Mỹ yêu cầu Nga phá hủy siêu tên lửa

THIÊN THANH |

Giới chức Mỹ tin rằng hệ thống SSC-8/9M729 có phạm vi hoạt động từ 500 km - 1.000 km.

Mỹ yêu cầu Nga phá hủy hệ thống tên lửa hành trình SSC-8/9M729 mà Mỹ cho rằng đã vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), đe dọa sự tồn tại của thỏa thuận và tăng nguy cơ chạy đua vũ trang mới.

Phát biểu tại một hội nghị về giải trừ vũ khí của Liên Hiệp Quốc ngày 21-1, Robert Wood, đại sứ về giải trừ vũ khí của Mỹ, cho rằng chương trình vũ khí của Nga đang gây bất ổn cho an ninh quốc tế, tin từ Reuters.

Theo ông Wood, Mỹ cho rằng tên lửa hành trình SSC-8/9M729 của Nga đã vi phạm thỏa thuận INF mà hai nước ký kết năm 1987. Thỏa thuận này cấm các tên lửa hạt nhân và thông thường phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km. Theo thỏa thuận này, Washington và Moscow đã phá hủy khoảng 2.700 tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Nói tên lửa SSC-8/9M729 của Nga vi phạm thỏa thuận INF bởi giới chức Mỹ tin rằng hệ thống SSC-8 có phạm vi hoạt động từ 500 km-1.000 km. Theo ông Wood, tên lửa này có thể mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân, đặt ra mối đe dọa to lớn và trực tiếp tới châu Âu và châu Á.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp ước INF nếu Nga không chứng minh họ sẽ tuân thủ các quy định có trong thỏa thuận. Tuần trước, Nhà Trắng đã phản đối đề nghị của Nga về việc cứu vãn hiệp ước INF, nói rằng việc Moscow cho phép các thanh sát viên của Mỹ kiểm tra SSC-8 là chưa đủ.

“Thật không may, Mỹ ngày càng thấy rằng Nga không đáng tin trong việc tuân thủ các nghĩa vụ kiểm soát vũ khí của mình và những hành động trên toàn cầu đã làm gia tăng căng thẳng" – đại sứ Mỹ phát biểu tại hội nghị.

Phái đoàn Nga dự hội nghị không phản ứng trước các cáo buộc của ông Wood. Song điện Kremlin nhiều lần phủ nhận vi phạm thỏa thuận INF.

Ông Wood cho rằng Nga đã tiến hành các vụ thử tên lửa “bất hợp pháp” và cáo buộc Moscow không tuân thủ các điều khoản INF. Ông Wood cảnh báo: "Nga phải phá hủy tất cả các tên lửa SSC-8, bệ phóng và thiết bị đi kèm để tuân thủ trở lại Hiệp ước INF ".

Theo Sputnik, sau phát biểu của ông Wood, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trả lời phỏng vấn tạp chí International Affairs rằng: “Chúng tôi sẵn sàng chứng minh tính minh bạch của tên lửa 9M729. Chúng tôi đã có bài thuyết trình và báo cáo về loại tên lửa này và nó hoàn toàn tuân thủ nội dung của Hiệp ước”.

Ông Ryabkov cũng nhấn mạnh Nga “không công nhận quyết định đơn phương của Mỹ về việc rút khỏi Hiệp ước INF” và coi hành động này là không có hiệu lực pháp lý.

Hệ thống tên lửa SSC-8 trở thành mối quan ngại từ lâu của Mỹ khi chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố SSC-8 được thử nghiệm vào năm 2014. Theo New York Times, ông Obama đã tìm cách thuyết phục Nga từ bỏ dự án này khi vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng bất thành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại