Hôm 2/8, Mỹ chính thức rời bỏ Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết năm 1987.
Tuyên bố được đưa ra không lâu sau khi Nga cùng ngày thông báo hiệp ước INF "đã chết", theo hãng tin AFP.
Mỹ đã quyết định rút khỏi INF sau khi thông báo quyết định của mình tới Nga 6 tháng trước, với lý do Nga đã vi phạm hiệp ước này. Nga đã phủ nhận cáo buộc trên và cho rằng Mỹ muốn rút khỏi INF nhằm có cớ để phát triển các loại tên lửa mới.
Trong một tuyên bố ngày 2/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Nga đã vi phạm INF do không tuân thủ việc phá hủy hệ thống tên lửa của mình theo quy định của hiệp ước này.
Ông Pompeo cho rằng, việc Nga không tuân thủ INF gây phương hai tới các lợi ích tối thượng của Mỹ và hệ thống tên lửa của Nga là mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ và các đối tác và đồng minh của Mỹ.
Việc Mỹ rút khỏi INF đã chấm dứt thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga nhằm hạn chế việc phát triển các tên lửa phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500km tới 5.500km. Việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này cũng làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang.
Báo Washington Examiner nhận định Bộ Quốc phòng Mỹ giờ đây được tự do phát triển những hệ thống vũ khí từng bị cấm bởi hiệp ước INF. Trước mắt, Lầu Năm Góc dự kiến thử tên lửa hành trình mới trong vài tuần tới và đến tháng 11 có kế hoạch thử tên lửa đạn đạo tầm trung.
Trong thông cáo của mình, Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng hành động của Mỹ được khởi đầu bằng những nỗ lực của Washington trong việc làm suy yếu hiệp ước, tạo ra tiền đề cho sự sụp đổ của nó.
Nga cho rằng những nỗ lực này cho thấy Mỹ đã tạo đà cho việc phá hủy toàn bộ các hiệp ước quốc tế mà Washington thấy không phù hợp mà không cần lý do gì.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga viết: "Với việc khởi động một chiến dịch tuyên truyền, dựa trên những thông tin sai lệch có chủ ý về sự vi phạm của Nga đối với INF, Mỹ đã cố tình tạo ra một cuộc khủng hoảng không thể vượt qua chung quanh hiệp ước này. Rõ ràng lý do của hành động này là Mỹ muốn được thoát khỏi những hạn chế hiện nay".
Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ trích đại diện của Mỹ khi cho rằng INF đã lỗi thời và cần "có sự tham gia của các nước thứ ba".
Nga cho rằng trong khi đưa ra những khẳng định này, Mỹ biết rõ một thực tế rằng các quốc gia đang nghi vấn chưa sẵn sàng đảm nhận những nghĩa vụ có liên quan trong Hiệp ước. Mặc dù vậy, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow vẫn để ngỏ khả năng đàm phán về việc khôi phục lòng tin lẫn nhau và tăng cường an ninh toàn cầu.
Nga cũng kêu gọi Mỹ hủy bỏ kế hoạch triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung và hứa rằng trong trường hợp này, Nga sẽ không triển khai các vũ khí tương tự để đáp trả.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng, trong trường hợp ngược lại, Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm về những căng thẳng gia tăng.
Việc cả Nga và Mỹ rời bỏ hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết năm 1987 khiến dư luận lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu mới.