Tàu chiến Mỹ USS Gabrielle Giffords tiến hành tấn công tên lửa trong cuộc tập trận Pacific Griffin ở Biển Philippine. NSM là vũ khí tấn công chính xác tầm xa được thiết kế nhằm tìm kiếm và tiêu diệt tàu chiến của kẻ thù. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Răn đe Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
“Mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai của Mỹ sẽ vẫn là sự xói mòn khả năng răn đe thông thường. Nếu không có biện pháp răn đe thông thường hiệu quả và thuyết phục, Trung Quốc sẽ ngày càng táo bạo hơn trong việc gia tăng hành động trong khu vực và trên toàn cầu để lật đổ lợi ích của Mỹ. Khi cán cân quân sự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở nên bất lợi hơn, Mỹ sẽ gánh thêm nhiều rủi ro và kết quả là các đối thủ sẽ ngày càng táo bạo hơn trong việc đơn phương cố gắng thay đổi nguyên trạng”, tài liệu về Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương nêu rõ.
Sáng kiến này kêu gọi “triển khai lực lượng tích hợp đa thành phần với các mạng lưới tên lửa tấn công chính xác ở phía tây Đường Chuyển ngày Quốc tế, dọc theo chuỗi đảo thứ nhất, hệ thống tên lửa phòng không tích hợp ở chuỗi đảo thứ hai và một thế trận lực lượng phân tán mang lại khả năng duy trì sự ổn định, và nếu cần có thể duy trì các hoạt động chiến đấu trong thời gian dài”.
Chuỗi đảo thứ nhất bao gồm một nhóm các đảo trong đó có Đài Loan, Okinawa, Philippines, mà Trung Quốc coi là tuyến phóng thủ đầu tiên. Chiến lược của Bắc Kinh là tìm cách đẩy lực lượng Mỹ khỏi Biển Đông và Biển Hoa Đông vốn nằm trong chuỗi đảo thứ nhất.
Trung Quốc cũng tìm cách ngăn các lực lượng của Mỹ tiếp cận chuỗi đảo thứ hai ở Tây Thái Bình Dương - trải dài từ Đông Nam Nhật Bản tới đảo Giam và phía Nam Indonesia.
Đầu tháng 3/2021, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trình kế hoạch đầu tư cho tài khóa 2020-2027 lên Quốc hội Mỹ.
Đối với năm tài khóa 2022, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đề nghị ngân sách 4,7 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với 2,2 tỷ USD dành cho khu vực trong tài khóa 2021 và gần bằng khoản ngân sách 5 tỷ USD mà Mỹ chi hàng năm để đối phó với Nga.
Khoản tiền 27,4 tỷ USD trong 6 năm cũng tăng 36% so với chi tiêu được lên kế hoạch cho khoảng thời gian 6 năm tính đến tài khóa 2020. Điều này cho thấy sự báo động ngày càng gia tăng về hoạt động của Trung Quốc xung quanh Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trong một bài phát biểu tại Viện American Enterprise có trụ sở ở Washington ngày 4/3, Đô đốc Philip Davidson, Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho biết có những lo ngại về việc 6 năm tới là giai đoạn mà Trung Quốc có thể tìm cách thay đổi nguyên trạng khu vực, như với Đài Loan.
Ông nhấn mạnh rằng, “giai đoạn từ nay đến 2026 là khoảng thời gian mà Trung Quốc có thể được mục tiêu vượt trội về năng lực, và khi đó, Bắc Kinh có thể sẽ lựa chọn thay đổi nguyên trạng khu vực bằng vũ lực. Sự thay đổi nguyên trạng đó có thể trở thành vĩnh viễn”.
Theo tài liệu, kế hoạch được thiết lập để “tập trung nguồn lực vào các khả năng quân sự trọng yếu nhằm răn đe Trung Quốc. Các yêu cầu được nêu trong bản báo cáo này cũng được thiết kế nhằm thuyết phục các đối thủ tiềm tàng rằng bất cứ hành động quân sự phủ đầu nào cũng sẽ phải trả giá đắt và nhiều khả năng sẽ thất bại”.
Đề xuất sẽ được các nghị sỹ đưa ra bàn thảo. Phía Mỹ cũng sẽ tiến hành các cuộc thảo luận với các nước có liên quan tới thực hiện đề xuất này.
Khả năng triển khai tên lửa ở Nhật Bản
Trước đây, Trung Quốc phản đối nỗ lực của Mỹ nhằm thiết lập lá chắn tên lửa ở các nước đồng minh, đặc biệt là ở Hàn Quốc.
Theo sách trắng quốc phòng Nhật Bản, Mỹ có khoảng 132.000 binh sỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Kế hoạch đầu tư kể trên đặt “mạng lưới tấn công chính xác, có khả năng sống sót cao dọc theo chuỗi đảo thứ nhất” làm yếu tố trung tâm. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ mở rộng sử dụng tên lửa thông thường trên đất liền vì quân đội Mỹ đã loại trừ việc sử dụng đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Chiến lược Trung Quốc của Mỹ từ lâu đã xoay quanh lực lượng hải quân và không quân. Trong cuộc Khủng hoảng Eo biển Đài Loan năm 1996, Mỹ đã điều động tàu sân bay để thể hiện sức mạnh quân sự áp đảo như một biện pháp răn đe.
Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc nắm giữ một kho tên lửa đa dạng với mục tiêu ngăn chặn sự tiến quân của Mỹ trong chuỗi đảo thứ hai. Điều này đã làm cho chiến lược xoay quanh hải quân và không quân của Mỹ trở nên kém khả thi hơn.
Trung Quốc mạnh về tên lửa tầm trung, đặt trên đất liền. Theo Lầu Năm Góc, trong khi Trung Quốc nắm giữ một kho vũ khí gồm 1.250 tên lửa như vậy, thì Mỹ lại không có. Sự khác biệt này là do Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) cấm phát triển các tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500 km. Hiệp ước này đã hết hạn vào năm 2019.
“Hiệp ước INF đã kiềm chế Mỹ một cách không cần thiết”, Thượng nghị sỹ Jim Risch, thành viên hàng đầu của đảng Cộng hòa trong Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ trả lời phỏng vấn của Nikkei Asia qua văn bản.
Một chiếc F/A-18F Super Hornet bay qua Núi Phú Sỹ ở Nhật Bản. Ảnh: Hải quân Mỹ
Việc triển khai các tên lửa tầm trung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khía cạnh quan trọng và ngày càng cần thiết để đưa ra đàm phán giữa Mỹ và Nhật Bản.
Bên cạnh đó, một mạng lưới tên lửa đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “sẽ là một điểm cộng cho Nhật Bản”, một quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản cho biết. Quan chức này cũng nói rằng Tokyo chưa thảo luận về một động thái như vậy với Washington.
Theo hiệp ước an ninh tập thể song phương, các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không của Mỹ đồn trú tại Nhật Bản có trách nhiệm bảo vệ Nhật Bản nếu nước này bị tấn công. Hiện Mỹ có khoảng 55.000 binh sỹ đồn trú ở Nhật Bản. Đây là đội quân lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài.
Các lực lượng của Mỹ ở Nhật Bản hiện chưa triển khai các loại tên lửa có thể vươn tới Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã xây dựng khả năng tên lửa tầm xa của riêng minh trên quần đảo Nansei trong đó có đảo Okinawa.
Tuy nhiên, việc đặt tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản sẽ gặp nhiều khó khăn. Những động thái như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phân chia vai trò giữa quân đội Mỹ và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Nếu thực hiện, hai bên sẽ phải thảo luận chi tiết về bất cứ hoạt động triển khai nào được đề xuất, bao gồm cả vị trí và tầm bắn của tên lửa.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao [Nhật Bản] cho biết, việc triển khai tên lửa có thể “được thảo luận khi chúng tôi nói về quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ”.
Việc Nhật Bản quyết định cho phép Mỹ triển khai tên lửa chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc nổi giận, làm phức tạp thêm quan hệ ngoại giao giữa hai nước láng giềng vốn phụ thuộc nhau về kinh tế. Tokyo cũng có thể sẽ vấp phải sự phản đối của người dân địa phương ở những địa điểm triển khai tên lửa tiềm tàng, trong đó có cả Okinawa, nơi đồn trú khoảng 70% lực lượng Mỹ ở Nhật.
Các vấn đề về ngân sách cũng có thể phát sinh. Mỹ “có thể yêu cầu chúng tôi đảm nhiệm việc bảo trì và gánh vác các chi phí khác liên quan đến tên lửa được triển khai ở Nhật Bản”, một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết./.