Nắng nóng gay gắt, nhiều nơi trên 40 độ, cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt

D.Hải |

Các chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, đợt nắng nóng diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có thể kéo dài đến ngày 22/4.

Ngày 18/4, nắng nóng đã xảy ra diện rộng ở khu vực phía Tây Bắc Bộ và Trung Bộ với nền nhiệt độ phổ biến 35-38 độ, nhiều nơi trên 40 độ như: Mường Lay (Điện Biên) 40.2 độ, Mường La (Sơn La) 42 độ, Sông Mã (Sơn La) 40.5 độ, Yên Châu (Sơn La) 41.4 độ, Phù Yên (Sơn La) 40.6 độ, Con Cuông (Nghệ An) 40.7 độ, Tương Dương (Nghệ An) 40.8 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 40.6 độ.

Dự báo, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn mạnh nên ngày mai (19/4), nắng nóng tiếp tục xảy ra ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Trung Bộ và mở rộng toàn bộ Bắc Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-37 độ, riêng khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và vùng núi các tỉnh Bắc và trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ từ 38-39 độ, có nơi trên 40 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-16 giờ.

Khu vực Hà Nội: Trời nắng nóng, nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-37 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-16 giờ.

Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo đợt nắng nóng diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có thể kéo dài đến ngày 22/4; riêng khu Tây Bắc, vùng núi phía Tây của Bắc Trung Bộ, các tỉnh trung và Nam Trung Bộ nắng nóng có thể kéo dài hơn.

Từ hôm nay (18/4) đến 24/4, ở các tỉnh Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-16 giờ.

Nắng nóng gay gắt, nhiều nơi trên 40 độ, cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt - Ảnh 1.
Người dân cần hạn chế ra ngoài trời vào thời điểm từ 11 giờ đến 16 giờ hàng ngày tránh sốc nhiệt. Ảnh minh họa.

Đề phòng sốc nhiệt, hỏa hoạn

Cảnh báo tác động của nắng nóng: Do ảnh hưởng của nắng nóng có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ và Tây Bắc Bắc Bộ.

Ngoài ra, nắng nóng có tác động và gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Do vậy, người dân cần hạn chế tham gia giao thông, lao động ngoài trời vào thời điểm từ 11 giờ đến 16 giờ hàng ngày đồng thời cần bổ sung đủ nước uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1-2.

Theo ThS.BS. Vũ Hồng Anh, sốc nhiệt do nắng nóng là hiện tượng thường gặp nếu như cơ thể lao động, tập luyện dưới thời tiết có nhiệt độ trên 39 độ C mà không cung cấp đủ nước để bù lại mồ hôi đã toát ra.

Sốc nhiệt thường là hậu quả của việc tập luyện hay làm việc nặng trong môi trường nóng, đi kèm với việc không uống đủ nước. Trẻ nhỏ, người cao tuổi, những người béo phì và những người rối loạn bài xuất mồ hôi sẽ có nguy cơ cao bị sốc nhiệt. Những yếu tố nguy cơ khác bao gồm mất nước, sử dụng rượu bia, bệnh tim mạch và sử dụng một số loại thuốc.

Triệu chứng chính của sốc nhiệt là việc tăng đáng kể nhiệt độ của cơ thể, thường là trên 40 độ C, kèm theo tính trạng tâm thần thay đổi có thể từ thay đổi tính tình cho đến lú lẫn và hôn mê. Da có thể nóng và khô, tuy nhiên sốc nhiệt do gắng sức thì da thường ẩm.

Các bước sơ cứu người bị sốc nhiệt

Đưa nạn nhân vào bóng râm, cởi bớt quần áo, tưới nước mát hoặc nước hơi ấm lên người nạn nhân. Quạt để thúc đẩy ra mồ hôi và bốc hơi, đặt túi chườm đá ở nách và bẹn. Nếu nạn nhân còn tỉnh táo và có thể uống, hãy cho uống nước mát hoặc nước lạnh không chứa cồn và cafein.

Theo dõi thân nhiệt của nạn nhân thường xuyên, liên tục làm mát cho đến khi nhiệt độ giảm xuống còn khoảng 38,3 - 38,8 độ C.

Gọi cấp cứu nếu có thể. Nếu dịch vụ cấp cứu ở xa hay không đến ngay lập tức được có thể hỏi các nhân viên y tế cách cấp cứu nạn nhân.

Tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) nếu người bệnh mất ý thức và không thấy có dấu hiệu tuần hoàn như tự thở, ho và cử động.

Phòng ngừa sốc nhiệt

Điều quan trọng trong phòng ngừa sốc nhiệt là tránh để cơ thể mất nước và không hoạt động mạnh trong những ngày thời tiết nóng ẩm. Nếu phải hoạt động nhiều trong những ngày nóng ẩm, cần uống nhiều nước (bao gồm nước lọc và các thức uống thể thao bù muối và chất khoáng), tránh uống các thức uống có cồn, cafein và đường vì có thể gây mất nước.

Cần bổ sung các chất điện giải (natri) và nước cho cơ thể nếu đổ mồ hôi nhiều, hoặc làm việc dưới ánh mặt trời lâu trong những ngày nắng nóng. Thường xuyên nghỉ giải lao, mặc quần áo mỏng nhẹ, sáng màu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại