Mỹ tìm cách đóng băng dự trữ vàng của Nga?

Thu Hằng |

Bộ Tài chính Mỹ được cho là đang hợp tác với Thượng viện về một dự luật ngăn cản bất cứ giao dịch nào từ kho dự trữ vàng 132 tỷ USD của Nga với một bên thứ ba.

Tổng thống Putin thăm Kho Dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga năm 2011. Ảnh: AFP/Getty Images

Tổng thống Putin thăm Kho Dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga năm 2011. Ảnh: AFP/Getty Images

Đài RT (Nga) dẫn nguồn từ mạng tin Axios của Mỹ ngày 23/3 cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ gặp một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng trong tuần này để thảo luận về khả năng đóng băng kho dự trữ vàng trị giá 132 tỷ USD của Nga.

“Bộ trưởng Yellen thường xuyên gặp gỡ các thành viên của Quốc hội để thảo luận về pháp lý. Ngoài ra, Bộ thường xuyên cung cấp hỗ trợ kỹ thuật liên quan các luật trừng phạt”, một người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

Theo Axios, Thượng nghị sĩ Angus King, đại diện bang Maine, tuyên bố dự luật có thể được Thượng viện thông qua sớm nhất là trong tuần này. Bước đi này nhằm tước đi cơ hội giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế của Moskva bằng cách chuyển nguồn dự trữ vàng lớn của nước này thành tiền.

“Nguồn cung vàng khổng lồ của Nga là một trong số ít tài sản còn lại mà Tổng thống Putin có thể sử dụng để giữ cho nền kinh tế của đất nước của mình không suy giảm hơn nữa. Bằng cách trừng phạt nhằm vào những nguồn dự trữ này, chúng tôi sẽ cô lập Nga khỏi nền kinh tế thế giới và gây khó khăn cho chiến dịch quân sự ngày càng tốn kém của Nga”, ông King giải thích.

Các chính trị gia Mỹ đứng sau đề xuất trừng phạt trên tin rằng Moskva đang sử dụng vàng để ngăn cản việc phá giá đồng tiền quốc gia của mình, đồng ruble (rúp). Washington lo ngại rằng lượng vàng dự trữ khổng lồ sẽ cho phép Điện Kremlin mua các loại tiền có giá trị cao trên thị trường quốc tế.

Hôm 8/3, cũng nhóm thượng nghị sĩ Mỹ nói trên đã giới thiệu một dự luật được thiết kế để lấp lỗ hổng này trong các lệnh trừng phạt cho phép Nga giao dịch vàng. Dự luật có tiêu đề “Stop Russian GOLD” (Ngăn chặn vàng của Nga). Nếu được thông qua, luật sẽ cho phép chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ ai bán hoặc mua vàng của Ngân hàng trung ương Nga.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov trước đó tuyên bố rằng Moskva đã mất gần 300 tỷ USD dự trữ do các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Ngoại trưởng Sergey Lavrov cáo buộc việc đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga là "hành vi trộm cắp". Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin mô tả các biện pháp trừng phạt chống Nga là “một hành động gây hấn hoàn toàn ngang nhiên” và là “một cuộc chiến được tiến hành bằng các phương tiện kinh tế, chính trị và thông tin”.

Theo tờ Forbes, Nga ngày càng thay thế giao dịch USD bằng vàng. Dự trữ vàng của Nga từ mức thấp kỷ lục trị giá 2 tỷ USD vào năm 1995, hiện đã lên tới 130 tỷ USD, chiếm 20% tổng dự trữ. Trên thế giới chỉ có Mỹ, Đức và Italy dự trữ nhiều vàng hơn.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chi tiêu cho quốc phòng của Nga đã tăng lên tới đỉnh điểm là 90 tỷ USD/ năm vào năm 2013, trước sự kiện sáp nhập Crimea, và tổng cộng là 60 tỷ USD vào năm 2020.

Con số này vẫn thấp hơn nhiều so với chi tiêu quân sự của Mỹ là 780 tỷ USD và 250 tỷ USD của Trung Quốc vào năm 2020, mặc dù tính theo tỷ lệ phần trăm GDP thì Nga chi tiêu nhiều hơn, ở mức 4%. Theo dữ liệu của BNP Paribas, nợ công của Nga là 18% GDP, trong khi tổng nợ nước ngoài chưa đến 30% GDP. Nợ của Ukraine là 80% GDP, trong khi của Mỹ là hơn 100%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại