Khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, Hà Nội là thành phố bị địch tạm chiếm. Đây trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, cơ quan đầu não của địch, đồng thời cũng là căn cứ quân sự lớn của chúng.
Số quân phòng thủ ở đây hơn 2 vạn tên (bao gồm một trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh, một số tiểu đoàn lính ngụy và các đơn vị hậu cần, kỹ thuật khác). Chúng chia Hà Nội thành 6 tiểu khu quân sự, 94 vị trí với 2 sân bay Bạch Mai, Gia Lâm, khi cần có thể huy động từ 70 đến 100 máy bay.
Về phía ta, thời kỳ này đồng chí Lê Thanh Nghị thay đồng chí Trần Quốc Hoàn làm Bí thư Thành uỷ, đồng chí Trần Vĩ thay đồng chí Phùng Thế Tài làm Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội(1).
Hà Nội đã phối hợp tuyệt đẹp với mặt trận Điện Biên Phủ.
- Ngày 4/3/l954, sau một thời gian trinh sát, chuẩn bị rất công phu, 16 chiến sĩ thuộc đại đội 8 bộ đội Hà Nội, tập kích sân bay Gia Lâm, phá hủy 18 máy bay, diệt 16 tên, làm cho sân bay phải ngừng hoạt động một thời gian.
- Tháng 4/l954, quân và dân Hà Nội đốt cháy kho dù làm cháy hàng nghìn chiếc, địch thiếu dù phải cấp tốc dùng máy bay chở dù từ Pháp và từ Nhật sang.
- Công nhân xưởng bánh mì làm hỏng lò, địch không có bánh mì để tiếp tế cho mặt trận.
- Phụ nữ Hà Nội đã đấu tranh với địch đòi chồng, con trở về, tổ chức đánh tháo được nhiều tốp tân binh mới bị bắt lính.
Đội trực chiến của dân quân huyện Từ Liêm, Hà Nội sẵn sàng chiến đấu, góp phần bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. (Ảnh: TTXVN)
Công tác binh vận của nhân dân Hà Nội đã làm cho tiểu đoàn dù số 5 đóng ở trường Bưởi và tiểu đoàn dù số 7 đóng ở Việt Nam học xá tan rã hoàn toàn. Trong 5 ngày binh vận, phụ nữ Hà Nội đã làm cho 1.200 lính ngụy đóng ở Bạch Mai đào ngũ, cơ quan đầu não của địch ở Hà Nội hết sức hoang mang, lúng túng.
Trên mặt trận đánh phá giao thông, Hà Nội đã phối hợp nhịp nhàng với bộ đội địa phương và du kích đường 5 phục kích nhiều đoàn xe, tàu của địch.
Ngày 4/4/1954, quân dân Gia Lâm phục kích đánh lật đoàn tàu quân sự 13 toa của địch, làm giao thông đường 5 bị chặt đứt hàng tuần lễ, đạn dược, quân dụng của địch từ Hải Phòng không thể đưa lên Hà Nội để tiếp tế cho Điện Biên Phủ.
Đoàn xe vận tải của Pháp đóng ở Khu vực Đấu Xảo, bị anh em công nhân ta phá hủy hàng trăm xe, rồi cùng với cán bộ cơ sở của ta chạy ra vùng tự do với kháng chiến. Một số thanh niên Hà Nội được đưa ra vùng tự do để gia nhập quân đội.
Phụ nữ Hà Nội còn bí mật quyên góp tiền, thuốc men, mua công trái kháng chiến để gửi ra vùng tự do tiếp tế cho mặt trận Điện Biên Phủ, nổi bật là hiệu thuốc của cụ Hoàng Xuân Hãn đã ủng hộ kháng chiến rất nhiều thuốc men và dụng cụ y tế.
Chị em tiểu thương ở các chợ Hà Nội đã bãi thị, đưa đơn lên tòa Thị chính đấu tranh chống tăng thuế. Anh em công nhân viên chức thì đấu tranh đòi tăng lương, chính quyền địch phải ra nghị định tăng lương cho công nhân 20%, cho nhân viên công chức 15%.
Thành ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội đã vận dụng sáng tạo nhiều phương thức đấu tranh, làm cho quần chúng đang phải sống trong vùng tạm chiếm cũng được đóng góp trí tuệ, sức người, sức của cho kháng chiến. Đồng bào và chiến sĩ Hà Nội đã phối hợp nhịp nhàng với các chiến trường khác và mặt trận Điện Biên Phủ.
Có thể nói, cả Hà Nội đã bí mật lặng lẽ, nhưng quyết liệt và sôi nổi phối hợp với các chiến sĩ Điện Biên Phủ, và để 18 năm sau quân dân Hà Nội lại làm nên một "Điện Biên Phủ" trên bầu trời Hà Nội ngàn năm văn hiến oai hùng.
(1) Các đồng chí Trần Quốc Hoàn, Phùng Thế Tài đi nhận công tác khác.
"Mãnh thú" M24 Chaffe của Pháp từng bị tiêu diệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