Na Uy muốn loại bỏ lực lượng NATO ở biên giới với Nga

Minh Hạnh |

Chính phủ mới của Na Uy cho biết nước này có kế hoạch thay thế lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở biên giới với Nga bằng lực lượng của chính mình.

Ảnh minh hoạ: Sputnik

Ảnh minh hoạ: Sputnik

“Điều quan trọng với Na Uy là phải có sự hiện diện quân sự ở các khu vực lân cận”, Anniken Huitfeldt - Ngoại trưởng Na Uy nói với hãng tin địa phương VG hôm 3/12.

“Nhưng theo quan điểm của chúng tôi thì với khu vực giáp biên giới Nga, tốt nhất là chúng tôi nên tự xử lý với sự hỗ trợ của máy bay và tàu chiến Na Uy".

Ngoại trưởng Huitfeldt cho biết đã lên kế hoạch thảo luận việc này với các quốc gia NATO là Anh và Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng bà đang hành động vì lợi ích quốc gia.

Trước đó hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Oslo quân sự hóa Bắc Cực sau khi một tàu ngầm nguyên tử của Mỹ dừng lại tại một cảng dân sự ở Troms, phía Bắc Na Uy.

Mátxcơva cho rằng Na Uy đang tìm cách trầm trọng hoá tình hình khu vực để làm hài lòng Mỹ. Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc cảng Na Uy “đã được hiện đại hoá để phục vụ các chuyến thăm như vậy với sự đồng thuận của Washington”, và gọi đây là "một tiền đồn khác của NATO”.

Nội các mới của Na Uy - dẫn đầu là Thủ tướng Jonas Gahr Stoere của đảng Lao động - đã nhậm chức vào tháng 10. Lao động - đảng lớn nhất ở Na Uy - đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước đó với 26,3% số phiếu bầu.

Mối quan hệ giữa Mátxcơva và phương Tây đã xuống đến mức thấp lịch sử trong những tháng gần đây. Nga liên tục cáo buộc NATO đưa khí tài đến sát biên giới nước này.

Cùng lúc đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết Mátxcơva đang làm việc với một số quốc gia thành viên NATO.

“Chúng tôi có quan hệ với Na Uy, kể cả trong lĩnh vực an ninh. Ngoài các cuộc tham vấn an ninh thường xuyên, chúng tôi muốn tiến lên cấp cao hơn là tổ chức các cuộc làm việc giữa bộ quốc phòng hai nước”, ông Lavrov giải thích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại