Mỹ - Trung cùng gia tăng hoạt động quân sự, căng thẳng vẫn còn kéo dài

Minh Thu) |

Việc Mỹ - Trung cùng gia tăng hoạt động quân sự nhất là ở eo biển Đài Loan có thể khiến căng thẳng giữa hai nước kéo dài.

Các sĩ quan cấp cao hải quân Mỹ quan sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ở khoảng cách gần. (Ảnh: SCMP)

Các sĩ quan cấp cao hải quân Mỹ quan sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ở khoảng cách gần. (Ảnh: SCMP)

Hôm 29/4, Bắc Kinh cáo buộc dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, việc Mỹ đẩy mạnh hoạt động trinh sát gần các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đã dẫn tới vụ đối mặt ở khoảng cách gần giữa tàu chiến hai nước mới đây.

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian, so với thời cựu Tổng thống Donald Trump, hoạt động trinh sát của các tàu chiến Mỹ đang tăng hơn 20% và các máy bay là hơn 40% ở bên trong và quanh những vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Ông Wu cho rằng, sự gia tăng như trên đang “gây bất ổn” và dẫn tới vụ đối mặt ở khoảng cách gần hồi đầu tháng Tư, khi mà tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin của hải quân Mỹ đã bị nhắc nhở khi tiến hành “trinh sát tầm gần” đối với nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Vụ đối mặt trên xảy ra sau vài tuần hàng trăm tàu Trung Quốc được phát hiện có mặt ở khu vực Đá Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) hồi tháng Ba. Phía Philippines đã yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu thuyền khỏi khu vực này, nhưng Bắc Kinh nhất mực từ chối.

Bắc Kinh giải thích sự xuất hiện của các tàu đánh cá ở Đá Ba Đầu là nhằm tìm nơi trú ẩn để tránh thời tiết xấu. Nhưng Philippines cho rằng đây là lực lượng dân quân biển Trung Quốc.

Liên quan tới hoạt động trinh sát tầm gần với nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh, phía hải quân Mỹ còn cho công bố bức ảnh về sự việc. Cụ thể, bức ảnh cho thấy các sĩ quan hải quân cấp cao Mỹ đang quan sát tàu chiến Trung Quốc với bóng dáng tàu sân bay Liêu Ninh được làm mờ ở khoảng cách gần.

Ông Wu nhấn mạnh, vụ đối mặt trên “đã vi phạm nghiêm trọng hoạt động diễn tập của Trung Quốc, cũng như đe dọa nghiêm trọng hoạt động an ninh hàng hải và an toàn của thủy thủ đoàn hai bên”. Ông Wu cho biết, các tàu chiến Trung Quốc đã “cảnh báo” chiến hạm Mỹ, Bắc Kinh đồng thời gửi công hàm phản đối cho Washington.

Trong khi đó, vào ngày 28/4, lần đầu tiên phát biểu trong phiên họp chung của Quốc hội Mỹ, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh rằng mối quan hệ Mỹ - Trung hiện xem như một cuộc chiến công nghệ định hình thế kỷ và khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục “hiện diện mạnh mẽ” ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhưng “không phải để khơi mào một cuộc xung đột, mà là ngăn chặn xung đột”. Ngoài ra, theo ông Biden, “Mỹ đang trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và các quốc gia khác để giành vị thế dẫn đầu trong thế kỷ 21”.

“Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cực kỳ mong muốn Trung Quốc trở thành quốc gia tự phụ và quan trọng nhất trên thế giới”, ông Biden nói.

Song phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã phủ nhận những tuyên bố cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa đối với Mỹ, và khẳng định Trung Quốc không có ý định bá chủ.

Quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng đã phát biểu trong một bài báo đăng trên tờ People’s Daily hôm 29/4 rằng, Trung Quốc và Mỹ nên duy trì quan hệ hợp tác, nhưng Bắc Kinh cũng không tha thứ cho bất cứ nỗ lực nào nhằm phá hỏng hệ thống chính trị của Trung Quốc.

Mỹ gia tăng hoạt động

Kể từ khi Tổng thống Biden chính thức nhậm chức vào ngày 20/1, hải quân Mỹ đã cho tiến hành ít nhất 4 sứ mệnh gần Biển Đông và 3 sứ mệnh khác ở eo biển Đài Loan.

Hải quân Mỹ cho thực hiện sứ mệnh tuần tra nhằm “đảm bảo tự do hàng hải” ở Biển Đông từ năm 2015 và mỗi năm lại gia tăng thêm tần suất của nhiệm vụ.

Theo một báo cáo được Bộ Quốc phòng Mỹ trình lên Quốc hội, trong năm 2020, Mỹ đã thực hiện 7 sứ mệnh nhằm thách thức “những tuyên bố chủ quyền đơn phương” của Trung Quốc trên biển Hoa Đông và Biển Đông.

Còn trong ngày 29/4, ông Wu cho hay hoạt động quân sự gia tăng của quân đội Trung Quốc ở eo biển Đài Loan là nhằm vào “các lực lượng ủng hộ độc lập” ở Đài Loan và ngăn chặn “các lực lượng bên ngoài” có ý định can thiệp hỗ trợ Đài Loan.

“Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ để đối phó với các hoạt động của lực lượng ủng hộ độc lập ở Đài Loan và ngăn chặn sự can thiệp từ các lực lượng bên ngoài”, ông Wu nói khi được hỏi liệu tàu tấn công đổ bộ Type 075 đầu tiên mới được đưa vào biên chế của quân đội Trung Quốc có thể được triển khai tới gần đảo Đài Loan làm nhiệm vụ hay không.

Về vấn đề Đài Loan, Trung Quốc chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và nhiều lần ám chỉ có thể dùng biện pháp mạnh để sáp nhập Đài Loan vào đại lục.

Cũng theo ông Wu, hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh ở gần Đài Loan và trên Biển Đông sẽ trở nên “thường xuyên”.

Theo ông Wu Xinbo, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Phúc Đán, Trung Quốc, sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ - Trung có thể dẫn tới đối đầu và Đài Loan đang là điểm nóng dễ xảy ra xung đột nhất.

“Trong những tháng tới, vấn đề Đài Loan và Thế vận hội mùa Xuân dường như là điểm nóng bất đồng gay gắt nhất trong quan hệ Mỹ - Trung”, ông Wu nói.

“Mỹ - Trung sẽ hợp tác trong một số lĩnh vực nhất định, dù vẫn duy trì sự cạnh tranh. Tăng cường quản lý khủng hoảng, đặt ra các giới hạn đỏ và thiết lập quy định cạnh tranh sẽ là sự phát triển chính trong quan hệ tương lai Mỹ - Trung”, ông Wang Yiwei, Giáo sư tại Đại học Nhân dân Trung Quốc kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại