rằng những phát hiện kể trên có thể là kết quả của hai hội chứng khác nhau.

"Nhìn chung, tôi nghĩ di chứng sau nhiễm COVID-19 bao gồm hai hội chứng, và có sự chồng chéo của cả hai hội chứng này.

Trường hợp đầu tiên xảy ra ở những bệnh nhân nặng nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt và được hỗ trợ hô hấp. Họ có phản ứng viêm hệ thống khá nặng; nhiều di chứng là hậu quả của các cơ quan bị tổn thương do phản ứng viêm này.

Trường hợp thứ hai là những người bị nhiễm bệnh nhẹ hơn không cần nhập viện. Ở đây, chúng tôi có ít câu trả lời hơn.

Ví dụ, chúng tôi biết rằng virus gây bệnh COVID có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh khứu giác, gây ra chứng mất khứu giác (mất mùi) và hệ thống đông máu có thể được kích hoạt, làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối. Nhưng trong các vấn đề khác, chẳng hạn như rối loạn giấc ngủ, thay đổi tâm trạng, khó khăn về nhận thức, mệt mỏi và đau cơ liên tục, thì tới nay chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời."-ông nói.

Tiến sĩ Estores cho biết điều đó có thể là do kiến ​​thức hạn chế của các bác sĩ về cách chăm sóc bệnh nhân sau nhiễm COVID, ví dụ thiếu thông tin để biết cách tăng cường khả năng hồi phục, hay thời điểm can thiệp phục hồi chức năng, mức độ can thiệp… Ông suy đoán việc gia tăng di chứng trong nhóm nhiễm COVID có thể là do ảnh hưởng nặng nề của virus đối với hệ thống miễn dịch, cũng như cách căn bệnh này có thể gây phá huỷ nhiều cơ quan trong cơ thể.

Nếu bạn có ý định “chủ động nhiễm COVID một lần để yên tâm mãi về sau” thì hãy đọc ngay - Ảnh 3.

"Muốn khỏe mạnh thì phải tập thể thao".

"Với tư cách là một bác sĩ lão khoa, tôi nghĩ rằng COVID có thể đang đẩy nhanh quá trình lão hóa theo một cách nào đó. Có thể một người sẽ bị đột quỵ hoặc đau tim sau 10 năm nữa, nhưng do COVID mà quá trình này bị rút ngắn lại và đẩy nhanh hơn. Xin nhắc lại một lần nữa: theo lý thuyết thì thứ bảo vệ chúng ta khỏi các cơn đau tim, đột quỵ, ung thư và những căn bệnh khác chính là hệ thống miễn dịch.

Nó bảo vệ chúng ta chống lại các yếu tố gây viêm. Nhưng sau khi nhiễm COVID, nếu cùng lúc nhận được thông tin về những tác nhân gây hại thì hệ thống miễn dịch không thể đảm bảo khả năng bảo vệ cơ thể hoặc thực hiện các nhiệm vụ sinh lý như bình thường, vì nó đang bị quá tải. Tóm lại, COVID có thể đẩy nhanh quá trình các bệnh lý có thể xảy ra, hoặc nó có thể tạo ra những tình trạng bệnh lý mới"-tiến sĩ Arbaje nói.

Hệ thống y tế và xã hội nên hỗ trợ bệnh nhân sau giai đoạn cấp của COVID như thế nào?

Tiến sĩ Arbaje nói hệ thống y tế cần học cách sẵn sàng đối phó với những hậu quả của COVID.

Điều này có thể bao gồm cơ sở hạ tầng y tế công cộng, hỗ trợ cho người khiếm khuyết chức năng, phục hồi chức năng, xem xét những chính sách có thể được áp dụng để hỗ trợ những người mắc bệnh hoặc những người có thể phải nghỉ việc để chăm sóc những người mắc bệnh trong thời gian dài.

Nghiên cứu trong tương lai

Ông cũng nói để đảm bảo các phát hiện có tính khái quát hơn thì cần nhân rộng nghiên cứu này hoặc mở rộng các tiêu chí lựa chọn, như xem xét trên tất cả những người sử dụng bảo hiểm y tế nói chung hoặc nhóm người lớn tuổi khác ở các quốc gia khác để xem liệu kết quả nghiên cứu có lặp lại tương tự hay không.

Trong đó không loại trừ khả năng vaccine COVID cũng là một yếu tố tiềm ẩn khác có thể gây nhiễu, vì dù chỉ dựa trên quan sát cá nhân nhưng ông cho rằng vaccine cũng là một yếu tố gây căng thẳng đối với cơ thể giống như căn bệnh COVID.

Ở một mức độ nào đó chúng có thể hoạt động như COVID nhưng không gây ra tình trạng bệnh lý mà chỉ là một tác nhân gây kích thích tạo ra phản ứng miễn dịch. Vì vậy chúng ta cũng nên nghiên cứu xem liệu có bất kỳ di chứng nào, như các đợt cấp của bệnh nền có sẵn, xuất hiện sau tiêm vắc xin hay không.

Điều này không có nghĩa là mọi người không nên tiêm chủng. Tôi chỉ nghĩ rằng chúng ta đang ở giai đoạn đầu trong quá trình chiến đấu với COVID và điều quan trọng là phải xem xét những tác động lâu dài của bất cứ phương pháp nào mà chúng ta đang áp dụng-ông nhấn mạnh.

Nghiên cứu nói trên có thể được tiếp tục kéo dài thời gian xem xét các di chứng ra chẳng hạn khoảng 6 tháng để giúp trả lời sau thời gian này liệu các di chứng có còn hay không, cũng như mở rộng ra đến các nhóm trẻ em và từ 18–64 tuổi. Như thế bức tranh về hậu COVID sẽ ngày càng rõ ràng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

covid

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại