"Thảm cảnh" ở TQ khi Samsung chuyển sang VN, Ấn Độ: Chính quyền bất lực, cả hệ sinh thái lâm vào cơn bĩ cực

Hải Võ |

Samsung đã đóng cửa nhà máy sản xuất smartphone cuối cùng ở Trung Quốc hồi tháng 10, sau hơn ba thập kỷ hoạt động tại khu phức hợp Jinxinda, thành phố Huệ Châu, Quảng Đông.

Nhà hàng nhỏ của Li Ping nằm ở thành phố Huệ Châu, phía Bắc vùng đồng bằng Châu Giang (PRD), nơi được biết đến là trái tim của ngành công nghiệp chế tạo chủ chốt ở Trung Quốc.

Từng chật kín khách hàng đến từ nhà máy lân cận, nhà hàng của Li đã trở nên vắng vẻ không ngờ trong vòng hai tháng qua. Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở nhiều địa điểm xung quanh khu phức hợp Jinxinda.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), nguyên nhân khiến công việc làm ăn của người dân xuống dốc nhanh chóng thực ra rất đơn giản, đó là việc đóng cửa khu phức hợp của Samsung tại Huệ Châu. Đây là nhà máy smartphone cuối cùng của doanh nghiệp Hàn Quốc này tại Trung Quốc tính đến tháng 10 vừa qua.

Nhà hàng của Li hưởng lợi từ hàng nghìn lao động nhập cư, mà đến trước khi nhà máy Samsung đóng cửa vẫn còn sinh sống trong cơ sở rộng 120 nghìn mét vuông. Lượng lao động này là nguồn "cấp máu" cho hàng loạt hoạt động buôn bán của người dân bản địa trong suốt ba thập kỷ qua.

Sau khi Samsung di chuyển dây chuyền tới Việt Nam và Ấn độ, chủ yếu nhằm ứng phó với tác động của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, giới sản xuất đã cân nhắc sự thay đổi vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi các tiểu thương như Li gánh chịu thiệt hại tại quê nhà và bế tắc trong việc tìm lối thoát.

"Trước khi nhà máy Samsung chuyển đi, doanh số của chúng tôi có thể đạt đến 60.000 tệ (8.500 USD) hoặc 70.000 tệ mỗi tháng. Hầu hết khách hàng là nhân viên hoặc nhà cung cấp của Samsung. Nhưng nay thì chúng tôi chỉ kiếm được vài trăm tệ mỗi ngày, và mỗi tối chỉ có 2 hoặc 3 bàn khách," Li nói.

Rất nhiều lao động bị mất việc chia sẻ trên mạng xã hội rằng họ buộc phải ra đi, một số chia sẻ hình ảnh các mẫu smartphone và đồng hồ mới nhất, mà họ được trao tặng như một gói "bồi dưỡng" nghỉ việc.

Do không có nhà sản xuất quy mô nào đứng ra thay thế Samsung, ít nhất 60% hoạt động buôn bán lân cận nhà máy cũ đã đóng cửa và tình hình dự kiến sẽ tồi tệ hơn nếu không có thay đổi.

"Samsung là hãng chế tạo đi đầu của thế giới. Nhà máy của họ tại Huệ Châu đã dựng lên cả một hệ sinh thái cung ứng ở tỉnh Quảng Đông và các tỉnh lân cận trong vòng 20 năm qua," Liu Kaiming - người đứng đầu Viện quan sát đương đại, giám sát điều kiện lao động ở hàng trăm nhà máy tại Trung Quốc - nói với SCMP.

"Ít nhất 100 nhà máy tại tỉnh Quảng Đông sẽ phải đóng cửa. Họ không thể trụ được nếu không có nhà máy Samsung Huệ Châu, chưa kể đến các cửa hàng và quán ăn nhỏ lẻ ở xung quanh."

Thảm cảnh ở TQ khi Samsung chạy sang VN, Ấn Độ: Chính quyền bất lực, cả hệ sinh thái lâm vào cơn bĩ cực - Ảnh 2.

Ít nhất 60% hoạt động buôn bán ở gần nhà máy Samsung Huệ Châu đã phải đóng cửa (Ảnh: He Huifeng/SCMP)

Cả một hệ sinh thái Samsung bị liên lụy

Tác động của vụ di dời nhà máy Samsung còn vươn đến thị trấn Changan, thành phố Đông Hoản, Quảng Đông, cách Huệ Châu 100km. Hàng nghìn công nhân nhập cư và các nhà quản lý của một nhà máy từng thuộc sở hữu của Janus Intelligent Group - công ty robot hàng đầu Trung Quốc - đã giảm rõ rệt số giờ lao động, đồng nghĩa giảm thu nhập. Một số được yêu cầu nghỉ phép tới... 3 tháng, trong khi số khác chỉ được làm việc 1-2 ngày công/tuần, bởi khách hàng lớn nhất của họ từ cuối thập niên 2000 là Samsung đã không còn.

Năm ngoái, Janus báo cáo sụt giảm doanh thu 14.25%, tương đương 2.86 tỉ tệ, chủ yếu do thâm hụt khi Samsung ngưng các đơn hàng từ Quý IV 2018.

Tháng 9 năm nay, Janus bán phần lớn vốn sở hữu tại nhà máy ở Đông Hoản cho Firstar Panel Technology. Một quản lý cấp cao của Firstar (ẩn danh) xác nhận sự suy giảm trong sản xuất.

"Nhà máy không còn làm những đơn đặt hàng của Samsung nữa. [Việc nhân viên nghỉ phép dài ngày] là một phần của chương trình tối ưu hóa nhân sự," ông này cho hay.

Trong ngày làm việc đầu tiên của tháng 12, nhiều công nhân được nhìn thấy ngồi rảnh rỗi ở xung quanh nhà máy. Một nữ công nhân từ Tứ Xuyên cho biết, "Chúng tôi chỉ đi làm 4 tiếng sáng nay rồi được yêu cầu nghỉ và không phải làm nữa. Quản lý nói rằng không có đủ tư liệu sản xuất."

Kể từ tháng 11, 2/3 trong số 3.000 lao động của nhà máy này đã được cho nghỉ làm với nhiều lý do, và chỉ đi làm xen kẽ ngày.

Liu Fang, làm công nhân tại nhà máy được 5 năm, nói: "Chúng tôi cảm thấy nhà máy đang dùng cách này để không cần phải chính thức sa thải nhân viên, mà họ cho các quản lý nghỉ 3 tháng với mức lương tháng dưới 2.000 tệ (283 USD), còn công nhân thì chỉ làm 1 ngày rồi lại nghỉ 1-2 ngày. Như thế chúng tôi không thể kiếm đủ thu nhập bình thường và buộc phải tự ra đi."

Theo luật lao động địa phương, công nhân phải làm việc 22 ngày/tháng để nhận được lương cơ bản vào khoảng 1.800 tệ.

"Nhiều người trong chúng tôi chỉ làm 15 hay 16 ngày tháng trước. Do không làm đủ công, nhà máy thậm chí khấu trừ cả tiền lương cơ bản của chúng tôi," Liu nói thêm.

Vài năm trước, nhờ những đơn hàng lớn của Samsung, nhà máy đã thuê đến hơn 10.000 nhân công. Các cơ sở của Janus nằm ở cả hai bên đường, và một trạm xe buýt gần đó còn được đặt theo tên công ty này.

"Vào lúc đỉnh điểm, nhà máy thuê hơn 40 tòa nhà loại 6-7 tầng của tư nhân để làm ký túc cho nhân viên, đến nay thì giảm xuống còn khoảng 20," Liu chia sẻ.

Thảm cảnh ở TQ khi Samsung chạy sang VN, Ấn Độ: Chính quyền bất lực, cả hệ sinh thái lâm vào cơn bĩ cực - Ảnh 3.

Nhà máy Samsung Huệ Châu mở cửa vào tháng 8/1992, 4 ngày trước khi Trung-Hàn thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (Ảnh: SCMP)

Chưa có giải pháp lấp khoảng trống Samsung để lại

Tại Huệ Châu, chính quyền địa phương vẫn chưa xác nhận kế hoạch đối với cơ sở bị Samsung bỏ lại, còn người dân nóng lòng hy vọng phương án thay thế sớm được tìm ra.

Chủ cửa hàng tiện lợi Liu Hua cho biết, "Tiêu dùng địa phương diễn ra theo hướng xấu đi và đang chết dần. Hoạt động buôn bán của chúng tôi đã lao dốc 80% so với tháng 8. Lượng lớn công nhân đã ra đi từ tháng 9."

Theo Liu, mọi cửa hàng ở đây - từ nhà thuốc, siêu thị, quán ăn, cửa hàng tiện lợi, quán cafe, nhà cho thuê, khách sạn và cả cửa hàng người lớn, đều phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng của nhân viên và công nhân Samsung.

Nhà máy Samsung Huệ Châu khởi động từ tháng 8/1992, 4 ngày trước khi Bắc Kinh và Seoul thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Một năm sau đó, công ty có vốn đăng ký 32 triệu USD đi vào sản xuất.

Huang Fumin, quản lý bán hàng của Huizhou Star Real Estate Broker, cho hay: "Có khoảng 100 tòa nhà của dân bản địa, cao khoảng 6-7 tầng, nằm trong phạm vi 1.000 mét vuông của khu phức hợp Jinxinda, phần lớn cho nhân viên Samsung thuê."

"Ngay khi nhà máy Samsung đóng cửa, giá nhà lập tức rơi từ 4.8 triệu tệ (680 nghìn USD) xuống 3.8 triệu tệ, mà vẫn không có nhà đầu tư nào tỏ ra quan tâm," Huang nói. "Trước đây, các ngôi nhà này luôn kín công nhân của Samsung và các nhà máy cung ứng gần đó. Bất kể tối muộn ra sao vẫn có công nhân đến và đi, ăn khuya và chơi điện tử ở các quán Internet. Giờ thì nơi này giống như một 'thị trấn ma' về đêm, khi mà phần lớn nhà cửa đều trống rỗng."

Cao điểm vào năm 2011, khi doanh số bán smartphone của Samsung đứng đầu thế giới, hai nhà máy của họ tại Huệ Châu và Thiên Tân sản xuất và xuất khẩu lần lượt 70.14 triệu và 55.64 triệu máy điện thoại.

Số liệu của hải quan Huệ Châu cho thấy, trong tháng 10/2019 - tháng đầu tiên sau khi Samsung đóng cửa nhà máy vào ngày 3/10, xuất khẩu từ các doanh nghiệp của thành phố này giảm 14 tỉ nhân dân tệ (2 tỉ USD), tương đương 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vào năm 2017, nhà máy Huệ Châu sản xuất 62.57 triệu điện thoại di động, chiếm 31% tổng lượng xuất nhập khẩu của thành phố, và lọt vào nhóm 10 nhà xuất khẩu lớn nhất toàn Trung Quốc. Năm 2018, nhà máy này rớt xuống hạng 13, với quy mô xuất nhập khẩu khoảng 16.29 tỉ USD.

Cho đến nay, nhà hàng của Li Ping cùng nhiều cơ sở kinh doanh xung quanh đứng trước nguy cơ phá sản nếu giải pháp không sớm được đưa ra.

"Chúng tôi mong chính quyền địa phương có thể giới thiệu một nhà máy với khoảng 2.000-3.000 công nhân càng sớm càng tốt," Li nói. "Chỉ có công nhân mới mang lại công việc buôn bán để hỗ trợ sinh kế cho người dân bản địa."

Một chủ hàng ăn khác gần đó nói rằng chỉ cần một nhà máy có 1.000-2.000 nhân công là đủ, bởi việc làm ăn của ông "đang chết dần và không thể đợi thêm được".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại