Theo Reuters, lãnh đạo của 29 quốc gia thuộc NATO hôm qua nhóm họp ngày thứ hai để tìm cách kết thúc cuộc chiến kéo dài ở Afghanistan. Tại hội nghị, nhiều nước châu Âu bày tỏ sự không hài lòng với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.
Chi ngay 2%
Trên trang Twitter, Tổng thống Trump viết ông đã kêu gọi lãnh đạo các nước đồng minh quân sự giữ cam kết năm 2014 là chi ra 2% thu nhập quốc dân để chống lại các mối đe dọa, từ việc hiện đại hóa quân đội của Nga, đến các cuộc tấn công của phiến quân vào các thành phố châu Âu.
“Mọi thành viên NATO phải cam kết chi 2% thu nhập và cuối cùng là 4%”, ông Trump viết trên Twitter ngay trước khi dự họp ngày thứ hai.
Mặc dù trong ngày thứ nhất lên tiếng chỉ trích các nước đồng minh không giữ cam kết đóng góp tiền bạc, tố cáo Ðức để Nga chi phối vì vấn đề năng lượng, ông Trump tỏ ra giữ hòa khí khi dự tiệc tối với những người đồng cấp châu Âu.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng tỏ ra hòa nhã, cố làm dịu không khí căng thẳng. “Ông ấy (Trump) vui vẻ, ông ấy nói châu Âu là một lục địa mà ông luôn coi trọng”, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel nói với phóng viên.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói không khí của hội nghị thượng đỉnh “yên ả hơn nhiều so với những gì mọi người nói” và ông thấy các bên đều muốn duy trì sự thống nhất của liên minh. Trong khi đó, Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic nói ông Trump “có tinh thần xây dựng”.
Hội nghị thượng đỉnh của NATO diễn ra trong bối cảnh chính quyền của ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận về hạt nhân với Iran, áp thuế cao đối với thép, đe dọa tăng thuế với ô tô nhập khẩu từ châu Âu.
Chỉ có Anh còn sát cánh với Mỹ, đáp ứng các yêu cầu về đóng góp trong NATO và yêu cầu các nước khác cũng làm như vậy. “Chúng tôi cho rằng ông Trump về cơ bản là đúng, rằng cơ sở cho một liên minh thành công là sự đóng góp công bằng giữa các thành viên”, tân Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nói.
Cuộc gặp ở Helsinki
Tại hội nghị của NATO, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã gặp gỡ Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, trong lúc Ukraine đang muốn gia nhập khối, mặc dù sự kiện Nga sáp nhập Crimea và những bất ổn ở miền Ðông Ukraine đang ngăn cản ý định này.
Theo quy định của NATO, những nước đang có xung đột vũ trang trong lãnh thổ của mình không được gia nhập liên minh quân sự có tuổi đời gần bảy thập kỷ này.
Sau hội nghị, ông Trump tới Anh rồi tiếp tục tới Phần Lan, nơi ông dự kiến gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thứ Hai tuần tới. Các nhà ngoại giao NATO nói cuộc gặp tại Helsinki ngày 16/7 sẽ là phép thử thực sự đối với cam kết của ông Trump trong NATO.
Bất cứ thỏa thuận nào với ông Putin, hủy bỏ tập trận trên biển Baltic hay rút quân Mỹ khỏi châu Âu, cũng sẽ là cú đánh chí mạng vào chính sách của phương Tây đối với Nga, mặc dù theo các nhà quan sát, đây là kịch bản khó xảy ra.
Một số quan chức Mỹ nói với Reuters rằng, không ai trong Bộ Quốc phòng Mỹ, ngay cả Bộ trưởng James Mattis, biết ông Trump sẽ nói gì khi ở Helsinki.
Nhưng trong khi ông Trump đòi châu Âu tăng tiền đóng góp, có nhiều thông tin nói quân đội Mỹ đã phung phí ngân sách, lắm khi vào những việc không đáng, theo RT.
Ví dụ, đội máy bay tiếp dầu và vận tải quân sự tại căn cứ không quân Travis phải chi cho mỗi chuyến bay 1.220 USD tiền cốc uống cà phê.
Loại cốc này làm bằng kim loại, dùng để hâm nóng đồ uống, nhưng quai bằng nhựa thường bị gãy. Vì thế, mỗi chuyến bay, người ta lại thay một bộ 25 chiếc cốc mới.
"NATO để làm gì nếu Ðức trả cho Nga hàng tỷ đô la tiền khí gas và năng lượng? Tại sao chỉ có 5 trong số 29 nước đóng đầy đủ chi phí cam kết? Mỹ đang chi tiền để bảo vệ châu Âu, trong khi mất hàng triệu đô la qua thương mại hai chiều. Cần phải đóng ngay khoản 2%, chứ không phải đợi đến năm 2025".
Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter