Mỹ thất bại ở sân chơi châu Á?

Hà Minh Thu |

Thỏa thuận hạt nhân và đàm phán thương mại dường như đã nằm trong tay ông Trump mà chỉ sau một tháng, tất cả lại trở nên bế tắc hơn.

Cuối tháng 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên trong chuyến thăm nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Không lâu sau đó, Bình Nhưỡng liên tiếp phóng tên lửa, thử nghiệm những vũ khí tinh vi ba lần trong tám ngày.

Ông Trump cũng đã gặp Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản để đàm phán thương mại với những tuyên bố đầy tích cực. Tuy nhiên, mới đây Washington quyết định sẽ tăng thêm 10% thuế đối với 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ TQ. Động thái này có nghĩa là tất cả hàng hóa đến từ TQ sẽ bị đánh thuế.

Thông điệp ngầm từ Triều Tiên

Truyền thông nhà nước Triều Tiên xác nhận vụ phóng tên lửa ngày 2-8 là đợt thử nghiệm một hệ thống phóng tên lửa mới đa nòng cỡ lớn do nước này vừa chế tạo, nhằm kiểm tra năng lực hoạt động của chúng như khả năng bay và kiểm soát độ cao, hành trình của tên lửa, độ chính xác trong tấn công mục tiêu và cường độ nổ của đầu đạn. Trong khi đó, chủ nhân Nhà Trắng vẫn tỏ ý sẵn sàng duy trì đối thoại với Bình Nhưỡng, khẳng định tình hình vẫn trong tầm kiểm soát và “không thấy vấn đề gì” với các vụ thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên.

Hai nhà lãnh đạo đã cố gắng ngồi vào bàn đàm phán chính thức hai lần nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hoặc thỏa thuận liên quan đến tên lửa tầm ngắn hay công nghệ vũ khí. Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên thường nhắm vào nhiều mục đích, cả về chính trị và công nghệ. Chính Triều Tiên cũng cho biết những vụ thử gần đây một phần là lời đáp trả trước cuộc tập trận quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ được lên kế hoạch tháng này, cũng như việc Seoul mua lại máy bay chiến đấu tàng hình, hãng tin CNN cho hay.

Theo GS Vipin Narang tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), Triều Tiên cũng không giấu giếm việc tiếp tục phát triển các hệ thống vũ khí khác. “Đây là một lời nhắc nhở rằng ông Kim Jong-un cần nhiều hơn một cái bắt tay từ Mỹ. Điều quan trọng là nếu lời nhắn của ông Kim bị ngó lơ, ông ấy sẽ cân nhắc tung ra những công nghệ mạnh hơn” - ông Narang nói.

Đặc biệt, đài Fox News còn cho biết Bình Nhưỡng có thể vẫn duy trì vũ khí hủy diệt nhất của mình - tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và bom hạt nhân. Nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về sự phát triển công nghệ vũ khí và khả năng tung đòn mạnh hơn ở hệ thống tầm xa của Triều Tiên.

Washington không dễ khuất phục

Sau cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Tập tại TP Osaka (Nhật Bản) hồi tháng 6, ông Trump đảm bảo các cuộc đàm phán thương mại đang trở lại đúng hướng và Washington sẽ không đánh thuế vào hơn 300 tỉ USD hàng hóa còn lại. Tuy nhiên, không lâu sau vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại Thượng Hải tuần qua, người đứng đầu Nhà Trắng đăng trên Twitter một quyết định hoàn toàn trái ngược với phát ngôn của ông trước đó: Đánh thuế vào hàng hóa còn lại bắt đầu từ tháng 9.

Khi cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và TQ gia tăng, Washington sẽ tiếp tục tăng cường các nỗ lực của mình ở Thái Bình Dương. Điều đó không có nghĩa chính quyền tiền nhiệm đã lơ là Thái Bình Dương, mà Washington bây giờ sẽ chú trọng khu vực này nhiều hơn nữa.

Ông ALAN TIDWELL, Giám đốc Trung tâm Úc, New Zealand và Thái Bình Dương tại ĐH Georgetown (Mỹ)

Theo một quan chức trong ngành, việc Bắc Kinh không đưa ra những cam kết cụ thể mua sản phẩm nông nghiệp Mỹ trong cuộc đàm phán gần đây đã làm “buồn lòng” ông Trump. Dường như tổng thống Mỹ tin rằng ông và Chủ tịch Tập đã đồng ý điều đó tại hội nghị G20.

Với các biện pháp mới từ Washington này, ông Rajiv Biswas, chuyên gia nghiên cứu kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Phòng nghiên cứu IHS Markit, lo ngại rằng ông Trump đã khiến cho cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang đáng kể và phá hủy những thỏa thuận ông và ông Tập đã ký vào tháng 6.

Ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung, thậm chí cho biết động thái này dường như “rất phản tác dụng”. Theo ông Allen, vòng đàm phán gần đây được cho là rất thành công và đầy tính xây dựng.

Trả lời hãng tin Sky News, Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham tuyên bố việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế mới đối với hàng hóa trị giá 300 tỉ USD của TQ có thể vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Có mặt tại Bắc Kinh, ông Birmingham thông báo rằng TQ đã kiện Mỹ tại WTO về những biện pháp mới của Washington.

Theo bộ trưởng Úc, điều đáng bận tâm hơn là quá trình kiện tụng này có thể tác động đến thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế tuyên bố hồi tháng 7 rằng tình hình đã ảm đạm hơn so với dự đoán của họ vì nhiều lý do như thương chiến giữa các nước, Brexit (kế hoạch đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) không chắc chắn và ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt chống Iran đối với giá dầu.

Trong khi đó, tác giả của quyển sách The Coming Collapse of China, ông Gordon Chang, cho rằng việc Triều Tiên phóng tên lửa gần đây nhất có liên quan đến quyết định tăng thuế của Washington. Sau quyết định thuế quan đối với Bắc Kinh và phớt lờ hành động “khiêu khích” của Bình Nhưỡng, ông Trump muốn gửi thông điệp đến TQ là Washington sẽ không dễ dàng chịu khuất phục trước mối quan hệ liên minh TQ - Triều Tiên.

Mâu thuẫn giữa hai đồng minh Mỹ tại châu Á

Trước các vấn đề với Triều Tiên và TQ, Washington cũng đang giải quyết tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản - vốn có thể đe dọa cả mối quan hệ an ninh và kinh tế trong khu vực. Hãng tin CNBC cho biết nội các Nhật Bản hôm 2-8 đã phê duyệt kế hoạch loại Hàn Quốc khỏi danh sách các quốc gia ít phải chịu các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Động thái này có khả năng gây leo thang căng thẳng giữa hai nước liên quan đến tranh chấp về vấn đề bồi thường cho lao động cưỡng bức thời chiến. Hàn Quốc và Nhật Bản trong những năm gần đây đã tìm đến đồng minh chung của họ là Mỹ để giúp giải quyết tranh chấp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại