Ngày 5-5, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nói Mỹ sẽ triển khai nhóm tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln và một lực lượng máy bay ném bom đến khu vực Bộ Chỉ huy miền Trung của Mỹ (CENTCOM) quản lý an ninh, gần Iran.
Động thái này, theo ông Bolton là nhằm “gửi một thông điệp rõ ràng, không thể nhầm lẫn đến thể chế Iran rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào quyền lợi của Mỹ hay của các đồng minh Mỹ đều sẽ bị đáp trả không nương tay”.
Ông Bolton cũng nhấn mạnh Mỹ không “tìm kiếm chiến tranh” với Iran, mà chỉ chuẩn bị “để đối phó mọi cuộc tấn công dù từ các lực lượng Iran bảo trợ, Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran, hay từ lực lượng vũ trang thường trực của Iran”.
Phát biểu của ông Bolton được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang rất nguy hiểm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên nước này.
Cuối tháng trước, Mỹ còn tuyên bố sẽ tìm mọi cách để kéo xuất khẩu dầu của Iran xuống con số 0, bằng cách không gia hạn lệnh hoãn trừng phạt các nước nhập khẩu dầu từ nước Cộng hòa Hồi giáo.
Cũng trong tháng 4, Mỹ chính thức liệt Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran – một nhánh của lực lượng vũ trang Iran – là tổ chức khủng bố nước ngoài.
Đáp lại, Iran cũng đã liệt CENTCOM là tổ chức khủng bố nước ngoài. Cuối thàng 4, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng các thành viên trong chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đặc biệt ông Bolton, cũng như một số đồng minh của Mỹ - như Israel, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất – đang cố kéo Mỹ vào một cuộc xung đột với Iran.
Mỹ đã sai lầm
Về phát ngôn mới nhất của ông Bolton, nói với hãng tin Sputnik, Tiến sĩ Alam Saleh, người giảng dạy về chính trị Trung Đông tại Đại học Lancaster (Anh), cho rằng với việc đưa tàu sân bay đến Trung Đông, Mỹ đã gửi “một thông điệp sai lầm” đến Iran. Tiến sĩ Saleh cảnh báo thêm rằng lực lượng của Mỹ là một mục tiêu dễ dàng với lực lượng vũ trang Iran.
“Quyết định triển khai tàu sân bay không có ý nghĩa gì ngoài là một cử chỉ quân sự gửi đi thông điệp sai lầm, đến một khu vực sai lầm, tại một địa điểm sai lầm . Đơn giản vì Mỹ không có phương án quân sự nào để đối đầu Iran.
Một tàu sân bay là một mục tiêu rất dễ dàng với tên lửa Iran, và Iran đã từng tập luyện việc phải đối phó với tàu sân bay thế nào. Tàu sân bay có thể là một đe dọa, nhưng cùng lúc cũng có thể là một mục tiêu”, Tiến sĩ Saleh nói.
Tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln của Mỹ sẽ được triển khai đến gần Iran. Ảnh: NAVY TIMES
Trao đổi với Sputnik, Phó giáo sư Sergei Demidenko tại Viện Khoa học Xã hội thuộc Học viện Kinh tế quốc gia và Hành chính công của Nga cho rằng việc Mỹ triển khai đội tàu sân bay đến gần Iran chỉ là một phần của “lễ nghi quân sự”.
“Chẳng có lý do thật sự quan trọng để phải lo ngại. Những điều này được cả hai bên thực hiện không chỉ một lần, nó là một phần của lễ nghi quân sự - Iran tuyên bố sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, và Mỹ bắt đầu đe dọa bằng sức mạnh quân sự”, theo ông Demidenko.
Mỹ không có phương án quân sự với Iran
Phó giáo sư Demidenko bác bỏ khả năng sẽ có đối đầu trực tiếp giữa Iran và Mỹ.
