Theo một bài viết trên tờ Topwar, bây giờ đang là thời điểm có sự gia tăng nhanh chóng trong hoạt động của NATO và các vệ tinh của họ ở Biển Đen. Các cuộc tập trận thường lệ sẽ sớm bắt đầu, chẳng hạn như Sea Shield hay Sea Breeze.
Chúng, về bản chất, không khác gì các cuộc tấn công giả định nhằm vào những căn cứ của Hạm đội Biển Đen Nga, đồng thời là thời điểm cho những hành động khiêu khích khác nhau nhằm vào các thủy thủy Nga, thăm dò sức mạnh và mức độ cảnh giác của họ.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bất cứ điều gì trong những hành động khiêu khích này phát triển thành một thứ mang tính đe dọa hơn? Lúc đó cán cân sức mạnh giữa hai phía sẽ ra sao và cơ hội thành công của NATO lớn đến đâu?
Thay vì đi sâu vào chi tiết và những vấn đề liên quan tới thành phần của các nhóm hải quân ở Biển Đen, tác giả bài viết trên Topwar tập trung nói về các vấn đề mang tính toàn cầu.
Cụ thể, điều đáng chú ý trước tiên là trong vài năm qua, Hạm đội Biển Đen của Nga đã trải qua những thay đổi đáng kể, hay có thể nói là những thay đổi nhanh chóng, như được trang bị các tàu chiến mới, hệ thống phòng thủ bờ biển được củng cố mạnh mẽ, và hỏa lực của lực lượng không quân hải quân được tăng cường đáng kể.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, một phần lớn số tàu của Hạm đội Biển Đen đã được chế tạo trước năm 1991. Chúng có lẽ sẽ đủ khả năng để bảo vệ bờ biển Nga trong trường hợp nổ ra xung đột, nhưng liệu chúng có thể giúp Nga giành quyền kiểm soát hoàn toàn trên biển hay không? Đây vẫn là một câu hỏi mở.
Các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen. Ảnh: Moscow Times
Giờ thì hãy nhìn về phía các đối thủ của Nga, có lẽ danh sách này nên bao gồm cả Ukraine và Gruzia trong bối cảnh hiện nay.
Mặc dù những nước này không có hạm đội đáng lo ngại nhưng trong trường hợp nổ ra xung đột, các lực lượng hải quân NATO có thể sử dụng các cảng biển và cơ sở hạ tầng bờ biển của họ.
Đầu tiên, các tàu chiến của những quốc gia tham chiến chủ lực trong NATO (ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ cần di chuyển tới Biển Đen. Giả sử như chúng thành công thì bối cảnh có lẽ sẽ tương tự như những gì diễn ra trong cuộc tập trận Sea Shield của NATO năm ngoái.
Hiện diện ở Biển Đen khi đó là các khinh hạm HNLMS Evertsen (Hà Lan), TCG Yildirim (Thổ Nhĩ Kỳ), BGS DRAZKI (Bulgaria) and ROS Regele Ferdinand (Romania), FHH333 "Toronto" của Hải quân Hoàng gia Canada và F81 "Santa Maria" của Hải quân Tây Ban Nha.
Sau đó, tàu khu trục tên lửa USS Ross DDG-71, với 90 tên lửa Tomahawk, sẽ tham gia vào đội hình này. Có thể nói lực lượng của NATO khá ấn tượng.
Thế nhưng, trong cuộc xung đột tiềm năng này có một biến số rất quan trọng, đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Có rất nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào việc Ankara giữ thái độ trung lập hay theo phe nào.
Như về nguyên tắc, Thổ Nhĩ Kỳ có thể phong tỏa eo biển Bosphorus và Dardanelles, từ đó ngăn các thế lực thù địch tiến vào vùng biển này.
Song, một câu hỏi khác được đặt ra là: Liệu họ có làm điều đó hay không? Mối quan hệ giữa Ankara và Moscow đã xấu đi phần nào trong những năm gần đây, khiến không có nhiều cơ sở để lạc quan về khả năng này.
Tuy nhiên, tác giả bài viết cho rằng, dù là trong trường hợp nào thì rất khó để phía NATO có thể xâm nhập vào bờ biển Crimea hoặc các khu vực khác gần bờ biển Đen của Nga bởi hiện lực lượng Nga tại đây đang được trang bị các hệ thống phòng thủ bờ biển Bal và Bastion, các máy bay ném bom Su-24 cùng một số loại máy bay khác của Hải quân Nga.
Theo tác giả, chỉ riêng điều này thôi cũng đủ để đánh bại đòn tấn công của bất cứ kẻ nào muốn gây hấn.
Trong khi đó, giới chuyên gia Nga hiện dự đoán khó có khả năng xảy ra chiến tranh ở Biển Đen nhưng cho rằng hạm đội của Nga tại đây vẫn nên được củng cố và tăng cường lực lượng hơn nữa để đề phòng tình huống xấu nhất.