Đây là nỗ lực tăng khả năng sống sót của xe tăng Abrams trước sự nguy hiểm của vũ khí chống tăng vác vai trong tác chiến bất đối xứng hiện đại và quá trình phát triển APS nội địa không đáp ứng yêu cầu đề ra.
"Lá chắn" mới cho xe tăng Abrams
Liên quan tới vấn đề lắp đặt APS Trophi trên xe tăng Abrams, lãnh đạo Chương trình mua sắm trang bị dành cho lực lượng trên bộ Quân đội Mỹ, tướng David Bassett khẳng định:
‘Việc đưa vào trang bị APS Trophi đã ở rất gần. Chúng tôi đang tính toán khả năng triển khai nhanh chương trình này trong năm tài khóa 2018…". Theo lời ông D. Bassett, sẽ có ít nhất một lữ đoàn xe tăng Abrams được lắp đặt APS Trophi trước tiên.
"APS Trophy sẽ là trang bị tương lai của xe tăng M1A1 Abrams. Sau khi phát hiện các đầu đạn tấn công, APS Trophy sẽ kích hoạt đạn đánh chặn dạng nổ chùm mảnh định hướng để tiêu diệt nó.
Với khả năng bao quát toàn bộ 360 độ xung quanh xe tăng nhờ 4 hệ thống ra-đa lắp 4 góc cảnh giới, thông tin về mục tiêu sẽ được hệ thống máy tính đạn đạo của tổ hợp xử lý và đưa ra phương án đánh chặn gần như tức thì", Lầu Năm góc đánh giá về tổ hợp APS Trophy.
APS Trophy là sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn Elta và Rafael Advanced Defense Systems của Israel.
Sau quá trình hoàn thiện và thử nghiệm, tổ hợp đánh chặn chủ động trang bị trên xe tăng này đã được trang bị trên xe tăng Merkava MK4 từ năm 2009 và đã nhiều lần giúp xe tăng Quân đội Israel thoát hiểm trong nhiều trận chiến tại dải Gaza, đặc biệt khi tác chiến trong đô thị và địa hình phức tạp.
"Với tổng chi phí lắp đặt khoảng 300-500 nghìn USD cho mỗi tổ hợp, APS Trophy đã thể hiện được tính năng bảo vệ khi Quân đội Israel tham chiến ở dải Gaza", nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Israel cho biết.
Với việc tương đồng về trang bị giữa Lục quân Mỹ và Israel, APS Trophi hứa hẹn sẽ tăng cường đáng kể khả năng sống sót của xe tăng Abrams trong môi trường tác chiến bất đối xứng hiện đại, nơi đánh dấu sự lên ngôi của các dòng vũ khí chống tăng vác vai như tại Afghanistan, Iraq và Syria.
Tại sao xe tăng Abrams lại cần APS Trophy?
Có thể thấy rõ ràng xe tăng Abrams được thiết kế từ thập kỷ 1970 với vai trò "nắm đấm thép" đối trọng với các dòng xe tăng Liên Xô T-80 và T-72 trong một cuộc chiến tăng chống tăng quy mô lớn trên địa hình bằng phẳng tại châu Âu.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan vỡ, hình thái tác chiến tăng thay đổi từ tác chiến quy mô sang các cuộc xung đột quy mô nhỏ với xe tăng là các đơn vị hỏa lực hỗ trợ thì thiết kế chuyên về đấu tăng của Abrams chủ yếu tập trung giáp ở mặt trước của xe đã dần trở nên lỗi thời.
Các loại vũ khí chống tăng vác vai trở thành "sát thần" đối với xe tăng liên quân quốc tế tại Iraq.
Mặt khác, công nghệ vũ khí chống tăng, đặc biệt là thiết bị vác vai trong vài thập niên qua đã có nhiều bước tiến vượt trội so với khả năng bảo vệ của xe tăng. Với những đầu đạn nổ lõm dùng hiệu ứng xuyên phá hóa năng tới cả mét thép cán (RHA) đã làm ưu thế vốn có của xe tăng.
Dù sau nhiều gói nâng cấp, xe tăng Abrams vẫn dễ tổn thương trước các dòng vũ khí chống tăng vác vai.
Đặc biệt trong môi trường tác chiến phức tạp, đô thị, bất đối xứng, khi ranh giới chiến tuyến không còn được phân định rõ ràng, xe tăng đã lộ ra những điểm yếu chí tử ở các vị trí hai bên thân, đuôi xe vốn được bọc giáp mỏng và thiếu khả năng bảo vệ. Xe tăng Abrams Mỹ cũng chung số phận. Chiến trường Iraq 2003, Afghanistan đã minh chứng điều này.
Nhận thức được mối hiểm họa từ vũ khí chống tăng vác vai, Mỹ đã đưa ra nhiều gói nâng cấp dành cho xe tăng Abrams lên chuẩn SEP, SEPv2, nhưng hiệu quả vẫn rất hạn chế do hiệu quả phòng thủ của các loại giáp thụ động, kể cả thế hệ mới vẫn không đối phó hiệu quả với các loại vũ khí chống tăng hiện đại như RPG-7V, RPG-29 hay tên lửa chống tăng Kornet…
Môi trường tác chiến bất đối xứng cũng đưa loại vũ khí phòng thủ chủ động trang bị trên xe tăng – APS.
Đây vốn là vũ khí trang được thiết kế cho các đơn vị xe tăng xung kích, đánh thọc sâu, không có bộ binh tùng thiết để chống lại vũ khí chống tăng các cỡ của đối phương. Các dòng vũ khí APS nổi tiếng trên thế giới được biết tới như Drozd, Arena (Nga).
Cùng ý tưởng thiết kế, Israel sau này giới thiệu các tổ hợp APS Trophi, Iron Fist, nhưng được thiết kế chuyên biệt để đối phó với vũ khí chống tăng vác vai dựa trên kinh nghiệm thực tế chiến trường.
Mỹ cũng có các chương trình phát triển APS của mình, nhưng do hạn chế về công nghệ, chúng không vượt qua quá trình thử nghiệm.
"Các chương trình phát triển APS đã được thực hiện từ đầu những năm 1950. Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm thất bại đã khiến không APS nào được trang bị chính thức", Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và công nghệ Tăng-thiết giáp Mỹ (TARDEC) đánh giá.
Hiện tại, giới chức quân sự Mỹ đang kỳ vọng vào chương trình phát triển APS mới Iron Curtain do hãng chế tạo Herndon tại bang Virginia phát triển.
Như vậy, việc trang bị APS Trophi là phương án nâng cấp tối ưu về chi phí và hiệu quả cho xe tăng Abrams dành cho Lục quân Mỹ, trong khi chờ đợi chương trình APS nội địa và xe tăng thế hệ mới hoàn thiện.