Mỹ trừng phạt tướng quân đội thân cận Thủ tướng Campuchia Hun Sen

Mỹ Trinh |

Cựu tướng Kun Kim, một cộng sự thân cận của nhà lãnh đạo Campuchia, là một trong hai doanh nhân bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt vì nghi họ tham nhũng và phá rừng trái phép, cưỡng chế đất đai để tư lợi.

Cựu tướng Kun Kim, một cộng sự thân cận của nhà lãnh đạo Campuchia, là một trong hai doanh nhân bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt vì nghi họ tham nhũng và phá rừng trái phép, cưỡng chế đất đai để tư lợi.

Theo hãng tin AP ngày 10.12, cựu tướng Kun Kim, cựu tham mưu trưởng Quân đội hoàng gia Campuchia (RCAF) hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý thiên tai. Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Mỹ xác định cựu tướng Kim, 3 người thân của ông và các công ty gia đình của ông phải bị trừng phạt vì tham nhũng và khai thác trái phép nguồn tài nguyên quốc gia Campuchia, chiếm đoạt tài sản tư nhân, tham nhũng liên quan các hợp đồng chính phủ và nhận đút lót. Các công ty và những người bị Mỹ “soi” này cũng liên quan các mảng lập đồn điền, dịch vụ tài chính và an ninh.

Bộ Tài chính Mỹ viết: “Kim sử dụng binh lính RCAF để hù dọa, phá hủy và cưỡng chế đất đai”, nhằm giúp người Trung Quốc thực hiện một dự án khu nghỉ dưỡng ở tỉnh Koh Kong.

Bộ cũng nêu vị cựu tướng bị cất khỏi chức tham mưu trưởng RCAF vì “không chịu chia sẻ lợi nhuận có từ làm ăn bất chính với một số quan chức cấp cao trong chính phủ Campuchia”.

Bộ Tài chính Mỹ cũng xác định ông Try Pheap và 11 công ty do ông làm chủ hoặc kiểm soát phải bị trừng phạt vì tham nhũng và lập một mạng lưới phá rừng trái phép, mua chuộc sự bao che của các quan chức chính phủ Campuchia cùng của RCAF, và xuất khẩu lậu gỗ sang Trung Quốc, Nga và một số quốc gia châu Âu. Các công ty của ông Pheap tham gia nhiều lĩnh vực gồm du lịch, bất động sản.

Theo AP, ông Hun Sen là Thủ tướng Campuchia từ năm 1985. Phe đối lập nói ông bám quyền lực bằng cách “thưởng lớn” cho những người thân cận và cho phép họ chiếm đoạt đất nông nghiệp và các khu rừng.

Lệnh trừng phạt của Mỹ được công bố nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền 9.12, nhắm đến các cá nhân và tổ chức ở Latvia, Serbia, Venezuela, Hồng Kông và Campuchia “đã có những hoạt động phi pháp gây tổn thất cho các xã hội ổn định và an ninh”, theo tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin.

Theo hãng tin Mỹ, tổ chức nhân quyền Chứng nhân Toàn cầu hoan nghênh tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, nói cả hai doanh nhân Pheap và Kim đều bị nghi phạm tội ngược đãi nhân quyền và phá hoại môi trường. Lãnh đạo tổ chức này là Patrick Alley, viết trong một tuyên bố: “ Những người ủng hộ Hun Sen ngày càng giàu và được miễn trừ truy tố, đó là phần thưởng ngày càng tăng cho công họ giúp ông ấy bám quyền lực”.

Phản ứng với sự trừng phạt hai doanh nhân Campuchia (gồm cấm các công ty Mỹ làm ăn với họ và niêm phong tài sản của họ ở Mỹ), chính phủ Campuchia nỗ lực bào chữa cho các ông Pheap và Kim. Tuyên bố khẳng định ông Kim “đóng góp nhiều” cho nền hòa bình, sự ổn định và trật tự trị an cho Campuchia, và ông Pheap “giữ vai trò tích cực” trong việc giúp đỡ sự phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia.

Trên Facebook, ông Pheap phản ứng với các cáo buộc chống lại ông, nói toàn bộ hoạt động kinh doanh của ông là hợp pháp và thượng tôn pháp luật.

Mỹ trừng phạt tướng quân đội thân cận Thủ tướng Campuchia Hun Sen - Ảnh 1.

Doanh nhân Try Pheap - Ảnh: Phnom Penh Post

Bộ Ngoại giao Campuchia tuyên bố lệnh trừng phạt dựa trên những cáo buộc vô căn cứ: “Sắc lệnh này là một cái bẫy chống lại các nỗ lực khôi phục sự tin cậy lẫn nhau giữa Campuchia với Mỹ”.

Hồi tháng trước, Thủ tướng Hun Sen và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao đổi thư từ, hứa khôi phục sự tin cậy lẫn nhau. Quan hệ hai bên từng xấu đi, sau khi Tòa án Tối cao Campuchia hồi cuối năm 2017, đã ra phán quyết giải tán đảng đối lập Cứu nguy dân tộc (CNRP) với lý do đảng này cùng Mỹ lập mưu lật đổ chính phủ Thủ tướng Hun Sen. Thủ lĩnh Kem Sokha của CNRP cũng bị bắt giam, bị cáo buộc thông đồng với Mỹ trong âm mưu lật đổ.

Đến tháng 7.2018, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền trúng cử toàn bộ 125 ghế Quốc hội Campuchia. Một số quốc gia phương Tây nói cuộc tổng tuyển cử này không bình đẳng và không tự do, và đã trừng phạt ngoại giao chống lại chính phủ Thủ tướng Hun Sen.

Khối Liên hiệp châu Âu (EU) đang xem xét khả năng hủy bỏ việc ưu đãi thuế dành cho Campuchia. Đây sẽ là một đòn nặng cho nền kinh tế nước này, vốn dựa mạnh vào xuất khẩu hàng may mặc.

Người phát ngôn CPP Sok Eysan nói lệnh trừng phạt của Mỹ có thể cản trở nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương. Ông cũng nói hai doanh nhân Campuchia vô tội, và không ai có thể lợi dụng RCAF phục vụ lợi ích riêng của họ: “Tôi cho rằng cáo buộc của Mỹ là vô căn cứ”.

Ông Kin Phea, tổng giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế (thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia) nói lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ gây hại cho nỗ lực khôi phục quan hệ giữa hai quốc gia: “Theo tôi, điều này sẽ gây tác động nghiêm trọng cho quan hệ đã căng thẳng giữa Mỹ và Campuchia. Lệnh trừng phạt này là một sự sỉ nhục các nỗ lực tái lập quan hệ tốt giữa hai nước. Xem ra Mỹ đang can thiệp vào chuyện nội bộ của Vương quốc Campuchia”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại