Nên mở hay đóng cửa nhà vệ sinh sẽ tốt hơn? Câu hỏi đơn giản nhưng nhiều người trả lời sai
Nhà vệ sinh hay phòng tắm, toilet là một trong những nơi quan trọng nhất trong mỗi gia đình, vì được cho là nơi bẩn nhất nên bạn cần phải biến nó thành một nơi sạch nhất mới có thể giúp giữ gìn vệ sinh an toàn sức khỏe cho cả gia đình.
Phòng tắm là nơi ẩm ướt hơn những nơi khác trong nhà, diện tích không gian nhỏ, thông thường có hệ thống thông gió kém hơn những không gian sinh hoạt khác, vì vậy nhiều người sau khi đi vệ sinh xong, sẽ nghĩ rằng phải mở cửa nhà vệ sinh để không gian bên trong trở nên thông thoáng và bay mùi nhanh, sạch sẽ hơn.
Mọi người đa số có chung suy nghĩ, mở cửa phòng vệ sinh thường xuyên khi không sử dụng, không chỉ có thể duy trì được sự khô ráo sạch sẽ, mà còn có thể thông gió để đón nhận luồng không khí mới, loại bỏ mùi xú uế một cách nhanh chóng hơn.
Trên thực tế, chúng ta có thể chưa biết rằng, sau khi sử dụng nhà vệ sinh xong, không khí trong nhà vệ sinh chúng ta vừa đại tiểu tiện sẽ có những vi khuẩn và mùi hôi thối.
Nếu như ngay lập tức mở cửa ra, thì những thứ hôi hám và vi khuẩn có hại đó sẽ nhanh chóng bay ra khắp nhà, bám vào những ngóc ngách trong các không gian khác và tạo ra "ngôi nhà" mới của chúng ở đó, vì thế, cả nhà của bạn sẽ là nơi nuôi vi khuẩn, càng ngày càng bẩn hơn.
Lời khuyên của chuyên gia
Bình thường, sau khi sử dụng nhà vệ sinh, bạn nên bật quạt hút gió hoặc thông gió được lắp đặt trong nhà vệ sinh, hoặc có thể mở cửa sổ hướng ra bên ngoài. Như vậy không chỉ duy trì phòng vệ sinh sạch sẽ khô ráo, mà còn có thể tránh được việc tạo điều kiện tốt cho vi khuẩn và mùi hôi phát tán ra các không gian khác, đặc biệt là thâm nhập vào phòng ăn và phòng ngủ.
Đặc biệt, những căn hộ có diện tích nhỏ, thường thì diện tích nhà vệ sinh cũng nhỏ, không thể xây riêng khu vực nhà tắm và nhà vệ sinh, nếu chung nhau 2 công năng này thì bạn lại càng cần phải chú ý phân tách không gian 2 công năng này theo cách tiện lợi nhất.
Đây cũng là cách bạn duy trì được không gian sạch sẽ và độ bền cho các sản phẩm nội thất trong nhà vệ sinh.
Phòng tắm là nơi mà bạn thường xuyên ra vào hàng ngày nhiều lần nhất, nhưng bạn có biết, những thói quen nhỏ mà hàng ngày bạn vẫn hay làm có thể đang liên tục tấn công sức khỏe của bạn. Sau đây là những điều cần lưu ý và thay đổi.
1. Không nên sử dụng thùng rác không có nắp đậy
Thùng rác là nơi đựng tất cả các rác thải bẩn trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, vì vậy chúng rất dễ bị ô nhiễm và phát tán ra bên ngoài. Đặc biệt, thùng rác trong nhà vệ sinh thường không giống với thùng rác ở nhà bếp, chúng bẩn hơn rất nhiều và có nguy cơ cao tiềm ẩn các mầm bệnh.
Không những thế, môi trường trong nhà vệ sinh ẩm ướt thường xuyên, thùng rác chính là nơi ủ bệnh cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ nhất. Do đó, bạn nên cố gắng sử dụng thùng rác có nắp đậy kín, và phải thường xuyên đổ rác hàng ngày. Không nên dùng thùng rác thiếu nắp đậy.
2. Không nên sử dụng chất khử mùi nhà vệ sinh
Một số người thích sử dụng các chất khử mùi có các mùi hương khác nhau trong phòng tắm để che đậy mùi hôi thật sự của không gian này.
Nhưng thực tế cho thấy, những loại nước hoa hay dung dịch tạo mùi này đa số đều là hợp chất hóa học, bạn ngửi chúng và hấp thụ lâu dài là điều không tốt cho sức khỏe. Để loại bỏ mùi hôi trong nhà vệ sinh, cách tốt nhất là nên sử dụng quạt hút mùi và mở cửa sổ, vệ sinh thường xuyên.
3. Không nên để bàn chải đánh răng ở phía bên bệ xí hoặc bồn rửa phòng tắm
Bồn rửa thường nằm cạnh bồn vệ sinh, mặc dù thiết bị trong nhà vệ sinh thường trông sạch sẽ sáng sủa nhưng chúng vẫn là nơi ẩn náu của nhiều vi khuẩn có hại.
Đặc biệt, bệ xí thường là nơi bẩn nhất trong nhà vệ sinh, nếu để bàn chải đánh răng gần đó, mỗi lần đi vệ sinh và xả nước, vi khuẩn được "khuấy" lên sẽ bám vào bàn chải, khiến mầm bệnh có cơ hội tấn công vào răng miệng.
Vì vậy, cách tốt nhất là bạn để bàn chải ở khu vực xa bồn rửa và bồn vệ sinh, tốt nhất là để trong tủ có cửa để bảo vệ sự an toàn của bàn chải khỏi vi khuẩn.
*Theo Health/TT