“Họ đe dọa lẫn nhau, tàu trực thăng sẽ được triển khai để củng cố vị thế chính trị, mọi thứ sẽ không đi xa hơn nữa. Diễn biến này nên được xem xét trong bối cảnh leo thang căng thẳng chung trong quan hệ Mỹ-Iran. Sẽ còn có các hành động khiêu khích hơn thế này trong tương lai gần”, ông Demidenko nhận định.
Theo Tiến sĩ Saleh, việc triển khai đội tàu sân bay tấn công không phải là dấu hiệu Mỹ đang chuẩn bị can thiệp quân sự vào Iran.
“Không có phương án quân sự nào về phía Mỹ, đó có thể là điều sai lầm vì một số lý do. Một trong số đó là Mỹ không thể và không có phương thức nào hay quyền hợp pháp để xúc tiến một cuộc chiến dài ở Trung Đông lần nữa…sau sự kiện Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003.
Và chiến lược quân sự của Iran có thể là kéo dài cuộc chiến, và điều này sẽ thật sự gây khó cho Mỹ khi bước vào một cuộc chiến như vậy. Mỹ có thể bắt đầu, nhưng bên quyết định khi nào chấm dứt cuộc chiến là Iran”, ông Saleh nhấn mạnh.
Vì thế, quyết định của Mỹ có thể xem là một nỗ lực “tạo thêm áp lực tâm lý cho các nhà ra quyết định của Iran”, theo Tiến sĩ Saleh.
Liệu phương án dàn xếp ngoại giao cho khủng hoảng Iran-Mỹ còn khả thi?
Giải pháp hòa bình cho khủng hoảng trong quan hệ giữa Iran và Mỹ đang bị chính cả hai nước làm khó với các quyết định liệt quân đội của nhau là khủng bố, Tiến sĩ Saleh nhận định.
“Với việc Mỹ liệt Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran là tổ chức khủng bố, tôi nghĩ mọi con đường và phương thức ngoại giao giữa hai nước lúc này đã bị đóng. Các bạn không bao giờ có thể thương lượng với khủng bố.
Đây thật sự là vấn đề chung cho cả hai vào lúc này, khi Iran cũng xem các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực là địa điểm khủng bố. Rõ ràng điều này sẽ khiến việc có được giải pháp ngoại giao cho vấn đề khó khăn này là không thể”, Tiến sĩ Saleh trao đổi với Sputnik.
Đội tàu sân bay tấn công số 8 của Mỹ di chuyển trên Đại Tây Dương. Ảnh: US NAVY
Liên minh châu Âu – một bên trong thỏa thuận hạt nhân Iran – có thể sẽ là nhân tố quốc tế duy nhất có thể giúp giảm căng thẳng giữa Iran và Mỹ, theo Tiến sĩ Saleh. Tuy nhiên theo ông, điều này có thể đã quá trễ trong bối cảnh Mỹ đã gây quá nhiều áp lực lên Iran.
“Nhân tố quốc tế duy nhất, bên có thể có ảnh hưởng và có thể tạo ra thay đổi – thuyết phục Iran hành xử dựa trên thỏa thuận hạt nhân – là châu Âu và không thể là ai khác. Nhưng châu Âu, tôi nghĩ, là quá yếu để có thể khiến Iran hài lòng trong bối cảnh Mỹ đã công khai đối đầu Iran ở nhiều mặt trận: kinh tế, quân sự, chính trị, và vân vân…”, Sputnik dẫn lời Tiến sĩ Saleh cho biết.
Iran sẽ phản ứng thế nào?
Có thông tin Iran sẽ thông báo các biện pháp đối phó với chính sách thù địch của Mỹ, với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt trừng phạt mình vào ngày mai 8-5.
Các biện pháp đối phó có thể bao gồm việc Iran bội ước một phần hoặc hoàn toàn các cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân và khôi phục một số hoạt động hạt nhân. Tuy nhiên theo thông tin từ trang tin ISNA (Iran) thì Iran sẽ không cân nhắc khả năng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.