Mỹ toan tính gì khi thực hiện không kích sát hại tướng Iran Soleimani?

Bạch Dương |

Vụ không kích sân bay quốc tế tại Iraq, được Lầu Năm Góc công khai thừa nhận theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể coi như một "lời tuyên chiến" với Iran.

Việc Mỹ tấn công sân bay quốc tế tại Iraq làm tướng cấp cao của Iran thiệt mạng sáng 3/1 là một bước leo thang không chỉ làm gia tăng căng thẳng vốn đã rất cao trong khu vực Trung Đông, mà còn khiến "bóng dáng" của một cuộc xung đột lớn hơn, kể cả xung đột vũ trang, đang ngày càng hiện rõ.

Vụ không kích, được Lầu Năm Góc công khai thừa nhận theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể coi như một "lời tuyên chiến" với Iran.

Mục tiêu tấn công là người đứng đầu đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani .

Ông Soleimani cùng lãnh đạo lực lượng bán quân sự cấp cao của Iraq, cố vấn Abu Mahdi al-Muhandis, cũng là nhân vật số hai của lực lượng Hash al-Shaabi đầy quyền lực nằm trong thành phần của hệ thống lực lượng vũ trang Iraq, đã thiệt mạng.

Bản chất của vụ việc là chưa từng có, vì chức sắc cấp cao của cả hai nhân vật trên, dẫn tới việc khó có thể tưởng tượng ra hành động trả đũa sẽ lớn như thế nào.

Chuyên gia Ramzy Mardini, nhà nghiên cứu tại Viện Hòa bình Mỹ, cảnh báo: "Nhiều khả năng các tác nhân của tất cả các bên sẽ hành động kiểu tùy cơ ứng biến, và đây chính là "công thức" cho những sự hiểu lầm."

Cuộc tấn công diễn ra vào thời điểm bắt đầu Năm mới 2020, năm mà ông Trump bước vào chiến dịch tái tranh cử tổng thống và sẽ phải đối mặt với một cuộc xét xử luận tội tại Thượng viện Mỹ.

Trong bối cảnh này, cuộc tấn công có thể tạo ra một bước ngoặt tiềm ẩn nhiều rủi ro tại Trung Đông, và một thay đổi lớn cho chính sách của Mỹ đối với Iran sau nhiều tháng căng thẳng.

Vụ không kích được phía Mỹ giải thích là "nhằm ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai và bảo vệ người Mỹ ở nước ngoài," ám chỉ các vụ bắn rocket vào căn cứ quân sự Mỹ gần đây, mà Washington luôn cáo buộc Tehran đứng sau, dù Iran kiên quyết bác bỏ.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cũng không đưa ra bằng chứng nào về "sự dính líu" của Tướng Soleimani trong các cuộc tấn công mới đây nhằm vào người Mỹ ở Iraq để biện hộ cho vụ không kích.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel cho biết các nghị sỹ Mỹ đã không được báo trước về vụ tấn công do Tổng thống Trump chỉ thị.

Thượng nghị sỹ Dân chủ bang Connecticut Richard Blumenthal cho rằng ông Trump đang nợ những lời giải thích trước quốc hội và toàn dân Mỹ.

Ông Blumenthal cho rằng: "Các quyền sử dụng vũ lực hiện nay rõ ràng là vỏ bọc để bắt đầu một cuộc chiến tranh mới trong tương lai," đồng thời cảnh báo: "Bước đi này có thể kéo theo hậu quả là sự đối đầu quân sự trong nhiều thập niên."

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng nhận định cuộc không kích của Mỹ có nguy cơ "làm leo thang bạo lực một cách nguy hiểm." Bà nhấn mạnh: "Nước Mỹ - và thế giới - cần tránh để căng thẳng leo thang đến mức không thể quay đầu lại."

Đối với Iran, việc Tướng Soleimani thiệt mạng không đơn giản là mất đi một vị tư lệnh chiến trường, mà hơn thế, ông là một biểu tượng, đại diện cho niềm tự hào dân tộc và khả năng chống cự của Iran trước những biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Iran đã kịch liệt lên án vụ tấn công của Mỹ và cảnh báo đáp trả mạnh mẽ. Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Iran sẽ "quyết đoán hơn để chống chủ nghĩa bành trướng của Mỹ và bảo vệ các giá trị Hồi giáo."

Đối với Iraq, cuộc không kích của Mỹ giữa thủ đô Baghdad đã khẳng định lại những lo ngại xấu nhất của nhiều người Iraq, rằng đất nước này sẽ trở thành chiến trường chính trong cuộc xung đột giữa Iran và Mỹ.

Cuộc tấn công dường như đang khiến tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Baghdad.

Giới chuyên gia cảnh báo sự việc sẽ đẩy Iraq xuống vực sâu của cuộc xung đột khu vực.

Chuyên gia tại Viện nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Singapore, Fanar Haddad, nhận định: "Những quân bài mạnh nhất của Iran nằm ở Iraq, và Iraq sẽ phải trả giá đắt cho việc này."

Trong phản ứng của mình, Thủ tướng tạm quyền Iraq Abdul Mahdi đã lên án "vụ ám sát" Tư lệnh Iran Soleimani và chỉ huy lực lượng Hashd al-Shaabi của Iraq.

Tuyên bố của Thủ tướng Mahdi nêu rõ cuộc không kích sân bay Baghdad là một "hành động gây hấn nhằm vào Iraq và vi phạm chủ quyền của Iraq, sẽ dẫn tới chiến tranh tại Iraq, trong khu vực, và trên thế giới."

Ông Madi cũng nhấn mạnh cuộc tấn công này vi phạm các điều kiện cho sự hiện diện của Mỹ tại Iraq và cần phải được xử lý bằng luật pháp để đảm bảo an ninh và chủ quyền của Iraq.

Thực tế thì vụ không kích của Mỹ nhằm vào sân bay Baghdad sáng 3/1 diễn ra khi Iraq đã có phản ứng gay gắt sau vụ quân đội Mỹ tiến hành các cuộc không kích tại Iraq và Syria ngày 29/12, nhằm vào nhóm vũ trang Kata'ib Hezbollah (KH), thành viên lực lượng bán quân sự Hashd al-Shaabi, khiến ít nhất 25 thành viên nhóm vũ trang này thiệt mạng.

Phía Iraq khi đó tuyên bố đây là "hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Iraq, đáng bị lên án, đi ngược lại tất cả nguyên tắc và luật pháp làm nền tảng cho quan hệ giữa các nhà nước."

Tuy nhiên, với việc tiếp tục không kích tại một quốc gia có chủ quyền, làm Tướng Iran và một chỉ huy cấp cao Hashd al-Shaabi thiệt mạng, có vẻ Washington đang "phớt lờ" những cảnh báo của Baghdad.

Về điểm này, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc Agnes Kallamar cho rằng hành động của lực lượng vũ trang Mỹ sát hại Tướng Iran Suleimani ở Iraq rất có thể là bất hợp pháp và vi phạm luật nhân đạo quốc tế.

Bà Kallamar gọi cuộc không kích trên là "vụ giết người có chủ đích," đồng thời nhấn mạnh việc sử dụng máy bay không người lái hoặc các phương tiện khác để tiêu diệt mục tiêu con người gần như là bất hợp pháp.

Vụ không kích của Mỹ cũng bị nhiều nước lên án, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Iraq và đẩy khu vực Trung Đông vào tình thế nguy hiểm.

Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nêu rõ đây là một bước đi mạo hiểm làm tổn hại hòa bình và ổn định, sẽ làm gia tăng căng thẳng trong toàn khu vực.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga, ông Konstantin Kosachev cho rằng vụ sát hại Tướng Soleimani là một sai lầm, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ bị "gậy ông sẽ đập lưng ông."

Trung Quốc cũng lên tiếng kêu gọi các bên liên quan, đặc biệt là Mỹ, kiềm chế và bình tĩnh để tránh leo thang căng thẳng hơn nữa. Các đồng minh của Mỹ, như Anh cũng lo ngại căng thẳng sẽ leo thang.

Nguy cơ vòng xoáy bạo lực bùng phát đang hiện hữu khi ngoài Tehran thì các tổ chức thân Iran trong khu vực như Phong trào Hezbollah của Liban cũng đang kêu gọi nhanh chóng "trả thù" cho Tướng Soleimani.

Cuộc không kích sân bay quốc tế Baghdad thực sự như một mồi lửa có thể khơi mào chiến tranh, và mồi lửa này đang lan nhanh khó bề kiểm soát.

Trong bối cảnh mâu thuẫn Mỹ-Iran suốt năm qua không thể hóa giải, chính sách của Mỹ chỉ châm ngòi cho những căng thẳng mới có thể gây hậu quả mang tính hủy diệt ở Trung Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại