Vào thời điểm giao mùa thu đông, có một khoảng thời gian nhiệt độ ngày đêm chênh lệch khá lớn. Lúc này cơ thể con người khó thích nghi, sức đề kháng suy giảm nên dễ mắc các bệnh lý như hô hấp, tim mạch.
Vì vậy, mọi người nên chủ động có những biện pháp bảo vệ sức khoẻ, đặc biệt những người có bệnh nền như tim mạch, huyết áp,... người cao tuổi và trẻ em cần được chú trọng hơn.
1. Nhiệt độ ngày đêm chênh lệch cao ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào
1.1. Tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp
Nhiệt độ trong ngày thay đổi thường xuyên làm hệ miễn dịch của con người suy giảm nên dễ mắc các bệnh hô hấp như viêm họng, viêm phổi, hen suyễn, viêm đường hô hấp trên.
Hơn nữa, ban ngày nhiệt độ cao nên mọi người thường chủ quan, mặc những bộ trang phục mỏng, đến chiều tối nhiệt độ giảm sẽ làm cơ thể bị lạnh, gây khô lớp niêm mạc đường thở dẫn tới chức năng đào thải chất tiết bị tổn hại. Chất này dồn ứ trong đường thở sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
Sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp (Ảnh: ST)
Hơn nữa, điều kiện thời tiết trong lúc giao mùa thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Nên lúc này con người dễ bị bệnh, nhất là trẻ em, người có sức khỏe kém.
1.2. Tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim ở người cao tuổi
Nhiệt độ chênh lệch cũng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch, nhất là người già dễ bị lên cơn đau tim, nguy hiểm hơn có thể đột quỵ.
Vào thời điểm ban ngày, khi nhiệt độ cao có thể khiến cơ thể mất nước, hạ huyết áp. Đến tối, nhiệt độ bắt đầu lạnh khiến cơ thể bạn cần có điều chỉnh để duy trì nhiệt độ cơ thể. Điều chỉnh có thể không ảnh hưởng đến người có sức khỏe bình thường nhưng nguy hiểm với người bị bệnh tim.
Nhiệt độ thay đổi đột ngột, đặc biệt nhiệt độ lạnh sẽ làm mạch máu co lại và hẹp hơn (Ảnh: Internet)
Nhiệt độ lạnh khiến mạch máu co lại hoặc hẹp hơn. Điều này giúp giảm thiểu sự mất nhiệt từ máu của bạn để điều chỉnh nhiệt độ bên trong của cơ thể.
Khi mạch máu co lại, huyết áp sẽ tăng lên. Tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để bơm máu qua các mạch máu bị co thắt trong cơ thể.
Nếu bạn có một hệ thống tim mạch khỏe mạnh, sự co thắt mạch máu này sẽ không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, những người bị bệnh động mạch vành (mảng bám trong động mạch), nó có thể dẫn đến tắc nghẽn trong động mạch, có thể gây ra cơn đau tim.
2. Nên làm gì để bảo vệ sức khỏe khi chênh lệch nhiệt độ ngày đêm cao?
Với sự thay đổi và chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, để bảo vệ sức khỏe mọi người nên có những biện pháp phòng bệnh, cụ thể:
- Giữ nhiệt độ cơ thể phù hợp với nhiệt độ thời tiết : Đây là sự điều chỉnh quan trọng để bảo vệ sức khoẻ. Khi thời tiết ấm lên, có nắng, mọi người có thể mặc những bộ quần áo mỏng. Nhưng vào sáng sớm hoặc chiều tối, khi nhiệt độ giảm xuống, mọi người nên giữ ấm cho cơ thể với những chiếc áo nỉ, khoác mỏng.
Đối với trẻ em và người già, nên choàng thêm khăn bảo vệ cổ. Khi đi ngủ nên đắp chăn đủ ấm, mang tất để tránh cơ thể bị lạnh.
- Tăng cường sức đề kháng : Một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đó là hệ miễn dịch kém. Để phòng bệnh hiệu quả, mọi người nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất và vitamin cho cơ thể.
Mọi người nên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin C, D, A, Kẽm, Magie như cá, trứng, sữa, các loại hạt, rau xanh, các loại đậu, hoa quả,…
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ nên chế biến thành các món ăn như cháo, súp hoặc băm nhỏ thực phẩm để con dễ ăn, dễ tiêu hóa hơn.
Tăng cường đề kháng sẽ giúp phòng tránh các bệnh khi thời tiết thường xuyên thay đổi (Ảnh: Internet)
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên để tránh sự phát triển của các loại vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh.
- Đối với người lớn hoặc người cao tuổi có thói quen tập thể dục, không nên tập luyện quá sớm . 6h là thời điểm lý tưởng để mọi người vận động hoặc bạn cũng có thể tập các bài tập trong nhà như yoga, bài tập nhịp điệu,…
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể cũng là cách phòng các bệnh hô hấp, tăng cường sức khỏe. Tùy vào nhu cầu và độ tuổi, nên bổ sung từ 1,5 đến 2,5 lít nước/ngày.
- Không nên tiêu thụ quá nhiều đồ ăn dầu mỡ , nhiều đường, các loại đồ uống có chất kích thích. Đặc biệt, những người bị bệnh tim không nên uống rượu. Khi uống rượu, cơ thể sẽ ấm lên nhưng sẽ làm giãn nở các mạch máu trên da, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
- Xây dựng lối sống khoa học như ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái,... cũng là cách tăng cường sức khỏe hiệu quả, phòng tránh bệnh tật.
Có thể nói, nhiệt độ ngày đêm có sự chênh lệch lớn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Ngoài ra, thời điểm này là lúc các bệnh truyền nhiễm bùng phát như sốt xuất huyết, cúm, Covid-19, Adeno,... Vì vậy, mọi người nên xây dựng chế độ dinh dưỡng và lối sống khoa học, giúp tăng cường sức khoẻ, nhất là trẻ nhỏ và người già.