Nam diễn viên Đức Tiến qua đời ở tuổi 44 vì nhồi máu cơ tim: Bác sĩ chỉ ra 5 đối tượng có nguy cơ cao

Ngọc Minh |

Diễn viên kiêm người mẫu nổi tiếng Đức Tiến vừa qua đời vì nhồi máu cơ tim tại bệnh viện ở California vào tối ngày 18/5 (theo giờ địa phương).

Theo VnExpress, hoa hậu Bình Phương, vợ của diễn viên Đức Tiến là người ở bên chồng phút cuối tại bệnh viện.

Diễn viên Mai Thu Huyền - nhà sản xuất phim Đóa hoa mong manh, bộ phim cuối cùng diễn viên Đức Tiến tham gia - chia sẻ với nguồn trên: "Bình Phương kể chồng đến nhà bạn chơi dịp cuối tuần. Anh đang đứng gọt trái cây thì bất ngờ ngã gục, được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi".

Theo bạn bè, đồng nghiệp trước khi mất, Đức Tiến khỏe mạnh, sinh hoạt, làm việc bình thường.

Vào tối ngày 18/5 (theo giờ địa phương), diễn viên Đức Tiến đã qua đời vì nhồi máu cơ tim tại bệnh viện ở California.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hoàng Vũ, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho hay, nhồi máu cơ tim là một cấp cứu khẩn cấp trong y khoa. Người bị nhồi máu cơ tim cần phải được chẩn đoán, can thiệp sớm.

Nhồi máu cơ tim có liên quan chặt chẽ tới động mạch nuôi tim hay còn gọi là động mạch vành. Tại tim có 3 động mạch để nuôi tim, nếu một trong các động mạch này bị tắc nghẽn thì sẽ gây ra nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân nhồi máu cơ tim thường có liên quan tới các mảng xơ vữa tạo thành các cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu. Tuy nhiên, các vấn đề khác như co thắt động mạch vành, chấn thương ngực… cũng có thể gây ra nhồi máu cơ tim.

Nam diễn viên Đức Tiến qua đời ở tuổi 44 vì nhồi máu cơ tim: Bác sĩ chỉ ra 5 đối tượng có nguy cơ cao- Ảnh 1.

Bác sĩ Vũ đang khám cho bệnh nhân (Ảnh M.T).

Theo bác sĩ Vũ, các nhóm có nguy cơ cao mắc nhồi máu cơ tim là:

- Những người có người nhà mắc bệnh tim mạch;

- Người lớn tuổi (đàn ông trên 45 tuổi, phụ nữ trên 55 tuổi) có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim cao hơn;

- Những người có thói quen hút thuốc lá (thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim);

- Người mắc các bệnh lý như tăng huyết áp; béo phì, rối loạn chuyển hóa mỡ máu; đái tháo đường

- Những người có lối sống ít vận động thể lực.

Ngoài ra chuyên gia lưu ý thêm rằng nam giới có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim cao hơn với nữ giới.

Triệu chứng cảnh báo sớm nhồi máu cơ tim

Triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp là đau ngực dữ dội. Trên 90% trường hợp mắc nhồi máu cơ tim cấp sẽ có biểu hiện đau ngực cấp. Người bệnh sẽ đột ngột bị đau ở ngực trái, cơn đau lan lên cằm, vai và cánh tay trái. Bệnh nhân có thể bị đau ngực kèm theo vã mồ hôi, khó thở. Cơn đau ngực do nhồi máu cơ tim cấp có thể kéo dài 20-30 phút hoặc thậm chí là vài giờ đồng hồ.

"Tình trạng đau ngực sẽ khác nhau ở từng cá nhân. Có người xuất hiện cơn đau ngực nhẹ, cơn đau diễn ra ngắn, một vài phút rồi hết. Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ bị đau nhiều, kéo dài, đau cả khi nghỉ ngơi", bác sĩ Vũ lưu ý.

Nếu mọi người thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc nhồi máu cơ tim, khi xuất hiện tình trạng đau ngực hãy đến bệnh viện sớm để được can thiệp kịp thời.

Phòng ngừa nhồi máu cơ tim

Theo các chuyên gia, để phòng ngừa nhồi máu cơ tim mọi người cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ liên quan tới bệnh. Ví dụ như:

- Không hút thuốc lá, thuốc lào và thuốc lá điện tử.

- Tránh xa khói thuốc lá.

- Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.

- Tập thể dục thường xuyên.

- Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng; tăng cường rau xanh, hoa quả, cá; hạn chế ăn quá nhiều muối, đường bổ sung, mỡ và nội tạng động vật.

- Giảm căng thẳng.

- Khám sức khỏe tổng quát định kỳ để kiểm tra các chỉ số huyết áp, đường huyết, mỡ máu, acid uric…

- Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại