Mỹ phát triển tên lửa tiếp cận Moscow khi Hiệp ước INF hết hiệu lực

Hà Anh |

Quân đội Mỹ đang phát triển một loại tên lửa đất đối đất mới với tầm bắn hơn 900 dặm (khoảng 1.500 km). Kể từ khi rời khỏi Hiệp ước Vũ khí Hạt nhân Tầm trung (INF) vào tháng 8/2019, Mỹ đã lập tức theo đuổi một số loại vũ khí như vậy.

Ngày 15/10, Sputnik đưa tin, Tướng John Rafferty, Giám đốc cơ quan Hỏa lực Chính xác Tầm xa của Quân đội Mỹ (LRPF) cho biết, thời gian gần đây, một tên lửa tầm trung đất đối đất có khả năng đánh trúng mục tiêu từ 500 đến 1.500 km sẽ là vũ khí quan trọng trong những cuộc xung đột (nếu có) trong tương lai của Mỹ với Nga hoặc Trung Quốc.

Từ quan điểm trên có thể thấy rằng, 930 dặm là khoảng cách từ Moscow tới biên giới Đức-Ba Lan, hoặc từ Okinawa đến Dalian.

“Thật là một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với đối thủ của chúng ta,” Tướng Rafferty nói về loại vũ khí nói trên tại Hội nghị Hỏa lực Quân đội 2020, hôm 29/9.

Trong khi người đứng đầu LRPF không đưa ra bằng chứng nào cho thấy tên lửa đất đối đất mới có thực sự đang được phát triển hay không, thì đã có nhiều bằng chứng cho thấy, Lầu Năm Góc đang theo đuổi nhiều hệ thống vũ khí khác có tầm bắn tương tự trong hai năm qua, kể từ khi Washington tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF.

Điển hình là tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 1.000 dặm được cải tiến để có thể bắn từ bệ phóng trên mặt đất, nó đã được bắn thử chỉ hai tuần sau khi hiệp ước INF chính thức hết hiệu lực vào tháng 8/2019.

Mỹ và Liên Xô đã ký Hiệp ước INF vào năm 1987 sau khi Mỹ phát triển các tên lửa đạn đạo Pershing II ở châu Âu. Các tên lửa này có khả năng bắn xa khoảng 1.500 km, là khoảng cách giữa Đức và Nga, chỉ trong vòng từ sáu đến tám phút. Điều này làm tăng đáng kể nguy cơ chiến tranh hạt nhân do quân đội Liên Xô còn không đủ thời gian để xác minh rằng có một cuộc tấn công đang diễn ra.

Hiệp ước cấm hai cường quốc chế tạo hoặc sử dụng tên lửa đất đối không được trang bị cả đầu đạn hạt nhân và đầu đnạ thường với tầm bắn từ 500 đến 1.500 km.

Mỹ phát triển tên lửa tiếp cận Moscow khi Hiệp ước INF hết hiệu lực - Ảnh 2.

Các thanh sát viên Liên Xô bên cạnh một số tên lửa Pershing II đã bị tháo dỡ.

Tướng Rafferty cho biết, việc phát triển các loại vũ khí LRPF là ưu tiên hiện đại hóa hàng đầu của Quân đội Mỹ, vì nó “cho phép tiếp cận ở cấp chiến lược và cho phép cơ động kết hợp vũ khí ở cấp chiến thuật”.

Các loại vũ khí tương tự khác đang được nghiên cứu là Tên lửa tấn công chính xác (PrSM), một loại đạn cập nhật cho pháo tên lửa HIMARS với tầm bắn tối đa 500 km, và một loại pháo tầm cực xa có thể bắn đạn pháo đi xa khoảng 70 km, được mệnh danh là Pháo binh tầm xa mở rộng (ERCA).

PrSM đã trải qua ba cuộc thử nghiệm thành công, nhưng theo Tướng Rafferty, tầm bắn tối đa của vũ khí vẫn chưa được thử nghiệm thực sự.

“Chúng tôi sẽ đến Căn cứ Không quân Vandenberg và sẽ phóng thử nó (PrSM) ra Thái Bình Dương để xem thực tế nó đi được bao xa”, Tướng Rafferty nói tại hội nghị.

Tướng Rafferty cũng lưu ý rằng, ERCA có thể được bắt đầu thử nghiệm nguyên mẫu với một tiểu đoàn pháo binh vào năm 2023.

Trong khi các vũ khí LRPF là ưu tiên hàng đầu của Quân đội Mỹ chỉ trong vài năm gần đây thì Lầu Năm Góc vẫn còn nằm trong giới hạn của Hiệp ước INF, mặc dù Washington đã tìm cách hủy bỏ thỏa thuận.

Tháng 3/2019 (5 tháng trước khi hiệp ước INF hết hiệu lực), Sputnik đưa tin, Lầu Năm Góc đã tài trợ từ nguồn ngân sách năm tài chính 2020 của mình cho một số hệ thống tên lửa vi phạm Hiệp ước INF. Đến tháng 5/2019, Lầu Năm Góc đã ký các hợp đồng mới trị giá hơn 1 tỷ đo la cho Tên lửa vi phạm Hiệp ước INF.

Tuy nhiên, ngay cả trước đó, Nga cũng đã chú ý đến sự nguy hiểm của hệ thống Aegis Ashore, một hệ thống tên lửa dẫn đường lấy từ tàu chiến và đặt tại căn cứ trên bộ ở Deveselu, Romania. Nga lưu ý rằng, nó có thể được sử dụng để phóng vũ khí tấn công.

Đáp lại nghi ngờ này, Washington đã gạt bỏ nỗ lo sợ của Moscow và tuyên bố, hệ thống Aegis Ashore chỉ được chế tạo để đánh chặn các tên lửa tấn công.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Mỹ buộc phải rời khỏi Hiệp ước INF để cạnh tranh với Nga, nước mà ông cho rằng đã vi phạm hiệp ước trong nhiều năm với hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander.

Moscow từ lâu đã phủ nhận hệ thống này có phạm vi bị cấm theo hiệp ước và cáo buộc Washington sử dụng Iskander như một cái cớ để từ bỏ hiệp ước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại