Bộ đội xe tăng Việt Nam
LTS: Sau một thời gian lâm trọng bệnh, mặc dù đã được gia đình và các y bác sĩ tận tình chăm sóc, cứu chữa, nhưng do tuổi cao, sức yếu, Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Binh chủng Tăng - thiết giáp đã từ trần ngày 28/11/2021.
Xin giới thiệu những hồi ức, kỉ niệm về Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ của Đại tá Lê Đình Bình, nguyên Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Tăng - thiết giáp.
Vị tướng nén đau để làm việc, Bộ điều trực thăng cấp cứu
Tháng 06/1972, sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo cán bộ trung đội thuộc Trường Quân chính Quân khu Tả Ngạn, tôi chính thức được đứng trong hàng ngũ của những người lính xe tăng.
Gần 40 năm công tác và làm việc tại Binh chủng Tăng - thiết giáp (TTG), tôi trải qua nhiều cương vị khác nhau, trong đó có phần lớn thời gian công tác và làm việc tại Bộ tham mưu binh chủng, tham mưu giúp việc cho nhiều đời Tư lệnh. Vị trí công tác đó giúp tôi được chứng kiến nhiều thay đổi của Binh chủng - đặc biệt trong giai đoạn 1982-2011.
Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - thiết giáp
Kỉ niệm thì có nhiều, nhưng có lẽ kỉ niệm với Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ, người Tư lệnh, người thầy mà tôi vô cùng ngưỡng mộ là đậm nét nhất trong tôi. Theo tìm hiểu, tôi được biết thiếu tướng Trần Doãn Kỷ sinh năm 1927 ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Ông nhập ngũ năm 1949 và tham gia nhiều chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1952 ông học trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (đóng tại Vân Nam, Trung Quốc) và làm giáo viên của trường cho đến năm 1961.
Bước ngoặt đưa ông đến với bộ đội xe tăng bắt đầu từ năm 1961, khi ông theo học Học viện Thiết giáp Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa. Năm 1965, ông tốt nghiệp trở về nước.
Sau một thời gian công tác tại Bộ Tư lệnh, năm 1971 ông vào chiến trường Nam Lào, rồi từ năm 1972 đến năm 1975 chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên, trải qua nhiều cương vị: chủ nhiệm Tăng - thiết giáp Mặt trận B3, Quân đoàn 3; lữ đoàn trưởng Lữ đoàn xe tăng 273; phó tham mưu trưởng Quân đoàn 3, v.v…
Cuộc đời ông ghi đậm những chiến tích trên mặt trận Tây Nguyên: Ông là một trong số ít cán bộ xe tăng được vinh dự chỉ huy xe tăng ra quân trận mở màn đánh Buôn Mê Thuột trong cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975, và cũng tham gia trận đánh cuối cùng vào sào huyệt chính quyền Sài Gòn, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1981, sau khi tốt nghiệp Học Viện Quốc Phòng, ông được bổ nhiệm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Tăng - thiết giáp.
Sau đó không lâu, tháng 04/1982, tôi (Đại tá Lê Đình Bình) đang là giáo viên Khoa Vũ khí, Trường Sỹ quan Thiết giáp được điều về Bộ Tư lệnh Binh chủng, làm trợ lý huấn luyện bắn súng tại Phòng Huấn luyện - Nhà trường thuộc cơ quan Tham mưu binh chủng.
Hoàn cảnh lần đầu tôi được biết đến Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ cũng rất đặc biệt: Lúc bấy giờ, tôi mới nhận công tác được vài hôm, vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu đơn vị.
Trong một buổi sinh hoạt cơ quan do Tham mưu phó Bùi Duy Hưng chủ trì, đến giờ giải lao, tôi thấy một người dáng vẻ nhanh nhẹn, gọn gàng trong bộ quân phục gạc-ba-đin còn mới với gương mặt cương nghị, mang quân hàm đại tá xuất hiện.
Ông đến bên Tham mưu phó Hưng trao đổi gì đó, cuộc trao đổi giữa hai người dần trở lên gay gắt, đến độ to tiếng ngoài mong muốn … Tham mưu phó Hưng có vẻ thiếu bình tĩnh và nóng tính hơn, nhưng với vẻ từ tốn và cương quyết của người kia khiến mọi thứ dần êm ả trở lại.
Đó chính là thiếu tướng Trần Doãn Kỷ, ngay từ những giây phút đầu tiên ấy không hiểu sao tôi đã có nhiều thiện cảm với ông.
Bộ đội xe tăng Việt Nam
Ngày ấy, trong cơ quan Bộ Tư lệnh, lãnh đạo các phòng ban đều là những cựu binh đã đi qua chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ biên giới, nên những trợ lý trẻ như tôi chỉ được xem như những người học việc, vẫn còn nhiều bỡ ngỡ.
