Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nước đun sôi để nguội là loại nước lành tính. Bình thường nước trong môi trường tự nhiên nhiễm vi sinh vật, côn trùng, đun sôi để uống là cách dùng nhiệt tiêu diệt các vi sinh vật, ký sinh trùng (nếu có) trong nước để đảm bảo an toàn sức khoẻ. Quá trình đun sôi không gây ra chất có hại cho cơ thể, cũng như không tạo các chất gây ung thư.
Uống nước đun sôi để nguội không hề có hại nhưng nếu nước đun sôi để nguội lưu trữ quá lâu thì lại có vấn đề. Bạn không nên lưu trữ nước đun sôi quá lâu, vì càng để lâu nước càng bẩn. Thực tế, nhiều gia đình có thói quen đun nước sôi, sau đó để nguội rồi tích trữ dùng vài ngày hoặc cả tuần. Thậm chí, nước trong bình chưa hết lại rót thêm nước mới vào, đây là sai lầm hay gặp, cần thay đổi.
Về nguyên lý, quá trình đun sôi sẽ tiêu diệt các vi sinh vật, phân rã chúng thành chất hữu cơ trong nước - là nguồn thức ăn cho những vi sinh vật ở ngoài xâm nhập vào. Do vậy, nguy cơ tái nhiễm vi sinh vật là rất lớn, khiến nước nhanh bị thiu và lượng vi sinh vật nhân lên gấp bội, gây hại sức khỏe.
Tốt nhất, chỉ dùng nước đun sôi để nguội trong ngày, không nên để qua đêm. Tránh việc đổ nước mới vào bình nước cũ. Ngoài ra, dụng cụ đựng bình nên là bình thủy tinh có nắp đậy kín, quá trình sử dụng cần vệ sinh thường xuyên tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, làm nhiễm khuẩn nguồn nước nguy hại sức khỏe.
Các gia đình cũng cần đậy nguồn nước cẩn thận, tránh nhiễm bẩn từ môi trường. Muốn tốt cho sức khỏe, chuyên gia khuyến mọi người nên tuân thủ theo nhu cầu của cơ thể. Nhu cầu uống nước được tính theo cân nặng, tuổi và mức độ hoạt động thể lực. Người lớn có hoạt động thể lực cần khoảng 40ml/kg, không hoạt động thể lực cần khoảng 35ml/kg; người trên 55 tuổi cần khoảng 30ml/kg.
Bạn cũng cần hạn chế uống các loại nước ngọt có ga, các loại nước ép quả công nghiệp có nhiều đường, các loại nước tăng lực, rượu, bia.