Một trong những động cơ đằng sau việc Mỹ rút khỏi INF - Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung INF là mong muốn của nước này muốn có được khả năng tấn công phủ đầu (hạt nhân) với Nga từ châu Âu trong khi vẫn giữ nguyên vẹn được kho vũ khí hạt nhân chiến lược.
Một động cơ khác là sự cần thiết phải giữ đối thủ dữ dằn nhất về địa chính trị của Mỹ là Trung Quốc nằm trong tầm ngắm, bằng cách ép Bắc Kinh phải thay đổi các chính sách về ngoại giao, quốc phòng và thương mại với lợi thế nghiêng về phía Washington.
Khả năng hạ các vị trí cơ sở hạ tầng quan trọng với những vụ tấn công tầm trung vào sâu trong đất Trung Quốc - không chỉ ở các tỉnh ven biển, là một cách khiến cho Trung Quốc "dễ bảo hơn" trong những vấn đề trọng yếu và phải lui bước trong việc gây ảnh hưởng toàn cầu.
Vào tháng 4, đô đốc Harry Harris lãnh đạo của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương đã nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng Mỹ cần đàm phán lại Hiệp ước INF để có thể cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc. Rõ ràng vị đô đốc biết mình đang nói tới điều gì.
Trung Quốc đã phát triển tên lửa đạn đạo DF-26 "diệt tàu sân bay" và khiến cho chiến lược cũ của Mỹ trở nên không hiệu quả. Nhà báo Zachary Keck tin rằng tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 có thể ngăn chặn Hải quân Mỹ trên những tuyến đường của mình mà không cần phải khai hỏa.
Mối đe dọa này cần phải bị chặn lại và một phương pháp để làm điều đó là hạ "knock-out" tên lửa này bằng những tên lửa mặt đất có độ chính xác cao. Những hệ thống vũ khí này sẽ rẻ hơn các tàu sân bay và có thể tác chiến mà không phơi hàng nghìn binh sĩ ra trước mối đe dọa tên lửa khi thực hiện cuộc tấn công phủ đầu.
Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo có khả năng hạt nhân phóng từ trên không được xây dựng từ nguyên mẫu DF-21 cho phép đất nước này nâng cao năng lực chiến đấu.
Bắc Kinh cũng tự hào vì sở hữu những hệ thống tên lửa di động trên mặt đất (LBMMS) cùng tên lửa hành trình DF-10 với tầm bắn tối đa từ 1.500 tới 2.000km. Trung Quốc phải tự vệ và sở hữu những hệ thống này là cách duy nhất để ứng phó với lợi thế lớn của Mỹ ở trên biển, trên không và trong không gian.
Thực tế, tiến trình bao vây Trung Quốc bằng tên lửa tầm trung đã được bắt đầu bằng sự triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis Ashore mà Nhật đã quyết định mua. Các khẩu đội này sẽ được đặt tại các quận Akita và Yamaguchi.
Sử dụng thiết bị phóng MK-41, Aegis Ashore có thể bắn các tên lửa Tomahawk tầm trung. Thỏa thuận mua bán này hiển nhiên vi phạm Hiệp ước INF mà chính Washington cáo buộc Moscow đã không tuân theo.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis Ashore.
Những mục tiêu khác bao gồm Triều Tiên và vùng Viễn Đông của Nga, đặc biệt là căn cứ hải quân Vilyuchinsk tại bán đảo Kamchatka đang là "ngôi nhà" của một hạm đội tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo.
Sau một thời gian dài do dự, Mỹ đã đồng ý bán vũ khí cho Đài Loan vào tháng 9, một động thái khiến Trung Quốc nổi giận. Hè năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu hải quân nước này tới Đài Loan để bảo vệ Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (thực tế là Đại sứ quán).
Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cũng được biết tới với ý tưởng ủng hộ việc đưa quân Mỹ lên đất Đài Loan. Ông Bolton muốn thay đổi lại chính sách với Trung Quốc.
Ông lập luận rằng Đài Loan gần nội địa Trung Quốc hơn là các hòn đảo đang bị tranh chấp trên Biển Đông hay Okinawa và Guam - nên cho phép quân đội Mỹ "linh hoạt hơn để nhanh chóng triển khai trong khu vực khi cần".
Nếu sự leo thang hiện tại vẫn tiếp diễn, Mỹ có thể triển khai những tên lửa tầm trung trên hòn đảo này.
Tiếp cận và tiêu diệt các tên lửa di động mặt đất từ trên không hay trên bộ đều là nhiệm vụ đầy khó khăn.
Công nghệ bay nhanh theo đạn đạo và các tên lửa hành trình tàng hình rất hiệu quả trong việc tấn công hàng loạt các loại mục tiêu ngay cả nếu có các hệ thống phòng không hiện đại bảo vệ chúng. Những đất nước không thân thiện với Mỹ trong khu vực sẽ thấy những ưu thế lớn nhất về mặt quân sự của họ bị mất đi.
Các vũ khí tầm trung có thể hoàn thành nhưũng nhiệm vụ tương tự như vũ khí hạt nhân chiến lược. Với công nghệ chính xác cao mà Mỹ sở hữu hiện nay, ngay cả những tên lửa thông thường (phi hạt nhân) cũng có thể gây ra thiệt hại tương đương với tấn công hạt nhân.
Những vũ khí trên bộ của Mỹ có kho đạn lớn và có thể nạp lại nhiều lần liên tiếp. Về lý thuyết, Mỹ có thể áp đặt một thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Trung Quốc theo ý mình, sử dụng các vũ khí tầm trung làm đòn bẩy để đàm phán.
Tất cả các nước không thân thiện với Mỹ như Trung Quốc, Triều Tiên cũng như vùng Viễn Đông của Nga sẽ nằm trong tầm bắn nhanh, khó đánh chặn của các hệ thống tên lửa tầm trung.
Hơn nữa, với việc chạy đua vũ trang đang leo thang tại châu Á Thái Bình Dương, Mỹ có thể cần thực hiện những thỏa thuận có lợi bằng việc bán các hệ thống tên lửa thông thường tầm trung cho các nước trong khu vực như Nhật Bản.
Sẽ có nhu cầu cao với phiên bản phi hạt nhân của những vũ khí như vậy, mang lại lợi nhuận thực tế và kích thích phát triển kinh tế Mỹ.
Vì thế, Mỹ đang thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Washington cũng áp dụng chính sách bao vây những địch thủ tiềm tàng trong tầm ngắm của những vũ khí tầm trung.
Mỹ cũng sẽ có lựa chọn tiêu diệt những địa điểm trọng yếu bằng đầu đạn thông thường. Chính sách này rõ ràng sẽ kéo Nga và Trung Quốc lại gần nhau. Việc quân sự hóa trong khu vực vì thế cũng sẽ bị đẩy nhanh.
Những mục tiêu của Mỹ vì thế sẽ bị thúc đẩy phải phát triển các hệ thống vũ khí vươn được tới lục địa châu Mỹ. Không ai thắng và tất cả sẽ thua. Vẫn còn thời gian để Mỹ đảo ngược quyết định rút khỏi Hiệp ước INF.