Giai đoạn thập niên 1980, mặc dù trên danh nghĩa cuộc chiến tranh biên giới đã kết thúc, nhưng cuộc chiến đấu chống lấn chiếm biên giới phía bắc, và chiến đấu làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Cam-pu-chia vẫn rất ác liệt, sôi động. Lực lượng TTG sau năm 1979 phát triển rất mạnh trên khắp các địa bàn trong cả nước.
Với chức năng nhiệm vụ làm tham mưu cho Bộ Quốc phòng về xây dựng tổ chức lực lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đối với các đơn vị TTG toàn quân, nhiệm vụ của Binh chủng nói chung, của cơ quan tham mưu mà người đứng đầu là ông - Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Trần Doãn Kỷ là hết sức nặng nề.
Ròng rã suốt nhiều năm, ông đi công tác dài ngắn liên miên, hết ra Bắc lại vào Nam, từ biên giới đến hải đảo. Đi đến đơn vị nào ông cũng tự mình quan sát, theo dõi sâu sát tỉ mỉ. Ông dành phần lớn thời gian xuống cơ sở, nắm bắt tình hình tìm hiểu tâm tư tình cảm của cán bộ chiến sỹ.
Điểm đặc biệt ở Phó Tư lệnh Trần Doãn Kỷ, đó là khi kiểm tra huấn luyện ông có thể chỉ bảo hướng dẫn tới từng hành động chiến thuật nhỏ nhất của phân đội, của kíp xe, cho đến vị trí, động tác của từng cá nhân cụ thể.
Do được học hành bài bản, từng trải qua chiến đấu nên những nhận xét đánh giá kết luận của ông thường rất xác đáng và thuyết phục, ưu khuyết rõ ràng làm chỉ huy các đơn vị luôn phải "tâm phục khẩu phục".
Ông tâm huyết với công việc đến mức có lần đi công tác ở Tiên Yên, Ba Chẽ thuộc đặc khu Quảng Ninh trong những năm chiến tranh biên giới phía bắc, ông bị đau bụng dữ dội nhưng vẫn cố nín cơn đau để làm việc cho tới khuya.
Đến khi quân y phát hiện ra, chẩn đoán ông bị đau ruột thừa thì đã rất muộn. Tình huống khẩn cấp, Bộ quyết định điều trực thăng đưa ông về Bệnh viện 108 để cấp cứu kịp thời. Sự việc rất đáng tiếc, nhưng cũng cho thấy ông là con người luôn lấy công việc làm đầu, luôn tận tụy với trách nhiệm cao nhất.
Tác giả - Đại tá Lê Đình Bình, nguyên Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Tăng - thiết giáp
Qua những lần tháp tùng ông đi công tác, tôi đã "nhặt nhạnh" học hỏi được rất nhiều điều từ những kiến thức về chuyên môn binh chủng, phương pháp công tác đến cách đối nhân xử thế trong cuộc sống đời thường.
Tính ông khẳng khái, khiêm nhường nhưng rất kiên quyết, với cách nói và diễn tả khúc triết rành mạch, những vấn đề ông nêu ra người nghe rất dễ hiểu và dễ tiếp thu.
Ông có thể làm thị phạm cho cấp dưới cả những môn về chiến thuật và kỹ thuật binh chủng - đặc biệt công tác tham mưu trên bản đồ, ông có thể sửa, bổ sung những nội dung thiếu hoặc chưa đúng trên bản đồ đến từng chi tiết nhỏ.
Chữ ông đẹp, nét vẽ chuẩn xác, luôn làm cho cánh trợ lý trẻ và cấp dưới chúng tôi thán phục và đầy nể trọng (thực tế điều này không phải người chỉ huy nào cũng làm được).
Là một trợ lý ở cơ quan tham mưu, tôi học hỏi được ở ông về cách sử dụng từ ngữ: Có lẽ do tự học hỏi và được rèn giũa nhiều, nên từ cách nói đến việc thể hiện ngôn ngữ của ông trên các loại văn bản khác nhau rất chuẩn mực, câu chữ không bay bướm nhưng chặt chẽ, khúc triết, rõ ràng làm cho người đọc dễ hiểu dễ nhớ.
Còn nhớ những ngày đầu mới về cơ quan, mỗi lần soạn thảo văn bản, tôi như phải đánh vật với những con chữ.
Trước đây, đâu có ai dạy "chỉ thị" viết thế nào, văn bản "hướng dẫn" thì trình bày ra sao, soạn "kế hoạch" khác gì với "hướng dẫn", rồi điện gửi cơ yếu, điện đọc qua điện thoại … và còn bao nhiêu thứ nữa. Tôi phải vừa làm, vừa học để sửa dần dần.
