NATO “không có cửa” để đối phó với tổ hợp Iskander của Nga

Thanh Bình |

'Trên thực tế, khi đồng thời hai loại tên lửa khác nhau được phóng ra thì rất khó để theo dõi được chúng, bởi vì chúng bay theo các quỹ đạo khác nhau”, ông Drozdenko nói.

Theo RIA Novosti, chuyên gia của tạp chí Arsenal-otechestva.ru Dmitry Drozdenko đưa ra bình luận trên kênh truyền hình Zvezda của Nga về khả năng NATO sẽ đáp trả việc Nga triển khai các tổ hợp Iskander-M trang bị tên lửa loại mới 9M729, ông nói rằng Liên minh quân sự NATO “không có khả năng” đối phó với loại vũ khí mới này.

Mới đây, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg có đề cập đến các kế hoạch của khối này nhằm phản ứng lại việc bố trí hệ thống Iskander trên lãnh thổ Nga. Ông Stoltenberg cho biết, các nước thành viên của NATO đã thống nhất về các biện pháp đáp trả.

Theo các chuyên gia, NATO ở vào thời điểm hiện nay không thể làm gì để đối phó với tổ hợp Iskander-M vì tính cơ động, kích thước nhỏ gọn, cũng như khả năng mang hai loại tên lửa của hệ thống này.

“Thực tế là không đủ thời gian để theo dõi tên lửa được phóng ra và đưa ra bất kỳ quyết định nào. Một điểm cộng nữa của loại vũ khí này là khả năng phóng tên lửa có cánh. Trên thực tế, khi đồng thời hai loại tên lửa khác nhau được phóng ra thì rất khó để theo dõi được chúng, bởi vì chúng bay theo các quỹ đạo khác nhau”, ông Drozdenko nói.

Ông Drozdenko nói thêm rằng, các cấu phần của hệ thống phòng thủ tên lửa được triển khai tại châu Âu hiện nay không có khả năng đối phó lại tổ hợp Iskander-M, bởi vì những hệ thống này được chế tạo đặc biệt để tiêu diệt những mục tiêu đạn đạo cỡ lớn.

Trước đó, Phó thư ký NATO Rose Getemüller cho biết, NATO tin rằng các vũ khí tên lửa tiên tiến nhất của Nga có thể nằm trong phạm vi hiệp ước START.

“Khi tôi theo dõi START-3, tôi thấy hiệp ước tiếp tục được cả hai bên tuân thủ. Về các thỏa thuận tiếp theo, đây là vấn đề của ý chí chính trị, chúng ta sẽ thấy Moscow và Washington quyết định những gì”, bà Getemüller nói.

Đồng thời, bà Getemüller bày tỏ quan điểm ngay cả những hệ thống tiên tiến nhất mà Tổng thống Nga Putin giới thiệu vào tháng 3/2018 có thể được tính là vũ khí tấn công chiến lược, qua các điều khoản về các loại vũ khí mới. NATO cho rằng, trong tương lai điều quan trọng là phải giải quyết vấn đề xác định thiết bị phi chiến lược.

“Chúng ta cần suy nghĩ về cách tiếp cận vấn đề phức tạp hơn, làm thế nào để kiểm tra trong tương lai sự hiện diện hay không có đầu đạn hạt nhân trên các phương tiện quân sự cụ thể.

Nếu chúng ta muốn kiểm soát vũ khí hạt nhân phi chiến lược, chúng ta cần giải quyết vấn đề này, vì các hệ thống như vậy thường có một mục đích kép. Ví dụ, tên lửa Iskander của Nga có thể mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân”, bà Getemüller cho biết thêm.

Ngày 1/3/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong một thông điệp gửi tới Hội đồng Liên bang, đã nói về các loại vũ khí chiến lược mới nhất, bao gồm các tổ hợp siêu âm Kinzhal, Avangard, Burevestnik, đầu đạn laser Peresvet, cũng như tàu ngầm hạt nhân không người lái Poseydon.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại