Theo báo cáo của ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2020, các vũ khí mới nói trên đều nhằm mục đích tăng cường khả năng tấn công tầm xa của Quân đội Mỹ.
Sau khi rút khỏi INF, 3 ưu tiên trọng tâm của Lầu Năm góc là phát triển tên lửa siêu vượt âm, tên lửa đạn đạo tầm trung và thế hệ phòng thủ tên lửa tương lai tương ứng. Tất cả chúng đều được bắt đầu từ năm tài khóa 2020 với nguồn ngân sách ước tính khoảng vài tỷ USD trong 5 năm tới.
Ưu tiên hàng đầu của giới chức quân sự Mỹ đối với các loại tên lửa mới là "khai hỏa chính xác ở tầm xa" - LRPF (Long Range Precision Fires). Điều này cho phép lực lượng quân sự Mỹ có thể tiến hành các đợt tấn công trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả trong các điều kiện bất lợi.
Giới chuyên gia quân sự đánh giá, thuật ngữ LRPF là một yếu tố quan trọng cấu thành trong học thuyết quân sự mới của Mỹ với tên gọi "Hoạt động quân sự đa tầng".
Cụ thể, theo học thuyết mới, lực lượng quân sự Mỹ sẽ phối hợp với các đơn vị kỹ thuật đặc biệt tạo ra chiến tuyến trên khắp các mặt trận hải-lục-không quân, không gian và không gian mạng để khiến đối phương tê liệt.
Tên lửa siêu vượt âm tương lai
Theo yêu cầu của Bộ tư lệnh Phòng thủ không gian và Bộ tư lệnh Lực lượng chiến lược mặt đất Mỹ, tên lửa siêu vượt âm mới sẽ được phát triển trong vòng 5 năm tới với chi phí khoảng 1,2 tỷ USD.
Mục tiêu của chương trình là phát triển dòng vũ khí cấp chiến lược mới có đủ khả năng tấn công các mục tiêu ở tầm xa và siêu xa với độ chính xác cao.
Vũ khí siêu vượt âm tương lai đang là một trong những trọng tâm phát triển của Quân đội Mỹ trong tương lai gần.
Quá trình phát triển tên lửa siêu vượt âm mới sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn sơ bộ bắt đầu từ năm 2020 và kéo dài tới năm 2023 với mục tiêu phác thảo những yêu cầu kỹ-chiến thuật của chương trình để tìm kiếm các giải pháp khả thi.
Quá trình phát triển và thử nghiệm nguyên mẫu vũ khí mới sẽ bắt đầu từ năm 2023."Tên lửa mới phải đáp ứng khả năng tiêu diệt các tổ hợp tên lửa, trung tâm chỉ huy hoặc các mục tiêu quan trọng của đối phương trong thời gian ngắn nhất", trích báo cáo của Lầu Năm góc.
Hiện tại, Lầu Năm góc đang lên kế hoạch tái khởi động lại 2 chương trình phát triển tên lửa mới đã bị đóng băng theo quy định của INF gần 30 năm qua.
Tổ hợp tên lửa đạn đạo cơ động tầm trung
Trong 5 năm tới, Lầu Năm góc dự kiến chi tới 1 tỷ USD cho chương trình phát triển tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm trung mới, có khả năng cơ động cao.
Chương trình này được mang nhiều tên gọi khác nhau như: Tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa INDOPACOM hay tên lửa hành trình trên bộ thế hệ mới.
Mục tiêu chính của chương trình được công bố là đáp ứng yêu cầu của lực lượng quân sự Mỹ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi đang cần được bổ sung thêm sức mạnh về hỏa lực tầm trung.
Với nền tảng công nghệ hiện có, việc Mỹ cho ra mắt tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm trung mới sẽ rất nhanh chóng. |
Tổ hợp tên lửa mới sẽ giúp cung cấp thêm tùy chọn cho Quân đội Mỹ về loại vũ khí cấp chiến lược với mức chi phí rẻ hơn.
Trong năm tài khóa 2020, chương trình phát triển tên lửa tầm trung mới được phân bổ 20 triệu USD.
Tổ hợp lá chắn tên lửa tầm trung mới
Bên cạnh các loại vũ khí tấn công, Mỹ cũng đang theo đuổi chương trình phát triển tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung mới.
Mặc dù các thông tin liên quan tới việc phát triển vũ khí phòng thủ mới rất mờ nhạt, nhưng đã có thông tin về việc Northrop Grumman đang phát triển các hệ thống lõi của tổ hợp với tên gọi chung là Tổ hợp tên lửa phòng không-phòng thủ không gian tích hợp. Việc phân bổ tài chính cho chương trình dự kiến bắt đầu từ năm 2022.
Quá trình phát triển tổ hợp tên lửa đánh chặn mới chậm trễ là do Quân đội Mỹ đang ưu tiên nâng cấp các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot hiện có. Chúng hiện vẫn là xương sống trong hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung của Mỹ.
Trong vòng 5 năm tới, Mỹ sẽ chi khoảng 232 triệu USD cho chương trình phát triển tổ hợp vũ khí phòng thủ tên lửa mới.