Lúc đầu, những trang bản thảo tôi viết trình lên để ông thông qua, khi nhận lại để chỉnh sửa thì trang viết nào cũng toàn một màu bút đỏ, dòng thì gạch xóa, chỗ thì thêm bớt với những con chữ nhỏ xíu. Nhìn vào vừa thấy nản, vừa xấu hổ, nhiều khi không muốn để người khác nhìn thấy.
Có khi cả trang giấy tôi viết, ông sửa gọn lại chỉ còn lại độ mươi dòng mà vẫn đủ nội dung với văn phong rõ ràng sáng ý. Mỗi lần đưa lại bản thảo ông luôn ân cần giảng giải, hướng dẫn tỉ mỉ để tôi về chỉnh sửa, thông qua ông lần cuối trước khi bút phê chuyển bảo mật in ấn.
Thời gian càng trôi đi thì những nét bút màu đỏ trên các trang bản thảo của tôi mỗi khi trình ông lại ít dần. Tôi càng tự tin và hiểu rằng mình đã có thể làm được việc và được ông tin tưởng. Bằng chứng là những chuyến đi công tác xa thông qua thủ trưởng phòng ông thường chỉ đích danh tôi đi cùng.
Bộ đội xe tăng Việt Nam
Giữ chức vụ Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng đến đầu năm 1990, ông chính thức được bổ nhiệm làm Tư lệnh Binh chủng thay cho thiếu tướng Lê Xuân Kiện nghỉ hưu. Cũng trong năm này, Tư lệnh Trần Doãn Kỷ được phong quân hàm thiếu tướng.
Gần 10 năm làm cấp phó ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Ở cương vị mới, với trọng trách cao hơn, nặng nề hơn, ông luôn cùng với tập thể đảng ủy đoàn kết thống nhất cao, lãnh đạo chỉ huy binh chủng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Trong thời kỳ ông làm Tư lệnh Binh chủng, có một sự thay đổi lớn: Kể từ cuối năm 1987, Cục Tăng - thiết giáp của Tổng cục Kỹ thuật giải thể. Chức năng đảm bảo kỹ thuật cho các đơn vị TTG toàn quân được bàn giao cho Binh chủng.
Nói cách khác, Binh chủng không chỉ phải "chăm lo" cho các lữ đoàn dự bị chiến lược của Bộ, mà phải sâu sát cả các đơn vị TTG trong biên chế quân khu, quân đoàn, quân chủng bạn.
Đi cùng với đó, Binh chủng cũng phải tiếp nhận quản lý, chỉ đạo cả một hệ thống nhà máy, xưởng sửa chữa, kho tàng vật tư, khí tài ... với khối lượng rất lớn, lại phân tán ở các vùng miền khác nhau.
Ngoài tham mưu cho Bộ về huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, từ đây Binh chủng còn phải chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động với hệ số kỹ thuật cao nhất cho hàng ngàn chiếc xe tăng, xe thiết giáp của toàn quân trải rộng trên các tỉnh thành cả nước.
Trước nhiệm vụ khó khăn ấy, những chuyến công tác xa của Tư lệnh Trần Doãn Kỷ ngày càng nhiều hơn, dài hơn, để giải quyết những khó khăn vướng mắc của các đơn vị trong giai đoạn đầu chuyển đổi cơ chế quản lý.
Dù không phải là người chỉ huy trực tiếp các đơn vị TTG thuộc các quân khu, quân đoàn, quân chủng, nhưng ông đã góp phần kết nối được cái hệ thống ngành dọc ấy thành một thể thống nhất như người "trong một nhà" tạo nên sự khởi sắc, phát triển, như một phong trào "thi đua ngầm" giữa các đơn vị TTG toàn quân.
Nhờ đó làm nền tảng cho các đơn vị TTG từng bước trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua quyết thắng ở các quân khu, quân đoàn sau này.
Trong những năm nóng bỏng của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, cũng như trong thời kì đổi mới cơ chế quản lý quân đội sau 1990, đều có dấu ấn của Phó Tư lệnh, rồi Tư lệnh Binh chủng Trần Doãn Kỷ. Cả cuộc đời ông đã gắn bó với những vết xích xe tăng trên khắp miền đất nước.
Bộ đội xe tăng Việt Nam
Góc riêng tư của vị tướng xe tăng
Dành hết thời gian, tâm huyết cho sự phát triển của bộ đội xe tăng, suốt mấy chục năm ông sống xa nhà. Mãi đến khi về Bộ Tư lệnh Binh chủng công tác, ông mới có điều kiện đưa vợ và 4 người con (2 trai, 2 gái) về Hà Nội để đoàn tụ.
Với cương vị của mình ông hoàn toàn có thể giúp đỡ các con có một môi trường làm việc, công tác tốt hơn, nhưng ông đã không làm như vậy mà để các con tự phấn đấu, rèn luyện.
Đến nay các con ông người đã nghỉ hưu, người còn đang công tác, nhưng điểm chung là tất thảy các con, cháu nội ngoại của ông đều sống rất đức độ hiếu thảo, cuộc sống hạnh phúc, đầm ấm và ổn định. Vì thế ông luôn vui vẻ và bằng lòng với những gì mình đang có.
Trong nhiều năm công tác và làm việc, tôi thật sự kính phục ở con người ông là đức tính gương mẫu, liêm khiết, trung thực, giản dị. Có nhiều kỉ niệm khiến tôi nhớ mãi:
Theo ông kể sau khi giải phóng Sài Gòn ông được ưu tiên mua thanh lý một chiếc xe máy Lambretta 150 phân khối chiến lợi phẩm đã qua sử dụng.
Khi về cơ quan Bộ Tư lệnh, mặc dù đã có xe riêng của đơn vị nhưng ông vẫn sử dụng chiếc xe đó đi lại trong các lần về Vĩnh Phú thăm gia đình. Nhiều khi xe hỏng ông phải tự sửa chữa bảo dưỡng mà không phiền tới anh em trong cơ quan.
Khi gia đình đã chuyển về Hà Nội giai đoạn xăng dầu khan hiếm, khoảng cách từ nhà đến cơ quan cũng chỉ trên dưới 4 km nhưng để tiết kiệm xăng dầu ông đã không đi xe của cơ quan mà chọn xe đạp làm phương tiện đi làm hàng ngày.
Mọi chuyện chỉ dừng lại khi tai nạn đến với ông trong một lần trên đường đến cơ quan, chắc mải suy nghĩ gì đó, xe va vào dải phân cách ông bị ngã sấp xuống đường, anh em cùng cơ quan đi sau biết là thủ trưởng mình đã kịp thời đưa ông đi cấp cứu.
May lần ấy ông chỉ mất "mấy cái răng". Thế rồi Bộ Tư lệnh ra "nghị quyết" không cho ông đi xe đạp nữa. Thông qua câu chuyện để thấy dù ở cương vị nào ông cũng chọn lối sống giản dị, gần gũi, thân thiện với mọi người.
Bộ đội xe tăng Việt Nam
Dịp Tết Nguyên đán năm 1990 một doanh nghiệp xây dựng đã ký hợp đồng xây dựng, và sửa chữa một số công trình của Binh chủng có đến thăm chúc Tết và tặng quà ông, trong đó kèm theo một phong bì tiền.
Không nỡ từ chối, ông vẫn nhận quà nhưng sau đó ông chủ động gặp Phó tư lệnh chính trị, Bí thư đảng ủy Binh chủng lúc đó là thiếu tướng Bùi Quỳ.
Ông đề nghị mở phong bì và chuyển toàn bộ số tiền 500.000 đ trong phong bì vào công quỹ. Hành động tuy nhỏ nhưng lại gây ấn tượng rất sâu sắc với mọi người về sự liêm khiết của ông trong công việc.
Với những đóng góp của ông sau gần nửa thế kỷ, trải qua ba cuộc chiến tranh bảo vệ và giải phóng dân tộc, theo nguyện vọng của các cựu chiến binh Lữ đoàn xe tăng 273 trong đó có cả những tướng lĩnh đã từng dưới quyền ông, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn xe tăng 273 đã làm hồ sơ gửi Bộ Quốc Phòng đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông.
Tuy nhiên, vì những lí do khách quan, mà việc thẩm định hồ sơ vẫn chưa được thực hiện.
Mặc dù vậy, đối với những người lính xe tăng chúng tôi, thiếu tướng Trần Doãn Kỷ luôn là người anh hùng, là tấm gương về ý chí, lòng dũng cảm, phẩm chất đạo đức trong sáng trong lòng người lính xe tăng.
Ông đã đi xa, nhưng chúng tôi vẫn nhớ về hình ảnh của ông: Hình ảnh một người chỉ huy xông sáo, dũng cảm, mưu trí cùng những chiếc xe tăng dũng mãnh trải qua mấy cuộc chiến.
Hình ảnh một vị tướng cùng những người lính của mình, mặc trang phục thường dân, lội bì bõm trong bùn đất trên dòng sông Mekong để xác định đường cho xe tăng cơ động. Hình ảnh một lão tướng tuổi 90 vẫn hàng ngày chăm chú đọc báo cả bằng tiếng Việt và tiếng Trung để không trở nên lạc hậu với thời đại.
Nhìn lại cuộc đời oai hùng của thiếu tướng Trần Doãn Kỷ, cũng là dịp để mỗi chúng ta tự soi lại mình, để lại cho thế hệ chúng ta hôm nay một sự khâm phục với bao kỉ niệm và cảm xúc dâng trào.