Mỹ rút quân khỏi Đức: Đòn trả đũa của cựu Đại sứ Richard Grenell và hệ lụy

Hoài Thanh |

Để trừng phạt Đức vì chậm chễ tăng chi tiêu quân sự, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn rút quân khỏi Đức. Giới quan sát nhận định, đây là động hành động nhỏ nhen của cựu Đại sứ Richard Grenell và sẽ gây hại đến lợi ích của Mỹ.

Richard Grenell - đại sứ không được chào đón

Khi các Đại sứ Mỹ tại Đức rời nhiệm sở Berlin, thông thường sẽ có một buổi chia tay lớn, cùng đó là cảm giác bùi ngùi, tiếc nuối. Năm 2013, Đại sứ Philip Murphy thậm chí còn thuê cả sân vận động Olympic ở thủ đô Berlin để tổ chức tiệc chia tay. Ông Murphy và nhiều người tiền nhiệm vẫn giữ quan hệ thân thiết với phía Đức đến ngày nay.

Nhưng khi xuất hiện thông tin vào cuối tháng 5 về việc Đại sứ Mỹ Richard Grenell sẽ sớm từ nhiệm, phản ứng tại Đức đi từ hoan hỉ đến nhẹ nhõm. Cựu Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel thuộc đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD) mô tả sự ra đi của ông Grenell là “một hành động thiện chí”.

Còn nghị sĩ Andreas Nick thuộc Liên minh Dân chủ Cơ đốc của Thủ tướng Angela Merkel thì viết rằng ông đều coi các đại sứ Mỹ rời nhiệm là những người bạn, đối tác đáng kính, nhưng không phải là trường hợp của ông Grenell. Đại sứ Grenell, theo Andreas Nick, hành xử như là “đại diện của một cường quốc thù địch”.

Ông Grenell phản ứng trước sự “hân hoan” của người Đức theo cách riêng. Cuối tháng 5, trên tài khoản cá nhân Twitter, Đại sứ Mỹ đăng dòng trạng thái: “Các anh nhầm to nếu nghĩ rằng đã thoát khỏi sức ép của Mỹ. Các anh chẳng hiểu người Mỹ chút nào”. Nó nghe như một lời đe dọa và giờ rõ ràng là sự thật.

Hôm 11/6, ngay sau khi ông Grenell rời Berlin, tại Washington rộ lên thông tin Tổng thống Trump có kế hoạch cắt giảm đáng kể số lượng binh sĩ Mỹ đồn trú ở Đức. Không hề tham vấn với đồng minh NATO, ông Trump yêu cầu Lầu Năm góc lên kế hoạch rút quân. Theo các nguồn tin trong chính quyền Đức và Mỹ, quyết định được thực hiện chóng vánh chỉ bởi ba nhân vật: Tổng thống Trump, Cố vấn An ninh Quốc gia Richard O’Brien và Richard Grenell.

Nhà Trắng sau cùng cũng đã xác nhận thông tin này, khi thông báo qua điện đàm cho Đại sứ Đức tại Washington. Giới chức hai bên đều cho rằng, kế hoạch rút quân mang đậm dấu ấn của ông Grenell. Đe dọa rút bớt lính Mỹ khỏi Đức luôn là một trong những điểm nhấn chủ đạo của Richard Grenell kể từ khi tới Berlin.

Cựu Đại sứ Mỹ xem đây là cách để trừng phạt việc Đức không chịu tăng chi tiêu quốc phòng như ông Trump mong muốn. Theo các quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Mỹ và Đức, Grenell là lực đẩy chủ yếu đằng sau kế hoạch rút quân. “Đó là một động thái mang đặc trưng của Grenell”, một quan chức Mỹ cho biết. Ông Grenell không bình luận khi được hỏi về điều này.

Theo giới chức Đức, việc Mỹ cắt giảm binh sĩ không gây ra hệ quả nghiêm trọng đối với an ninh của Đức. Nhưng nó sẽ có tác động lớn đến quan hệ Mỹ-Đức vốn đã căng thẳng dưới thời ông Trump. Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, hiện diện quân sự của Mỹ tại Đức luôn là biểu tượng quan trọng cho sự gắn kết, gần gũi giữa hai nước.

Nguồn cơn và đòn trả đũa

Hiện chưa rõ quyết định rút quân được Mỹ thông qua ở thời điểm nào. Một số nguồn tin cho rằng đó là vào đầu tháng 6, khi Grenell có buổi chào từ biệt chính thức trên cương vị Đại sứ với ông Trump tại Nhà Trắng.

Richard Grenell mới chỉ đảm nhận cương vị Đại sứ ở Đức hai năm trước tính đến thời điểm tuyên bố từ chức. Ngay từ đầu, ông Grenell đã tỏ ra là người không có thiện chí với nước sở tại. Các đời đại sứ Mỹ trước đó đều duy trì quan hệ tuyệt vời với giới chức cấp cao nhất trong nền chính trị Đức, nhưng Grenell chọn cách cô lập. Không những vậy, ông còn chỉ trích chính quyền Đức về mức chi tiêu quân sự, hùa theo truyền thông cánh hữu tại Mỹ phê phán chính sách nhập cư của bà Merkel.

Mùa hè năm 2019, ông Grenell đe dọa rút quân Mỹ khỏi Đức nếu Berlin không chấp nhận tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP. Giới chức Đức tiếp tục bị sốc trước tuyên bố của Đại sứ Mỹ, khi Grenell cho rằng “thật xúc phạm khi cho rằng người đóng thuế tại Mỹ sẽ tiếp tục phải trả chi phí cho 35.000 binh sĩ Mỹ đóng ở Đức, trong khi Đức lại sử dụng thặng dư thương mại với Mỹ để phục vụ các mục tiêu trong nước”.

Đây cũng là giai đoạn mà Tổng thống Mỹ đề cập đến việc giảm bớt quân số đồn trú ở nước ngoài. Lý do ông đưa ra cũng đơn giản như thường thấy trước đó. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng ngân sách quốc phòng của Đức quá thấp, Đức thu lợi từ việc đóng trú quân sự của lính Mỹ, nhưng lại không chịu trang trải chi phí.

Ông Trump sau đó tạm thời thoái lui khỏi kế hoạch này, chủ yếu là do đề xuất trên không nhận được hưởng ứng tích cực từ các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội và Bộ Quốc phòng. Nhưng Richard Grenell không cho phép bản thân thoái lui trừng phạt Đức và quyết không thay đổi ý định dù có người trong chính quyền can ngăn, giải thích.

Những bình luận hồ hởi từ phía Đức trước việc ông Grenell từ nhiệm có lẽ một lần nữa làm cựu Đại sứ Mỹ thêm sự thù ghét. Ông có thể bỏ ngoài tai những gièm pha này, nhưng đó không phải là phong cách của Grenell. Rồi một nguồn cơn bực tức tại Nhà Trắng đã tạo cho Richard Grenell một cơ hội đặc biệt để thực thi kế hoạch trả đũa.

Mỹ rút quân khỏi Đức: Đòn trả đũa của cựu Đại sứ Richard Grenell và hệ lụy  - Ảnh 2.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) tại cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Watford, Anh, ngày 4/12/2019. Ảnh: Getty Images


Đó là khi ông Trump tức giận trước việc bà Merkel phá hủy kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G-7. Ông chủ Nhà Trắng muốn tổ chức cuộc gặp vào tháng 6 tại Mỹ, để gửi đi thông điệp Mỹ và phần còn lại của thế giới đã vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19. Bà Merkel – thông qua phát ngôn viên Steffen Seibert, cho rằng chưa phải là thời điểm thích hợp cho một hội nghị như vậy. Ông Trump coi đây là sự xúc phạm.

Đầu tháng 6, khi xuất hiện tin đồn Tổng thống Mỹ yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cắt giảm mạnh số lượng binh sĩ đóng tại Đức, không chỉ riêng Đại sứ quán Đức tại Washington bất ngờ. Cả Bộ Ngoại giao và nhiều phòng ban chức năng thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cũng chẳng hay biết. Đến cả Quốc hội Mỹ cũng không được thông báo trước về kế hoạch này.

Chính phủ Đức không hiểu điều gì đang diễn ra tại Washington liên quan đến kế hoạch rút quân. Giới chức ngoại giao, quốc phòng Đức gọi điện cho các đồng cấp ở Washington để gặng hỏi, nhưng cũng không có thêm thông tin gì. Số này thừa nhận, cả hai bộ này đều không được tham gia vào tiến trình hoạch định kế hoạch.

Cuối cùng, Đại sứ quán Đức tại Washington cũng nhận được cuộc gọi từ ông O’Brien, thông báo ý định thực sự của Tổng thống Trump. Theo đó, số quân Mỹ đóng tại Đức sẽ rút xuống còn khoảng 25.000 quân, 9.500 lính Mỹ sẽ được rút về nước.

Nhưng xét trên thực tế, hành động trừng phạt này khiến Mỹ chịu thiệt hại nhiều hơn là Đức. “Việc rút quân không tạo ra nguy cơ an ninh tức thời nào cho Đức. Đức không phải là quốc gia đứng ở tuyến đầu nữa”, cựu Ngoại trưởng Sigmar Gabriel bình luận.

Còn theo Ben Hodges, cựu Tư lệnh quân đội Mỹ đóng tại châu Âu, lính Mỹ đóng tại Đức không phải là để bảo vệ Đức, mà là phục vụ các mục tiêu của Mỹ. Ông mô tả quyết định rút quân của Tỏng thống Trump là “sai lầm cực lớn”.

Đức là địa điểm đóng trú quân sự quan trọng bậc nhất đối với quân đội Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Khoảng 35.000 lính Mỹ đóng tại đây, cùng với đó là khoảng 12.000 nhân viên nhân sự làm nhiệm vụ bảo đảm, hậu cần cho số này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại