Mỹ: TQ tạo ra bong bóng phòng thủ rất khó xuyên phá, nguy cơ máy bay bị bắn hạ đang đến gần

Lâm Vy |

Nếu đưa được tên lửa mới vào biên chế, KQ Trung Quốc sẽ có khả năng buộc các loại máy bay quan trọng của đối phương phải hoạt động cách xa hơn, hoặc chúng sẽ có nguy cơ bị bắn hạ.

Theo trang mạng Defense News (trụ sở ở Virginia, Mỹ), Hải quân Mỹ đang phải đối mặt với mối đe dọa phi đối xứng gia tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc và chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của họ.

Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự của Trung Quốc từ năm 2019 đã mô tả chiến lược A2/AD như một phương thức để "ngăn chặn, răn đe, và nếu cần thiết sẽ đẩy lùi sự can thiệp của bên thứ 3 vào một chiến dịch quy mô lớn do quân đội Trung Quốc (PLA) phát động".

Nhìn chung, mục đích của Bắc Kinh có vẻ là nhằm ngăn chặn lực lượng quân đội Mỹ và đồng minh hoạt động tự do trong vùng không phận A2/AD và khu vực "bong bóng" phòng thủ xung quanh bờ biển Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tìm cách mở rộng phạm vi của "bong bóng" này vượt ra ngoài cái gọi là chuỗi đảo thứ nhất và tiến vào tây Thái Bình Dương. Các yếu tố đóng vai trò then chốt trong nỗ lực đó không chỉ có tên lửa tầm xa, mà còn cả các cảm biến đặt trong không gian với số lượng ngày càng gia tăng.

Hiệp đoàn Các nhà khoa học Quan ngại (UCS) cho biết, vào năm 2016, Trung Quốc đã có 192 vệ tinh trên quỹ đạo. Con số này hiện giờ đã tăng lên, gần như tất cả số vệ tinh đó đều thuộc quyền sở hữu của các tổ chức hoặc công ty có mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc và giữ vai trò kép trong cả lĩnh vực ứng dụng dân sự-quân sự.

Một số vệ tinh của Trung Quốc có mang theo những thiết bị chuyên dùng cho mục đích quân sự, như các cảm biến quang-điện tử, radar khẩu độ tổng hợp và công nghệ tình báo điện tử. Bắc Kinh còn sử dụng mạng lưới các vệ tinh thuộc Hệ thống giám sát đại dương của hải quân nhằm theo dõi liên tục các vùng biển xung quanh Trung Quốc.

Những vệ tinh này cũng có thể hỗ trợ chỉ thị mục tiêu cho tên lửa đạn đạo chống hạm Trung Quốc. Nếu có đủ số lượng và được tích hợp, chúng có thể cung cấp dữ liệu tam giác mục tiêu trong thời gian thực để xây dựng bức tranh cơ bản về vị trí của mục tiêu, từ đó xác định cách tiếp cận nó.

"Sát thủ tàu sân bay" DF-21D

Tên lửa đạn đạo tầm xa, mang đầu đạn thường DF-21D được thiết kế để tấn công các tàu chiến di động trên biển, đáng chú ý nhất là các tàu sân bay hạt nhân biểu tượng của Hải quân Mỹ.

Hệ thống tên lửa đạn đạo chống hạm di động được đặt trên một xe mang phóng tự hành bánh lốp nhằm nâng cao khả năng sống sót của nó trước các đòn phản công của đối phương. DF-21D được cho là có tầm bắn 780 hải lý và là một phiên bản trong gia đình tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn DF-21 của lực lượng tên lửa Trung Quốc (PLARF).

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng DF-21D đã đạt khả năng hoạt động ban đầu (IOC) vào năm 2010, nó được cho là sẽ triển khai các đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập, với hệ thống dẫn đường giai đoạn cuối được hỗ trợ bởi mạng lưới vệ tinh của Trung Quốc, chẳng hạn như vệ tinh Jianbing-5/YaoGan-1 và Jianbing-6/YaoGan-2 có thể cung cấp dữ liệu mục tiêu dưới dạng radar và hình ảnh trực quan.

Mỹ: TQ tạo ra bong bóng phòng thủ rất khó xuyên phá, nguy cơ máy bay bị bắn hạ đang đến gần - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo DF-21D của Trung Quốc. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngờ về mức độ hiệu quả của DF-21D. Trung Quốc đã thử nghiệm DF-21D với các mục tiêu cố định trên bộ nhưng không rõ, các cuộc thử nghiệm với mục tiêu di động đã được tiến hành hay chưa. Điều đó khiến giới quan sát bên ngoài khó có thể đánh giá chính xác khả năng của DF-21D.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều câu hỏi về việc liệu công nghệ cảm biến của Trung Quốc có thể cung cấp dữ liệu trong thời gian thực với độ chuẩn cần thiết để DF-21D có thể tấn công chính xác một chiếc tàu sân bay đang di chuyển với tốc độ 30 hải lý hay không.

Dù còn nhiều điều chưa rõ ràng nhưng DF-21D và hệ thống cảm biến của nó có thể được sử dụng để theo dõi và giám sát các vị trí án ngữ trên chuỗi đảo thứ nhất, đặc biệt là eo biển Miyako nhằm giữa Okinawa, Nhật Bản, Đài Loan và eo biển Bashi giữa Đài Loan và Philippines.

Xét tới bán kính tác chiến hạn chế của máy bay cảnh báo sớm đường không trong trường hợp không có máy bay tiếp dầu, thì khả năng đảm bảo nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ luôn nằm trong tầm bắn của mình có lẽ là toàn bộ những gì mà chiến lược A2/AD của Trung Quốc yêu cầu.

Một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo chống hạm có thể được phát động cùng với các loại tên lửa chống tàu khác và chúng được cài đặt thời gian để cùng lúc tấn công mục tiêu. Những tên lửa khác ở đây có thể là YJ-12 và YJ-18, chúng là các phiên bản được Trung Quốc cải tiến từ thiết kế tên lửa không-đối-đất Kh-31 và tên lửa hành trình 3M-54 của Nga.

YJ-12 và YJ-18 đều có tốc độ siêu âm, trong đó YJ-18 có thể đạt tốc độ tối đa khoảng Mach 2 trong pha cuối, sau khi hành trình ở tốc độ dưới âm. YJ-12 thì có thể bay ở tốc độ từ Mach 2 – Mach, phụ thuộc vào độ cao phóng và độ cao hành trình.

YJ-12 được cho là có tầm bắn từ 108 – 216 hải lý, trong khi YJ-18 có tầm bắn tới 290 hải lý. Tên lửa YJ-12 có thể được triển khai từ xe phóng hoặc từ các ống phóng thẳng đứng trên các tàu khu trục Type 052D và Type 055. Nó còn có thể được bắn từ máy bay ném bom H-6, tiêm kích-bom JH-7, các chiến đấu cơ J-11/15/16.

TQ đang phát triển tên lửa không-đối-không tầm xa?

Các máy bay chiến đấu Flanker nội địa của Trung Quốc dự kiến sẽ trở thành phương tiện mang phóng một loại tên lửa không-đối-không tầm xa mới đang trong giai đoạn phát triển.

Tên lửa này mang định danh tạm thời là PL-XX, được thiết kế để tấn công các mục tiêu đường không có giá trị cao của đối phương, như hệ thống kiểm soát-cảnh báo sớm đường không, máy bay tiếp dầu. Giới quan sát dự đoán, khi vào biên chế, nó sẽ có tên là PL-20.

PL-XX lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2016, khi nó được lắp đặt trên chiến đấu cơ đa nhiệm J-16 nhưng đó có vẻ chỉ là mô hình của tên lửa. Hồi đầu năm nay, PL-XX một lần nữa xuất hiện cùng với tiêm kích Xian JH-7.

Mỹ: TQ tạo ra bong bóng phòng thủ rất khó xuyên phá, nguy cơ máy bay bị bắn hạ đang đến gần - Ảnh 2.

Hình ảnh được cho là tên lửa PL-20 của Trung Quốc. Ảnh: Twitter

Bằng cách so sánh kích cỡ của máy bay mẹ và các mấu cứng dùng để treo vũ khí trên máy bay, giới quan sát ước tính PL-XX sẽ dài khoảng 5,8m và có bán kính khoảng 300mm – tức là lớn hơn đáng kể so với các tên lửa không-đối-không tầm trung tiêu chuẩn như loại AIM-120 của Mỹ.

Có rất ít thông tin về khả năng hoạt động của tên lửa mới, tuy nhiên, một hình ảnh đồ họa (chưa xác thực) được công bố về tên lửa này cho thấy nó có tầm bắn thẳng 300km.

Sau khi phóng, với dữ liệu mục tiêu sơ bộ do máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm đường không cung cấp, tên lửa sẽ bay theo quỹ đạo parabol tới mục tiêu, từ độ cao 15km khi phóng, nó sẽ đạt tới độ cao 30km trước khi lao xuống mục tiêu.

Hệ thống dẫn đường kết hợp GPS-quán tính và các radar đặt trong không gian sẽ cung cấp dữ liệu dẫn đường trong giai đoạn phóng và giai đoạn giữa hành trình. Còn radar quét mảng pha điện tử chủ động sẽ đảm nhiệm vai trò này trong giai đoạn cuối của hành trình bay.

Nếu đưa được loại tên lửa mới vào biên chế thì Không quân Trung Quốc sẽ có khả năng buộc các loại máy bay quan trọng của đối phương phải hoạt động cách xa hơn, hoặc chúng sẽ có nguy cơ bị bắn hạ. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của chúng và của các máy bay chiến thuật mà chúng đang hỗ trợ trong trường hợp xung đột.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại