Một lô vũ khí Mỹ viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Reuters
Ngày 26/4, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã họp để thảo luận về tình trạng của cơ sở công nghiệp quốc phòng và khả năng đáp ứng cho nhu cầu của các lực lượng vũ trang.
Cuộc họp đã tiết lộ một vấn đề nghiêm trọng về nguồn cung, một phần xuất phát từ sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
“Quân đội Mỹ có thể đã gửi khoảng 1/3 số tên lửa chống tăng Javelin đến Ukraine. 1/3 nguồn cung tên lửa của chúng ta đã trao cho họ.
Việc bổ sung kho dự trữ của Mỹ hoặc những vũ khí đó sẽ cần 32 tháng”, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Blumenthal của bang Connecticut cho biết trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Ông Blumenthal lo ngại rằng nếu Mỹ tiếp tục cung cấp cho Ukraine tên lửa Javelin với tốc độ sản xuất trong nước như hiện nay, thì Washington có thể thiếu hụt đáng kể loại vũ khí chủ chốt này trong tương lai gần.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21/4 đã công bố gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 800 triệu USD cho Ukraine để giúp đỡ nước này trong bối cảnh Nga đang tăng cường các hoạt động quân sự ở khu vực Donbass.
Gói viện trợ quân sự mới nhất bao gồm các pháo hạng nặng, 144.000 viên đạn và máy bay không người lái.
Bên cạnh đó, trong chuyến thăm Ukraine của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 24/4, Washington đã công bố gói hỗ trợ quân sự mới cho Kiev.
Bộ trưởng Austin và Ngoại trưởng Blinken đã công bố tổng cộng 713 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine và 15 quốc gia đồng minh cũng như các đối tác, trong đó khoảng 322 triệu USD dành cho Kiev. Phần còn lại sẽ được chia cho các thành viên NATO và các nước khác đã cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Theo các quan chức Mỹ, khoản viện trợ mới, cùng với việc bán 165 triệu USD đạn dược tương thích với vũ khí thời Liên Xô mà Ukraine sử dụng, đã nâng tổng số tiền hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine lên 3,7 tỷ USD kể từ đầu chiến dịch.