Theo thông tin từ người nhà, bệnh nhân đi bắt ve sầu về ăn cùng bạn. Đến trưa bắt đầu có những biểu hiện bất thường và được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng nôn ói rất nhiều, người mệt lả.
Sau khi được khám, bệnh nhân được chuẩn đoán bị phản ứng phản vệ do thức ăn và được điều trị cấp cứu. Khoảng 2 giờ sau đó, tình trạng bệnh nhân đã dần ổn định trở lại và được chuyển xuống Khoa Nội tiếp tục điều trị.
Qua ngày hôm sau, bệnh nhân tiếp tục có những biểu hiện lờ mờ, bạch cầu tăng cao, nôn ói, rối loạn nhịp tim. Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và xác định bệnh nhân có tình trạng nhiễm độc thần kinh muộn do độc tố của nấm và vi sinh vật.
Bệnh nhân được chuyển Khoa Hồi sức tích cực để điều trị. Sau 24 giờ, tình trạng tri giác bệnh nhân cải thiện tốt, các chỉ số xét nghiệm máu về giá trị bình thường, bệnh nhân đã ăn uống được tốt hơn.
BSCKI Nguyễn Cảnh Toàn, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu chia sẻ: Ve sầu không có độc tố nhưng do sống khá lâu trong môi trường đất nên rất dễ bị nhiễm vi khuẩn hay các loài nấm độc ký sinh trên cơ thể và đây là loại thức ăn có nhiều yếu tố dị ứng.
Trong thời gian gần đây, Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc do ăn ve sầu . Vì vậy, để hạn chế thấp nhất tình trạng này xảy ra, người dân nên hạn chế ăn và dần loại bỏ thói quen ăn ve sầu nhằm tránh nguy cơ ngộ độc, gây nguy hại đến tính mạng.
Bác sĩ Toàn cũng khuyến cáo: Người dân không nên ăn các loại côn trùng và nấm không rõ loại, nhất là trong thời điểm mùa mưa (là mùa sinh trưởng phát triển mạnh của các loài côn trùng và nấm) tại khu vực Đông Nam Bộ nói chung và Bình Phước nói riêng. Khi có các dấu hiệu ngộ độc, cần đến cơ sở y tế để được xử trí cấp cứu kịp thời.