Theo Tạp chí National Interest, từ cuối những năm 1940, công nghệ thu được từ phía Đức đã giúp Liên Xô đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạm đội tàu ngầm cả về số lượng và chất lượng, đủ sức tạo ra mối đe dọa lớn trên biển đối với phương Tây.
Vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, Liên Xô đã sở hữu số lượng tàu ngầm lớn nhất thế giới với khoảng 300 chiếc diesel-điện và một số tàu ngầm hạt nhân khiến NATO không thể bắt kịp.
"Chúng tôi không có đủ lực lượng", Phó đô đốc hải quân Anh R.M.Smeeton, Phó tổng tư lệnh tối cao NATO lúc bấy giờ từng thừa nhận.
Giữa lúc Chiến tranh Lạnh lên đến đỉnh điểm, các chiến lược gia quân sự phương Tây luôn sẵn sàng bằng mọi giá tìm cách đối phó với hạm đội hàng trăm chiếc tàu ngầm "chết chóc" của Liên Xô.
Bất kỳ công nghệ nào có thể giúp nhanh chóng phát hiện các tàu ngầm Liên Xô hoạt động dưới biển đều đáng được cân nhắc.
"Biện pháp phòng vệ tốt nhất của một tàu ngầm đương nhiên là ở khả năng tàng hình-chạy êm, không bị phát hiện khi ở sâu dưới biển. Một ý tưởng nào đó về việc có thể vô hiệu hóa khả năng trên chắc hẳn là hấp dẫn khó cưỡng", Tạp chí National Interest dẫn lời cây bút Iain Ballantyne chuyên viết về các hoạt động của hải quân Anh.
Hình ảnh tàu ngầm diesel HMS Auriga của hải quân Anh vào năm 1963. Ảnh: warisboring.com.
Cuối năm 1962, hải quân Anh triển khai tàu ngầm diesel HMS Auriga tới Nova Scotia (Canada) để tham gia tập trận chống ngầm với hải quân nước này. Anh lúc bấy giờ đang giúp Canada thành lập lực lượng tàu ngầm, vì vậy các tàu ngầm của hải quân Anh thường xuyên tập trận chung với các tàu của Canada.
Trong phần lớn thời gian ở Nova Scotia, tàu HMS Auriga làm nhiệm vụ mô phỏng tàu ngầm diesel của Liên Xô, là mục tiêu cho các tàu chiến mặt nước, máy bay và các tàu ngầm khác, bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân mới của hải quân Mỹ.
Một máy bay tuần tra của Canada đã thả một số lượng lớn nam châm xuống đúng hoặc gần vị trí của tàu HMS Auriga. "Ý tưởng này nghe có vẻ lạ đời, song lại thành công vang dội.
Những khối nam châm bám vào vỏ tàu, gây ra hàng loạt tiếng va đập loảng xoảng, khiến tàu HMS Auriga bị lộ trước hệ thống định vị thủy âm (sonar)", Tạp chí National Interest viết.Một nhà khoa học Canada đã đề xuất ý tưởng chế tạo thiết bị gây tiếng ồn dưới biển khiến tàu ngầm Liên Xô dễ bị phát hiện hơn.
Ông đã thiết kế một khối nam châm khớp nối với nhau đơn giản có khả năng bám lỏng lẻo vào vỏ kim loại của tàu ngầm. Khi tàu ngầm di chuyển dưới nước sẽ khiến nam châm va đập vào thân tàu tạo ra tiếng ồn làm lộ vị trí của tàu.
Việc gỡ bỏ nam châm khỏi thân tàu ngầm tốn nhiều thời gian và nỗ lực, do đó sẽ làm giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của hạm đội tàu ngầm Liên Xô. Và NATO đã biến ý tưởng này thành hiện thực.
Khi tập trận kết thúc và tàu HMS Auriga nổi lên, người ta phát hiện các nam châm đã lọt vào những lỗ hổng và rãnh nước trên vỏ tàu. Điều đáng nói là không thể gỡ bỏ những nam châm này trên biển.
Tàu HMS Auriga được đưa về xưởng cạn ở Halifax (Canada) và toàn bộ số nam châm này đã được tháo gỡ hết sau nhiều tuần tàu "không thể tác chiến, không thể tham gia huấn luyện, tiêu tốn thời gian, tiền bạc, gây nhiều bức xúc".
Sau cuộc tập trận, NATO đã áp dụng biện pháp trên đối với tàu ngầm của Liên Xô. Một vài chiếc tàu ngầm lớp Foxtrot của Liên Xô vô tình bị "dính đòn", khiến thủy thủ đoàn "phát rồ" với tiếng ồn do nam châm bám trên thân tàu gây ra.
Kết quả là thay vì hoàn tất chuyến hành trình, những thủy thủ đoàn này buộc phải đưa tàu ngầm của họ quay trở lại cảng.
Theo Tạp chí National Interest, ý tưởng dùng nam châm để đối phó với tàu ngầm Liên Xô chỉ được NATO triển khai vài lần trước khi bị hủy bỏ.
Người ta nhanh chóng nhận ra rằng việc sử dụng máy bay thả từng khối nam châm xuống biển để "mai phục" tàu ngầm đối phương vô tình đi qua là quá rắc rối, không mang lại hiệu quả trên một quy mô lớn.
Trước thông tin mà Tạp chí National Interest đưa ra, Sputnik dẫn lời chuyên gia phân tích chính trị-quân sự của Nga Vladimir Karyakin cho rằng đây hoàn toàn là chuyện hư cấu.
"Liên Xô sở hữu các tàu ngầm có vỏ được làm bằng titan-thân tàu không có tính chất từ tính. Nếu thân tàu được làm bằng thép thì nó có lớp vỏ làm giảm tiếng ồn. Một ví dụ đơn giản là một miếng nam châm vẫn có thể bám vào tủ lạnh qua một lớp giấy mỏng nhưng nếu sử dụng giấy carton thì hoàn toàn không có khả năng.
Lớp vỏ bọc dày bên ngoài giúp tàu ngầm khỏi bị phát hiện không cho phép nam châm bám vào thân tàu. Theo tôi, ý tưởng như vậy không thể thực hiện được", ông Vladimir Karyakin khẳng định.