Nấc cụt là những đợt co thắt đột ngột không tự chủ và ngắt quãng của cơ hoành nằm ngay dưới phổi, ngăn cách giữa ngực và bụng.
Khi cơ hoành co lại rất nhanh, nó khiến cho không khí bị hút vào nhanh khiến thanh môn bị đóng lại đột ngột, gây nên âm thanh nấc cụt đặc trưng.
Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần, bình thường mỗi đợt chỉ diễn ra trong vài phút, thậm chí có thể kéo dài trong vài giờ với tần suất khác nhau ở mỗi người.
Tuy nhiên, khi nấc cụt kéo dài quá 48 giờ hoặc tái phát theo chu kỳ thì rất có thể đây là do một dạng bệnh lý nào đó.
Nguyên nhân gây ra nấc cụt?
Nghiên cứu gần đây cho thấy những cơn nấc cụt có thể do một cung phản xạ ít được biết đến: não - thần kinh hoành - cơ hoành. Khi cung phản xạ này được kích hoạt sẽ khiến cơ hoành co thắt một cách đột ngột và đóng thanh môn.
Vậy những nguyên nhân nào kích hoạt cung phản xạ này?
Các nguyên nhân thường gặp là ăn uống quá nhiều, ăn nhiều thực phẩm, gia vị cay nóng, uống nhiều nước giải khát có ga, uống nhiều bia rượu, hít phải chất kích thích như khói thuốc, thậm chí căng thẳng cũng có thể là thủ phạm.
Nín thở trong khoảng 15 giây là một trong nhiều "mẹo" chữa nấc cụt hiệu quả. Ảnh: iStock.
Làm thế nào để dừng nấc cụt?
Việc chữa cơn nấc cụt khá đơn giản đó là làm tăng nồng độ carbon dioxide (CO2) trong máu bằng cách hít thở sâu vào một túi kín từ 10-20 giây.
Khi nồng độ CO2 trong cơ thể tăng cộng với sự thay đổi nhịp thở sẽ tác động lên não và phá vỡ cung phản xạ này.
Ngoài ra, bạn có thể thử uống một ly nước mà không cần hít thở hoặc chạy tại chỗ trong 30 giây.
Những kiểu chữa "mẹo" này đều có thể lý giải một cách hết sức khoa học: Việc thở sâu sẽ khiến bạn giải phóng ra nhiều CO2; mỗi khi bạn hít vào một chiếc túi kín, cơ thể đang lấy lại lượng CO2 mà bạn vừa thở ra; một bài tập vận động ngắn ngủi có thể khiến bạn hấp thụ nhiều oxy hơn, kết hợp với các chất dinh dưỡng khác trong cơ thể bạn để tạo ra năng lượng, cơ thể bạn sẽ tạo ra nhiều CO2 hơn.
Đối với những trường hợp bị nấc kéo dài, có thể sử dụng các loại thuốc có sẵn như chlorpromazine, nhưng trước tiên bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ.
Có cần đi khám không?
Trong những trường hợp rất hiếm, những cơn nấc kéo dài có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Thông thường nấc kéo dài từ vài phút đến ít hơn 24 giờ, đây là dạng phổ biến thường gặp ở những người bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe và không cần điều trị cũng có thể tự hết.
Tuy nhiên, nếu cơn nấc của bạn kéo dài hơn 48 giờ và gặp khó khăn khi hô hấp, ăn, uống hay ngủ thì nên đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra.
Tình trạng đó có thể là dấu hiệu của những bệnh lý như trào ngược dạ dày – thực quản, tổn thương thần kinh, đột quỵ, thậm chí là u não.
Theo Today