Trong phóng sự "Tổng cục Kỹ thuật đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ Quốc hạng Nhất" trên báo Quân đội nhân dân nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Tổng cục Kỹ thuật )TCKT), xuất hiện hình ảnh mô hình tổ hợp tên lửa chống tăng B72 (TLCT) do ngành công nghiệp quốc phòng trong nước tự chế tạo.
Tổ hợp tên lửa B72 mới của TCKT còn được đích thân Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cùng một số đồng chí lãnh đạo cấp cao quân đội tham quan.
Dựa trên hình ảnh của phóng sự có thể thấy, phiên bản trên của tên lửa B72 có phần đầu đạn khác so với trước đây, mang hình dạng đặc trưng của đầu đạn nổ tandem (2 lượng nổ xếp nối tiếp nhau). Đây có thể là một phiên bản lạ của tên lửa B72 vốn rất quen thuộc với chúng ta.
Trước đó, trong chương trình Truyền hình Quân đội vào tháng 12/2018 cũng đã hé lộ hình ảnh về một phiên bản "lạ" của tên lửa chống tăng B72. Từ hai thông tin trên thì rất có thể đây là phiên bản tên lửa B72 cải tiến
Phiên bản tên lửa chống tăng B72 mang đầu đạn tandem trong thực tế (khoanh đỏ), có thể nhận thấy rõ phần mũi đặc trưng của loại đầu đạn xuyên giáp phản ứng nổ. Ảnh: VTV1
Bởi trước đó vào năm 2017, trong bài viết "Cải tiến tên lửa chống tăng đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại" trên báo Quân đội Nhân dân, Tổng cục Kỹ thuật đã có phương án cải tiến các tên lửa chống tăng thế hệ cũ đang có trong biên chế.
Theo QĐND, "Các tổ hợp TLCT bao gồm đạn và khí tài (bệ phóng, đài điều khiển) nằm trong quy hoạch sử dụng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, đang được Quân đội ta tiến hành cải tiến, nâng cấp tính năng kỹ thuật, chiến thuật.
Công tác cải tiến tập trung vào đạn TLCT theo các hướng mang đầu đạn kép (Tandem) và mang đầu đạn nhiệt áp (Thermobaric)."
Tương đương sản phẩm của nước ngoài
Theo thông tin đã công bố trên báo QĐND, tên lửa B72 sau cải tiến có khả năng xuyên thép đồng nhất dày 750 - 800 mm sau khi đã phá lớp giáp phản ứng nổ (ERA), sử dụng chế độ điều khiển trực tiếp bằng tay và chế độ bán tự động. Vận tốc của tên lửa nâng cấp lên tới 135 m/s và có khả năng diệt xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ mới ở cự ly từ 500 m đến 3.000 m.
Hình ảnh minh họa nâng cấp tên lửa chống tăng B72. Phía trên là tên lửa chống tăng thông thường, phía dưới là tên lửa mang theo đầu đạn tandem.
Với thông số kỹ thuật như vậy, sản phẩm B72 cải tiến của Việt Nam có tính năng ngang ngửa với gói nâng cấp của một số nước như 9M14-2M (Nga), HJ-73D (Trung Quốc) và Malyutka-2T (Serbia). Bản thân sức xuyên 800mm thép đồng nhất sau lớp ERA của không hề thua kém so với mẫu TLCT hiện đại của Nga như 9K115-2 Metis (800mm).
Trong bài viết "Chủ động, sáng tạo trong quản lý, đồng bộ vũ khí trang bị kỹ thuật" trên báo QĐND tháng 11/2018, Đại tá Lê Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Kho KT788, TCKT cho biết: "Đơn vị đã triển khai dự án và làm chủ kỹ thuật sửa chữa nâng cấp, cải tiến TLCT B72...."
Điều này càng khẳng định chúng ta đã hoàn toàn có thể tiến hành nâng cấp TLCT B72 đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại.
Tên lửa chống tăng có điều khiển được nhiều nước quan tâm nghiên cứu phát triển, liên tục được cải tiến nâng cấp chứng tỏ tính hiệu quả của loại vũ khí này. Việc nâng cấp TLCT thế hệ cũ sẽ giúp những vũ khí cũ phát huy được vai trò trong tác chiến hiện đại.
Hy vọng, sau khi tiến hành nâng cấp B72 mang đầu đạn tandem, chúng ta sẽ tiếp tục phát huy kết quả có được, tiếp tục cải tiến đạn TLCT theo hướng mang đầu đạn nhiệt áp. Đây là hướng đi phù hợp, vừa tiết kiệm ngân sách vừa tận dụng được tối đa tính năng của vũ khí trước khi được trang bị những loại TLCT hiện đại hơn.
Lực lượng tác chiến điện tử huấn luyện làm chủ trang bị mới