Nam sinh 17 tuổi phát hiện vết hoại tử thâm đen, suýt phải cắt cụt chân, bác sĩ bất lực vạch trần sai lầm suốt 3 năm qua

Phạm Trang |

Nhiều người trẻ do chưa hiểu rõ được tác hại từ những việc làm thường ngày đến sức khoẻ có thể dẫn đến các mối nguy hại không ngờ.

Zhang Jiaxiu, bác sĩ điều trị tại Khoa Tim mạch của Bệnh viện đa khoa Cathay (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, một nam sinh 17 muốn tham gia vào đội bóng rổ của trường. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra thể lực, nam sinh được phát hiện chân có hiện tượng đau và yếu bất thường. Thậm chí có xuất hiện dấu hiệu hoại tử. Qua thăm hỏi tiền sử bệnh lý, nam sinh cho biết bản thân đã hút thuốc từ 3 năm trước.

Sau khi đến viện thăm khám, các bác sĩ phát hiện nguyên nhân là do phản ứng dị ứng với nicotine khiến mạch máu co lại, hàm lượng carbon monoxide trong máu tăng cao gây viêm nhiễm. Do nhiều mạch máu nhỏ ở bàn chân đã bị viêm và tắc nghẽn nên cần phải điều trị khẩn cấp bằng thuốc, nếu không sẽ buộc phải cắt cụt chi. Nhờ các phương pháp điều trị khẩn cấp, nam sinh đã dần phục hồi.

Nam sinh 17 tuổi phát hiện vết hoại tử thâm đen, suýt phải cắt cụt chân, bác sĩ bất lực vạch trần sai lầm suốt 3 năm qua- Ảnh 1.

Vết hoại tử thâm đen trên bàn chân của nam sinh

Zhang Jiaxiu cho biết, vì trẻ em ở tuổi vị thành niên dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè, cha mẹ và mạng xã hội nên bắt đầu có hành vi hút thuốc. Và dù có là thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử hay thuốc lá nung nóng cũng mang lại những tác hại tương tự nhau đối với sức khoẻ con người.

Những tác hại của thuốc lá

1. Tăng nguy cơ ung thư

Những người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 25 lần. Ngoài ung thư phổi, chúng còn dẫn đến vô số các loại ung thư khác như: mũi, miệng, thanh quản, khí quản, thực quản, dạ dày, tụy, thận, bàng quang, cổ tử cung, tủy xương và máu…

Bởi khi hút thuốc, ngoài việc gây tác hại tại chỗ đến các bộ phận của cơ quan hô hấp thì 41.000 hóa chất có trong trong thuốc lá xâm nhập vào cơ thể qua các vách phế nang tại phổi và ngấm vào cơ thể. Các hóa chất này có khả năng tạo ra đột biến trong các tế bào cơ thể khiến cho chúng sinh sôi và dẫn đến ung thư.

2. Tăng tốc độ lão hoá

Hút thuốc dẫn đến sự xuất hiện của các nếp nhăn, đặc biệt ở khu vực xung quanh mắt và môi, các đốm đồi mồi, da xỉn, khô... Nguyên nhân là bởi các hóa chất trong thuốc lá khiến các mao mạch dưới da co lại, hạn chế lưu lượng máu đến da.

Việc thiếu máu và oxy khiến da sạm, thiếu sức sống. Về lâu dài có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn các sợi liên kết như elastin và collagen, những cấu trúc làm căng mịn da – từ đó hình thành nên các nếp nhăn vĩnh viễn, lão hóa sớm.

3. Tăng nguy cơ suy tim, đột quỵ

Một người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao gấp hai đến bốn lần so với người không hút thuốc. Bởi các hóa chất có trong khói thuốc tác động đến toàn bộ thành phần của hệ tuần hoàn và cơ quan tạo máu; làm cho thành mạch dày hơn và dễ hình thành cục máu đông.

Bên cạnh đó nó cũng gây co thắt mạch máu, tăng huyết áp, dẫn đến sự hình thành mảng bám, làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch.

4. Tổn thương phổi, suy hô hấp

Hút thuốc lá khiến tích tụ một số lượng hóa chất đáng kể trong phổi, đường hô hấp và toàn bộ cơ thể của bạn.

Tất cả dư lượng này lâu dài sẽ làm tắc nghẽn phổi, gây ra các vấn đề về hô hấp và suy giảm chức năng của  phổi, từ đó dẫn đến thiếu oxy và máu tươi tới các cơ quan, bộ phận khác nhau của cơ thể, làm cho cơ thể luôn mệt mỏi và khó thở.

Nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá có thể dẫn đến COPD (Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), khí thũng, viêm phế quản mạn tính, viêm phổi, nhiễm trùng phổi, hen suyễn và làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao.

5. Xuất tinh sớm, giảm ham muốn tình dục

Tình trạng giảm ham muốn, xuất tinh sớm khá phổ biến ở những người đàn ông trẻ tuổi nghiện thuốc lá. Bởi hóa chất trong thuốc lá làm giảm lưu lượng máu, gây ra bệnh tim mạch và thiếu sức chịu đựng, từ đó dẫn đến xuất tinh sớm, rối loạn cương dương. Bên cạnh đó, nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Arizona (Mỹ) cho thấy việc hút thuốc trực tiếp ảnh hưởng đến ham muốn tình dục.

6. Gây giòn xương

Một số lượng lớn các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hút thuốc dẫn đến giảm mật độ xương do tăng huy động canxi từ xương vào máu. Việc giảm mật độ xương sẽ khởi phát sớm bệnh loãng xương, đau khớp và thậm chí rụng răng do mật độ xương giảm quá nhiều trong xương hàm. Loãng xương cũng khiến bạn có nguy cơ bị gãy xương thường xuyên hơn và vết gãy cũng chậm liền hơn.

7. Gây vàng ố răng, hơi thở có mùi hôi

Thuốc lá có chứa chất hắc ín - một hóa chất làm cho răng có màu vàng nhạt. Loại hắc ín này rất khó để làm sạch bằng cách đánh răng thông thường và thường tạo thành vết ố vĩnh viễn trên răng của người hút thuốc. Ngoài ra, khi hút thuốc, khói thuốc sẽ tiêu diệt vi khuẩn chí có lợi trong miệng, tăng lượng nước bọt tiết ra và à nguyên nhân hàng đầu hình thành nên cao răng.

Cùng với đó, hơi thở của những người nghiện thuốc lá cũng có mùi rất nặng và khó có thể khử được mùi. Bởi hút thuốc ngoài việc tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong miệng còn gây ra các vấn đề về tiêu hóa, viêm họng và tích tụ hóa chất trong khoang miệng khiến hơi thở có mùi hôi.

8. Tăng nguy cơ đục thủy tinh thể

Không chỉ riêng phổi, hút thuốc lá còn ảnh hưởng rất lớn đến thị lực và có thể gây mù lòa. Hút thuốc sẽ làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng (những tổn thương bình thường có liên quan đến tuổi tác), tổn thương thần kinh thị giác...

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cho thấy nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm (từ 47,4% năm 2010 (điều tra GATS 2010) xuống còn 38,9% năm 2023 (PGATS 2023).

Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (GYTS 2014) xuống còn 1,9% (GYTS 2022).

Đồng thời, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi cộng cộng và nơi làm việc.

Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng), đặc biệt là trong giới trẻ.

Cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020 , trong khi đó, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7,0% .

Thực tế cho thấy, TLĐT và kể cả một số loại TLNN mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại