Nguyễn Thúy Hà (Hà Nội)
Khi thời tiết lạnh cũng là lúc bệnh cúm được đà phát triển. Cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với biểu hiện như bạn đã mô tả. Virus cúm dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ thường nhưng có sức sống khá dai dẳng ở nhiệt độ thấp. Cũng vì thế nên bệnh thường xuất hiện rầm rộ vào dịp cuối năm.
Về điều trị, thì nguyên tắc đầu tiên là cần ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng và chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết. Hầu hết bệnh nhân cúm chỉ cần điều trị triệu chứng.
Tức là nếu ho nhiều thì dùng thuốc điều trị ho, nếu sốt cao thì dùng thuốc hạ sốt. Trên thị trường có khá nhiều loại thuốc điều trị ho, tùy thuộc vào tình trạng ho để lựa chọn thuốc (ho khan, ho có đờm...).
Nếu bạn dùng sai thuốc ho cũng không mang lại hiệu quả, vì thế nếu bạn chưa đi khám được thì có thể miêu tả triệu chứng ho để dược sĩ có thể tư vấn loại thuốc ho phù hợp.
Nên dùng paracetamol để hạ sốt đúng hàm lượng theo tỷ lệ cân nặng, không nên dùng aspirin để hạ sốt, đặc biệt là đối với trẻ em.
Về kháng sinh, hoàn toàn không có tác dụng đối với virus cúm. Thông thường nếu bị cúm nhẹ thì khoảng 1 tuần cơ thể sẽ tự đào thải virus và bệnh sẽ thoái lui.
Tuy nhiên, nếu trong gia đình bạn có trẻ em, người già, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận... mắc cúm, có thể bệnh sẽ kéo dài và biến chứng viêm phổi, viêm não và gây nguy hiểm. Bạn cần đưa đến bệnh viện để khám và chỉ định xét nghiệm và có hướng điều trị cụ thể.
Trường hợp nặng cần được chăm sóc tăng cường và điều trị kháng sinh để đề phòng nhiễm khuẩn thứ phát và hỗ trợ hô hấp, nhưng phải được điều trị và theo dõi tại bệnh viện, không tự điều trị tại nhà.
Để phòng bệnh thì cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên và tốt nhất là nên tiêm phòng. Tiêm phòng vắc-xin là biện pháp chủ yếu đề phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm. Nhiều loại vắc-xin cúm đã được sử dụng trong hơn nửa thế kỷ năm qua.
Các vắc-xin cúm là an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ tương đối cao 70-90%.