Không quân Mỹ hiện theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân mới trị giá hàng trăm tỷ USD và kéo dài trong nhiều năm. Dù mới chỉ ở những giai đoạn ban đầu, nhưng dự toán chi phí dành cho chương trình này đang có dấu hiệu tăng mạnh qua từng năm.
Vấn đề trên có thể dẫn tới bội chi ngân sách quốc phòng nghiêm trọng đối với Mỹ trong nhiều năm tới. Mặt khác, giới chuyên gia quân sự cũng hoài nghi việc Lầu Năm góc thay thế lực lượng tên lửa Minuteman III liệu có phải là bước đi hợp lý.
Tổng dự toán chi phí tăng 35% chỉ trong 1 năm
Năm 2015, Không quân Mỹ dự tính để thay thế toàn bộ các đơn vị tên lửa hành trình liên lục địa (ICBM) Minuteman III cần khoảng 62,3 tỷ USD. Tuy nhiên, mới đây, trong báo cáo của lãnh đạo Cơ quan Mua sắm vũ khí thuộc Lầu Năm góc, Frank Kendall lại đánh giá, tổng chi phí chương trình trên đã tăng lên gần 85 tỷ USD (tăng 35% so với dự toán chi phí ban đầu).
“Chương trình của Không quân có nhiều vấn đề về chi phí phát sinh”, ông F. Kendall nhận định. Theo ông F. Kendall, 85 tỷ USD mới chỉ là chi phí ước tính của chương trình thay thế ICBM Minuteman III tính tới thời điểm tháng 8-2016 và nó sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới.
Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia Kingston Reif thuộc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí Mỹ đánh giá, chương trình nâng cấp lực lượng chiến lược của Không quân Mỹ chứa đựng nhiều rủi ro và Lầu Năm góc đang đánh giá thấp vấn đề này.
Với năng lực hạt nhân đã đủ phá hủy Trái đất nhiều lần, việc Mỹ nâng cấp lực lượng hạt nhân có thật sự cần thiết. Ảnh minh họa / DefenseTalk.
“Từ góc độ chính phủ, Lầu Năm góc cần có kế hoạch dài hơi và cả các phương án dự phòng. Thiếu điều này, với tổng mức chi phí lớn, chương trình thay thế ICBM Minuteman III có thể ảnh hưởng tới dự toán ngân sách quốc phòng của Mỹ trong vòng 5 tới 10 năm tới”, ông K. Reif nhận định.
Ông K. Reif nhấn mạnh, quá trình nâng cấp lực lượng chiến lược của Không quân Mỹ có thể lập lại kịch bản của chương trình F-35.
Với mức dự toán ngân sách ban đầu chỉ 250 tỷ USD, nhưng tới thời điểm hiện tại, tổng chi phí cho chương trình đã chạm mốc 1.000 tỷ USD và trở thành chương trình phát triển vũ khí đắt giá nhất trong lịch sử quân sự Mỹ. Trong khi đó, F-35 vẫn chưa thực sự hoàn thiện và có rất nhiều vấn đề kỹ thuật cần khắc phục.
Chuyên gia K. Reif cho biết, việc xem xét lại chương trình GBSD cũng có thể dành ra nguồn ngân sách cho các chương trình vũ khí mang tính cấp thiết hơn như việc phát triển thế hệ tên lửa tầm xa phóng ngoài tầm phòng không của đối phương Long-Range Standoff (LRSO).
Chương trình vũ khí trị giá 20 tỷ USD cũng được coi là một trong những nhân tố quan trọng trong khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ.
Chương trình nâng cấp ICBM Minuteman III liệu có cần thiết?
Hiện tại, chương trình nâng cấp ICBM Minuteman III của Không quân Mỹ đang nhận được sự hoài nghi của giới chuyên gia quân sự. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là bước đi tốn kém và mang lại hiệu quả không cao.
Thậm chí, theo đánh giá của cựu thư ký quốc phòng Mỹ, William Perry, chương trình thay thế hệ thống ICBM Minuteman III bằng hệ tên lửa mới GBSD là “thiển cận và lãng phí”.
“Theo quan điểm của tôi, bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới là điều cực kỳ thiển cận và thiếu hiểu biết. Chúng ta đang thực hiện một chương trình cực kỳ tốn kém, mà chưa có suy tính kỹ càng về nó”, ông W. Perry nói.
Theo lời ông này, việc phát triển hệ thống răn đe hạt nhân mới không chỉ đơn giản là tung tiền cho các chương trình phát triển máy bay ném bom B-21 hay ICBM GBSD.
Điểm yếu chí tử của lực lượng hạt nhân Mỹ hiện nay nằm ở khả năng bị tấn công mạng và báo động nhầm, chứ không phải là hệ thống ICBM sẵn có vốn đã đủ khả năng hủy diệt Trái đất nhiều lần.
“Nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân, các căn cứ ICBM cố định sẽ là mục tiêu tấn công đầu tiên. Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo sớm của chúng ta có thừa khả năng phát hiện ra các vụ phóng tên lửa nhằm vào nước Mỹ. Vấn đề chỉ là việc chúng có quyết định đáp trả ngay lập tức bằng ICBM hay không?”, ông W. Perry cho biết.
Chuyên gia W. Perry đánh giá, đảm bảo an toàn cho lực lượng hạt nhân chiến lược hiện nay khó hơn nhiều so với thời chiến tranh Lạnh, khi lực lượng này có thể bị mất quyền chỉ huy do tin tặc, lỗi hệ thống, báo động nhầm và thậm chí là lỗi của hệ thống chỉ huy
“Một trong những mối nguy hiểm chính hiện nay là chúng ta có thể xảy ra chiến tranh hạt nhân toàn cầu do tai nạn. Trong thời chiến tranh Lạnh, chúng ta từng phát triển nhiều kịch bản giả lập bị tấn công hạt nhân và lập trình các phương án đáp trả trong máy tính.
Tuy nhiên, chính sự tự động hóa này lại là điểm yếu chết người. Khi báo động được đưa ra, Tổng thống Mỹ chỉ có vài phút để đưa ra quyết định phóng tên lửa đáp trả và rất khó có thể xác định được liệu nước Mỹ có bị tấn công tên lửa thật không?”, chuyên gia W. Perry nói.